Lâm Đồng: Ngày càng có nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ
18:38 - 26/07/2016
(TNNN) - Thời gian qua, từ quá trình ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và hỗ trợ trong sản xuất, rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã gặt hái thành công ngay trên chính diện tích đất sản xuất của mình. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những hộ nông dân đều đặn có thu nhập tiền tỷ mỗi năm, họ làm giàu bằng chính đôi bàn tay cùng khối óc và khả năng sáng tạo không ngừng.
Một cơ sở nuôi cấy mô ở huyện Đơn Dương- Lâm Đồng



Từ nhiều năm nay, Lâm Đồng tập trung cho việc khai thác những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, địa lý. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ mới để tổ chức được cuộc cách mạng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là một trong những khâu đột phá đối với quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.



Đến nay, diện tích sản xuất rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao trong toàn tỉnh đã đạt gần 43 nghìn ha. Trong đó, diện tích sản xuất rau, hoa, quả và cây đặc sản đạt 14.600 ha; sản xuất chè đạt 5.635 ha; cà phê đạt hơn 15.000 ha... chiếm 16% diện tích đất nông nghiệp và 30% giá trị toàn ngành.


Quan trọng hơn, những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao nói trên hiện đang có giá trị xuất khẩu chiếm tới hơn 80% giá trị xuất khẩu của cả tỉnh; doanh thu bình quân đạt 140 triệu đồng/ha/năm (tương đương gần 7.000 USD/ha). Trong đó, có nhiều diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao còn cho thu nhập đạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm.



Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện trên địa bàn các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, thành phố Đà Lạt có tổng cộng khoảng 60 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất hơn 30 triệu cây giống gốc/năm cùng với hơn 200 vườn ươm đang xuất bán 2 tỷ cây giống thương phẩm/năm. Nhờ đó giúp người nông dân tiếp cận được nguồn giống sản xuất mới với trên 90 loại rau và 70 loại hoa, cây giống; tất cả đều đạt chất lượng cao đồng đều, sạch bệnh, bảo toàn được đặc tính của dòng cây bố mẹ. Phổ biến nhất hiện đang là các giống như: Khoai tây, dâu tây, hoa cúc, cẩm chướng, đồng tiền…


Bên cạnh đó, nhiều vườn ươm ở đây cũng áp dụng kỹ thuật lai tạo từ chồi các giống cà chua, ớt ngọt các loại được đem ghép trên gốc cây cà tím, ớt cay… Khi đưa ra trồng và chăm sóc trên đồng, những loại cây lai ghép này cho thấy có khả năng đề kháng tốt hơn đối với các loại bệnh thường xuất hiện nhanh, gây hại nghiêm trọng như các bệnh héo vàng, héo xanh… so với các loại cây thuần chủng.


Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Tài chính Bejo của Hà Lan để sản xuất 1.000 giống rau chất lượng cao tại huyện Lâm Hà, tổng giá trị đạt 9,5 triệu Euro. Doanh nghiệp Dalat Hasfarm cũng được cấp nguồn vốn đầu tư 1,5 triệu USD để tập trung nghiên cứu, nhân giống các loại hoa cao cấp mới, góp phần đáp ứng nhu cầu chuyển đổi giống cây trồng công nghệ cao cho nông dân tại địa phương.



Đối với công nghệ tưới tiết kiệm, thông qua cách tiếp cận mới, nông dân Lâm Đồng đã chủ động từ việc tự lên thiết kế, mua dây chuyền thiết bị về lắp đặt thành những hệ thống phù hợp theo từng địa hình và mỗi loại giống cây trồng cụ thể. Nhờ đó, mức chi phí cho công đoạn lắp đặt cũng rất tiết kiệm, người dân đầu tư 4- 5 triệu đồng/1.000 m2 cho công nghệ vận hành tưới phun mưa và mức 8- 10 triệu đồng/1.000 m2 công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân. Kết quả, đã tiết kiệm được từ 30- 60% lượng nước tưới so với bình thường.


Ngoài ra, nông dân Lâm Đồng bước đầu còn sử dụng những nguyên vật liệu giá rẻ, được sản xuất từ các nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp như: Rơm rạ, mùn cưa, bột gỗ… để bón vào trong đất. Việc làm này có tác dụng giữ được độ ẩm khá cao cho cây trồng. Cụ thể là, thực hiện chức năng lưu giữ nước cho rễ cây với khối lượng gấp từ 200- 600 lần so với các vật liệu trên nền đất canh tác theo như phương pháp cũ truyền thống.


Hiện thu nhập bình quân mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt trên 45 triệu đồng/ha. Riêng đối với những vùng trồng rau, hoa trong nhà kính của các doanh nghiệp, hộ dân còn có thể đạt thu nhập ở mức 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Trong thời điểm hạn hán gay gắt trên diện rộng như vừa qua thì những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ của tỉnh bị ảnh hưởng không nhiều.


Tại thành phố Đà Lạt và các huyện trọng điểm nông nghiệp công nghệ cao như Đức Trọng, Đơn Dương… nhiều nông dân và doanh nghiệp đang canh tác mô hình trồng rau, hoa quả trong nhà kính. Đây là mô hình áp dụng công nghệ hiện đại theo hướng tự động hóa và điện khí hóa.



Một điển hình cho mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nông dân trong xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dinh ngụ ở thôn Lạc Thạnh. Trên diện tích hơn 3.000m2, gia đình anh đã cho đầu tư gần 1 tỷ đồng để làm nhà kính với khung sắt nhúng kẽm nóng không rỉ, mái phủ bạt nilon, xung quanh vây lưới ngăn côn trùng, ở trong có lưới ngắt nắng và hệ thống tưới phun theo công nghệ Israel… Theo đó, tất cả công đoạn từ khâu làm đất, lên luống, bón phân, phun tưới đều đã được anh cơ giới hóa, tự động hóa.


Anh Dinh cho biết, nếu như trước đây làm bằng tay thì với diện tích 3.000m2 thế này, chỉ tính riêng khâu làm đất cũng phải mất hơn hai ngày mới xong, nay nhờ cơ giới hóa nên chỉ cần vài tiếng đồng hồ mà thôi. Khâu tưới nước cũng vậy, trước đây phải cần một người kéo ống, một người khác cầm vòi tưới cả buổi mới xong thì nay, anh chỉ cần một thao tác bật công tắc là đã hoàn thành. Hiện nay, với 3.000m2 trồng ớt ngọt trong nhà kính theo hướng công nghệ cao cộng với diện tích 1,2 ha nhà lưới trồng luân phiên một số cây rau màu khác, mỗi năm gia đình anh Dinh thu về được khoảng gần 1,5 tỷ đồng.



Cơ sở sản xuất cây giống của anh Nguyễn Quốc Thắng cùng ở xã Lạc Lâm cũng gây ngạc nhiên cho khách đến tham quan với hàng loạt các loại máy như: Máy xay đất mùn, máy đóng đất vô vỉ, máy gieo hạt chân không, máy rửa vỉ xốp... Tất cả máy móc đều phối hợp hoạt động nhịp nhàng để thay thế dần cho sức lao động của con người. Hiện cơ sở vườn ươm cây giống của anh Thắng có diện tích hơn 3,5ha, mỗi năm cung cấp cho ra thị trường hơn 6 triệu cây giống các loại.


Anh Thắng cho biết, nhờ có máy móc mà gia đình anh đã giảm được đáng kể chi phí nhân công. Hiện nay, trung bình mỗi chiếc máy có thể thay thế cho từ 10- 12 nhân công lao động so với trước đây. Bên cạnh đó, làm bằng máy, chất lượng sản phẩm cũng đồng đều và tốt hơn. Chẳng hạn như ở khâu gieo hạt, nếu làm bằng máy không những năng suất hơn mà tỷ lệ hạt được gieo cũng đều hơn.


Tư duy làm nông kiểu mới cũng đã lan tỏa đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Dưới chân núi Lang Biang, huyện Lạc Dương, cũng đã xuất hiện nhiều nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao của đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Păng Ting Sin, dân tộc Cơ Ho hào hứng khoe những đóa hoa hồng đang được thu hoạch theo đơn đặt hàng


Với mảnh vườn hơn 5.000 m2 của cha mẹ để lại, trước đây anh Sin chỉ trồng lúa nước nên thu nhập thấp và bấp bênh. Sau khi mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư làm nhà kính, hiện tất cả quy trình sản xuất hoa của gia đình anh đều khép kín, có hệ thống tưới nước và tưới phân tự động. Vườn hoa hồng của anh đến nay đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình sản xuất này hiện còn trở thành một địa chỉ để các hộ đồng bào dân tộc tại địa phương đến tham quan, học hỏi.


Bà Lê Thị Vũ- một chủ trang trại liên kết trồng rau, quả trong nhà kính ở thị trấn Liên Nghĩa- huyện Đức Trọng không giấu sự vui mừng khi đứng bên những luống cà chua chín mọng được sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại của mình. Trước đây, cũng trên chính mảnh đất này, việc canh tác tự nhiên cho hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí nhiều vụ còn bị mất trắng, bà Vũ chỉ biết kêu trời.


Từ ngày đầu tư xây dựng nhà lồng, sử dụng hệ thống tưới phun sương và tưới tiết kiệm bằng ống đẳng áp, tuy phải đầu tư số vốn khá lớn lúc ban đầu nhưng bà rất yên tâm vì không còn nỗi lo bị thời tiết đe dọa hay sâu bệnh phá hại. Vì vậy, thu nhập của gia đình bà cũng tăng lên đáng kể, sản phẩm cà chua sạch có giá bán trên thị trường từ 50.000 – 80.000 đồng/1kg.



Những nông dân của nền nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng hiện nay đang khắc họa cho mình hình ảnh mới khác xưa, đó là những nông dân ngồi phòng lạnh, lướt web; làm việc trong nhà kính, nhà lưới; điều khiển máy móc thay thế sức người… Phát huy hiệu quả tích cực từ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, Lâm Đồng dần trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về việc nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất sản xuất.



 

Minh Hoài
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo