Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng): Nông dân thu nhập 1 tỷ đồng từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
18:20 - 27/06/2016
(TNNN) – Việc ứng dụng chương trình nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua đã đưa Lâm Đồng trở thành địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.
Một mô hình trông rau quả sạch được ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đơn Dương


 
Thống kê cho thấy, rất nhiều sản phẩm trên địa bàn tỉnh đang có quy mô sản xuất hàng hóa lớn nên xuất khẩu nông sản hiện chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thông qua chương trình nông nghiệp công nghệ cao cũng đã giúp cho nhiều nông dân và doanh nghiệp của địa phương làm giàu.

 
Đây cũng là hướng đi giúp Lâm Đồng thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, bình quân thu nhập qua mỗi năm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt trên 45 triệu đồng/ha. Riêng đối với những vùng trồng rau, hoa trong nhà kính của các doanh nghiệp, hộ dân còn có thể đạt thu nhập ở mức từ 500 triệu đồng- 1 tỷ đồng/ha.


 
Có thể nói, những năm trở lại đây, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân tại huyện Đơn Dương nâng cao thu nhập đáng kể. Trong đó, mô hình sản xuất rau, hoa theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay đang được nhiều người dân áp dụng và mở rộng dựa vào những hiệu quả kinh tế thực sự mà nó mang lại. Đặc biệt, trong thời điểm tình hình hạn mặn đang còn diễn ra gay gắt ở nhiều tỉnh, thành phố như hiện nay thì những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ của Lâm Đồng bị ảnh hưởng không đáng kể.

 
Với tổng diện tích 475 ha đất sản xuất nông nghiệp, xã Lạc Lâm là địa phương có diện tích đất trung bình tính trên đầu người khá hạn chế của cả huyện. Tuy nhiên, nhờ sớm áp dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa mà người dân tại đây hiện đang có mức thu nhập khá cao và ổn định. Điển hình như ông Nguyễn Ngọc Hùng, người sớm phát triển cây trồng theo hướng công nghệ cao.

 
Ngay từ năm 2012, ông Hùng quyết định chuyển đổi 1,6 ha đất trồng hoa kém hiệu quả của gia đình sang trồng rau công nghệ cao. Ông đầu tư vào việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động. Từ đó đến nay, với nhiều loại cây trồng đa dạng như: Cà chua, hành tây, sú… mỗi năm gia đình ông cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.


 
Tương tự, gia đình Bùi Ngọc Cung ở xã Lạc Xuân cũng là một trong những người vươn lên làm giàu từ mô hình trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao. Anh Cung cho biết, với số vốn 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính với hệ thống phun tưới tự động, hiện các sản phẩm như: Dưa bao tử, cà chua… của gia đình anh luôn được đánh giá cao về chất lượng. Giá trị nông sản nhờ đó cũng được nâng lên đáng kể, hiệu quả kinh tế tăng lên. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình anh có thu nhập đều đặn hơn 1 tỷ đồng.


 
Mặc dù mô hình trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao đã được áp dụng từ khá lâu trên địa bàn tỉnh; song, đối với một địa phương mà việc gắn phát triển kinh tế vốn chủ yếu dựa vào mô hình nuôi bò sữa như huyện Đơn Dương thì đây thật sự đang mở ra một hướng làm giàu mới. Từ những hiệu quả mà các mô hình trồng rau, hoa theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại, hiện những mô hình kiểu này đang dần được đầu tư mở rộng.
 


Ban đầu chỉ từ việc xây dựng các mô hình điểm và hướng dẫn giới thiệu chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, hiện nay diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao đã chiếm 73% diện tích đất canh tác rau, hoa của tỉnh. Đặc biệt, đã phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao được ngay trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển cả về số lượng và chất lượng, các khâu sản xuất ứng dụng công nghệ cao cũng ngày càng nhiều hơn.


 
Ông Nguyễn Văn Tiến- Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, cho biết: Trước đây, việc đầu tư trồng rau, hoa công nghệ cao chủ yếu là do người dân tự đi tìm tòi, học hỏi và đổi mới trong sản xuất; những kinh nghiệm trong sản xuất được người dân truyền đạt và hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, với diện tích áp dụng đang được mở rộng như hiện nay, chính quyền xã đã chú trọng tới việc tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phổ biến các giống cây mới cho nông dân.


 
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp & PTNT của huyện, tính đến đầu năm 2016, tổng diện tích rau, hoa công nghệ cao trên toàn huyện là 6.845/7.311ha, (đạt 93,6% kế hoạch năm); năng suất rau bình quân đạt trên 330 tạ/ha. Bên cạnh đó, chất lượng sản xuất rau, hoa theo hướng công nghệ cao cũng ngày càng được nâng lên. Các mô hình rau, hoa ứng dụng công nghệ cao hiệu quả đang được nhân rộng như các mô hình: Trồng ớt ngọt ghép, cà chua, hoa cắt cành…

 
Đáng mừng hơn nữa khi toàn huyện hiện đã có 43 tổ chức và cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh rau an toàn, chứng nhận VietGAP, có 04 cơ sở khác được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu rau Đà Lạt. Trong thời gian tới, huyện Đơn Dương sẽ tiếp tục triển khai và theo dõi việc tổ chức thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


 

Đơn Dương là huyện giáp ranh với thành phố Đà Lạt, là một trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất của cả nước hiện nay. Riêng diện tích và sản lượng trồng cây cà chua của huyện đứng cao nhất cả nước từ nhiều năm qua.

 
Hầu hết nông dân trồng rau tại huyện đều đang có đời sống khá và giàu. Từ những kết quả đạt được, Đơn Dương được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của vùng Tây Nguyên; đồng thời là 1/10 huyện đạt danh hiệu nông thôn mới đầu tiên của cả nước.
 

Minh Hoa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo