Sau ba năm thực hiện dồn thửa, đổi ruộng (DTĐR), nhiều địa phương ở tỉnh Hưng Yên đã biến những cánh đồng, thửa ruộng manh mún thành những cánh đồng “thẳng cánh cò bay”, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, đưa cơ giới vào sản xuất, góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
|
Nông dân huyện Văn Giang (Hưng Yên) ứng dụng công nghệ tiên tiến trong trồng hoa. |
Đổi thay trên những cánh đồng
Bên chiếc máy gặt liên hoàn đang xả thóc vào từng bao tải lớn, ông Phạm Văn Toản, ở thôn Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi cho biết: Niềm vui lớn nhất của nông dân là xóa bỏ được tình trạng ruộng đồng manh mún, thay vào đó là những thửa ruộng lớn, rất thuận lợi cho sản xuất; bây giờ, cấy, gặt một mẫu lúa bằng máy chỉ mất hơn một giờ là xong. Rồi ông bảo: Lúc đầu nói đến DTĐR, ai cũng ngại, lo gắp thăm phải đồng xa, ruộng xấu, một số người đã bàn lùi. Nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền xã, thôn, cùng nhân dân bàn bạc công khai, dân chủ, đưa ra các phương án DTĐR hợp lý, những lo lắng của dân đã được giải tỏa, tạo nên sự đồng thuận trong việc chia lại ruộng trong thôn, xã.
Đi trên những con đường rộng từ 5 m đến 7 m dẫn ra đồng của các thôn Mão Cầu, Mão Đông, Gạo Nam, Chủ tịch UBND xã Hồ Tùng Mậu Phạm Như Công chia sẻ kinh nghiệm: “Công tác tuyên truyền, vận động phải đặt lên hàng đầu, các chủ trương, chính sách phải được truyền tải đến tất cả các hộ trong xã. Các thôn, đội tổ chức họp dân, bàn bạc công khai, dân chủ, khi nào có sự thống nhất của nhân dân mới thông qua phương án chia lại ruộng. Trước khi chia lại ruộng, các thôn phải làm xong hệ thống thủy lợi, đường giao thông ra đồng, đến tận những nơi đồng xa, ruộng xấu, vì thế đã giải tỏa được những lo ngại của nhân dân. Một số đội có hiện tượng bốc thăm ruộng không công bằng, nhân dân có ý kiến, chúng tôi xuống kiểm tra ngay, yêu cầu làm lại. Nhờ vậy, nhân dân tin tưởng, việc DTĐR của các thôn được tiến hành thuận lợi. Xã Hồ Tùng Mậu đã sớm hoàn thành việc DTĐR và trở thành mô hình điểm của huyện Ân Thi”.
Để hỗ trợ công tác DTĐR, ngày 14-6-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã có Chỉ thị số 21-CT/TU về việc tiếp tục DTĐR xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tỉnh hỗ trợ công tác DTĐR một triệu đồng/ha; tổ chức quy hoạch, xây dựng kế hoạch chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả cao..., tạo động lực cho các địa phương tích cực DTĐR. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 70% số xã đã thực hiện DTĐR; trong đó có 75 xã đã giao xong ruộng ngoài thực địa cho nông dân, với khoảng 60% số hộ nhận ruộng một thửa. Phần lớn địa phương làm tốt công tác DTĐR đã khắc phục tình trạng manh mún, hình thành nên các thửa ruộng lớn, tạo điều kiện cho việc cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất.
Huyện Phù Cừ là nơi đầu tiên thực hiện việc DTĐR ở tỉnh Hưng Yên. Đến nay, tất cả các xã đã giao ruộng cho nông dân, với mức bình quân chung cả huyện đạt 1,38 thửa/hộ; nhân dân hiến hàng trăm héc-ta đất làm mương, máng, giao thông; hàng trăm héc-ta ruộng cấy lúa hiệu quả thấp đã được chuyển đổi sang trồng cây có giá trị cao; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt hơn 60%... Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cừ Lê Xuân Mai cho biết, các xã thành công trong DTĐR là do đã phát huy cơ chế dân chủ, theo hướng: chi bộ đảng đưa ra chủ trương, phương hướng; thôn xây dựng các phương án DTĐR để dân bàn, dân quyết định; chính quyền xã kiểm tra, giám sát. Những cánh đồng gặp khó khăn về giao thông, thủy lợi, chính quyền địa phương đã tập trung vận động, huy động sức dân, đầu tư xây dựng, tu sửa mương máng, giao thông nội đồng, xây dựng hệ số K chuyển đổi đất hợp lý và phải làm từng bước, không chạy theo phong trào. Những khó khăn, vướng mắc ở thôn, đội được các cấp ủy, chính quyền xã tiếp nhận xử lý, với tinh thần năng động, sáng tạo, giải quyết kịp thời phù hợp với từng hoàn cảnh thôn, xóm, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, có lý, có tình.
Bí thư Huyện ủy Phù Cừ Lê Trí Viễn nhận định: Việc DTĐR đã tạo nên những thửa ruộng lớn, nhưng đó chỉ là bước đầu, vấn đề mấu chốt là phải tạo sự thay đổi về chất trong sản xuất nông nghiệp, theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nông dân, có như vậy thì chương trình DTĐR mới hoàn toàn thắng lợi. Do vậy, huyện đã đầu tư hỗ trợ nông dân thông qua các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, như: Chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao giá trị hàng hóa; Kế hoạch chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; Dự án xây dựng thương hiệu nông sản vải lai chín sớm Phù Cừ... Qua việc triển khai các chương trình, dự án nêu trên đã tạo nên phong trào sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị cao phát triển sâu rộng trong các thôn, xóm.
Khai thác lợi thế, khắc phục hạn chế
Trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Đoàn Thị Chải về khai thác lợi thế trong sản xuất nông nghiệp sau DTĐR, chúng tôi được biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích tích tụ ruộng đất, cho thuê đất để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; xây dựng những mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... làm động lực cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển; hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo sức lan tỏa làm thay đổi bức tranh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, trong quá trình thực hiện DTĐR ở Hưng Yên có nảy sinh những vướng mắc, sai phạm; một số địa phương chưa thực hiện tốt Quy chế dân chủ, cán bộ thôn lợi dụng việc chia lại ruộng để tư lợi gây nên những bức xúc trong nhân dân, dân không nhận ruộng; còn nhiều xã chưa thực hiện DTĐR...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Đặng Xuân Lương cho biết: Việc nhiều địa phương chưa thực hiện DTĐR có nguyên nhân khách quan do phần lớn những nơi này có quy hoạch dành đất cho công nghiệp, đô thị, hoặc nhân dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những cánh đồng cho thu nhập cao. Một số địa phương chưa quan tâm, sâu sát công tác DTĐR, khoán trắng cho thôn, khi xảy ra hiện tượng tư lợi trong DTĐR, dân có ý kiến, chính quyền xã chưa giải quyết kịp thời, dẫn đến việc dân khiếu kiện, bỏ ruộng không cấy. Đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình DTĐR đã được các cấp, ngành trong tỉnh rút kinh nghiệm, kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến DTĐR, lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Để giải quyết những vướng mắc trong quá trình DTĐR, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh rà soát toàn bộ diện tích ruộng chưa thực hiện dồn, đổi để phân loại từng loại ruộng đất (đất ruộng trong quy hoạch công nghiệp, đô thị, đất ruộng đã chuyển đổi cây trồng...), trên cơ sở đó chỉ đạo, đôn đốc các xã vào cuộc quyết liệt, phân công cán bộ trực tiếp cùng các thôn tổ chức tuyên truyền, vận động, họp bàn với dân để thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên về DTĐR. Những vi phạm của cán bộ liên quan đến việc DTĐR, các xã phải giải quyết kịp thời, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, tạo lòng tin cho nhân dân. Chỉ có như vậy thì việc DTĐR mới thật sự thành công.