(TNNN) - Dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng nhờ quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân địa phương, sau 5 năm bộ mặt nông thôn của Thủ đô đã có nhiều thay đổi và là niềm tự hào khi dẫn đầu cả nước trong chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
|
Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống cư dân nông thôn |
Sau 05 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011-2015), khu vực nông thôn Thành phố đã có những chuyển biến mạnh mẽ, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao; công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.
Giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,4%/năm, tăng 0,65% so với mục tiêu Chương trình đề ra (1,75%), giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2015 đạt 233 triệu đồng/ha, tăng 44,6 triệu đồng/ha so với đầu giai đoạn và tăng 2 triệu đồng/ha so với mục tiêu Chương trình đề ra.Thành phố hiện có 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, với 386 xã. Tổng diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp trên 18.000ha, dân số khu vực nông thôn trên 3,7 triệu người, chiếm trên 50% dân số thành phố.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,4%/năm, tăng 0,65% so với mục tiêu Chương trình 02 đề ra (1,75%); giá trị sản xuất năm 2015 đạt 223 triệu đồng/ha, tăng 44,6 triệu đồng/ha so với năm 2011 và tăng 2 triệu đồng/ha so với mục tiêu chương trình. Hà Nội đã hoàn thành công tác dồn diền đổi thửa (DĐĐT) với tổng diện tích 76.891ha. Sau DĐĐT, đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau an toàn, hoa, cây ăn quả, lúa chất lượng cao, vùng chăn nuôi gia cầm, thịt bò, bò sữa, thủy hải sản tập trung quy mô lớn. 201/386 xã (chiếm 52,07%) đạt chuẩn NTM, vượt 12,07% so với kế hoạch đề ra. Trong 185 xã còn lại, có 102 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 83 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM năm 2015; đến nay, 3 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức đang trình Chính phủ công nhận huyện NTM.
Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 là 63.553 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 52.661 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách gần 11.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 14 triệu đồng/người (năm 2011) lên 33 triệu đồng/người (năm 2015), vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,25% (năm 2011) xuống còn dưới 1,5% (năm 2015); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%.Tổng nguồn vốn đầu tư để thực hiện phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020 của TP.Hà Nội là 72.092 tỷ đồng.Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, mục tiêu giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị cao; giá trị sản xuất/héc ta canh tác đạt 250 triệu đồng/ha; phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện đã có 52% số xã đạt) và 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của người dân nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1,8%...
Giai đoạn 2016 - 2020 của Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân 3,5 - 4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao…