Nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hòa Bình đã và đang được khơi thông dòng chảy tới các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Từ nguồn vốn ưu đãi này, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo một cách bền vững và từng bước ổn định cuộc sống.
|
Gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, ở xóm Suối Sỏi, xã Tân Thành (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) được vay vốn chương trình hộ nghèo đầu tư vào chăn nuôi và trồng trọt. |
Đòn bẩy xóa đói, giảm nghèo
Những năm trước, gia đình ông Dương Văn Dạn ở xóm Cọ (xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) chăn nuôi lợn có quy mô lớn gần như nhất xã, nhưng do thiên tai dịch bệnh, đàn lợn hàng trăm con của gia đình ông chết hết. Đang là hộ khá giả, chỉ sau một đêm gia đình ông bỗng chốc trở thành “trắng tay”. Năm 2015, được vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH, gia đình ông Dạn lại tiếp tục đầu tư nuôi lợn và nuôi trâu. “Trong lúc khó khăn nhất, đồng vốn của NHCSXH đã giúp gia đình chúng tôi vượt qua đói, nghèo. Ở vùng đất này, trồng cấy cũng chỉ vừa đủ ăn, nên để thoát nghèo chỉ biết trông vào chăn nuôi thôi. Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, hy vọng rằng lần này gia đình sẽ thành công”, ông Dạn cho biết.
Tương tự gia đình ông Dạn, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Toàn ở xóm Suối Sỏi (xã Tân Thành, huyện Lương Sơn) cũng là một điển hình trong việc vay, sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi hiệu quả. Gia đình anh vốn là hộ nghèo của xã. Vợ mất sớm, một mình anh Toàn phải chăm lo cho ba đứa con. Là người chịu khó, năm 2013 anh Toàn vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH đầu tư chăn nuôi lợn, gà, kết hợp trồng thêm bưởi, chanh đào. “Được vay vốn ưu đãi thật sự là nguồn động lực để gia đình vươn lên phát triển kinh tế. Hiện, gia đình tôi nuôi ba lứa lợn thịt/năm, bình quân 40 con/lứa, mỗi năm xuất chuồng tám đến mười tấn lợn hơi, ngoài ra còn nuôi khoảng 1.000 con gà và tự mày mò trồng 120 cây bưởi, 100 cây chanh đào năm thứ hai. Với mức thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, tôi tin rằng, gia đình sẽ thoát nghèo bền vững trong năm nay”, anh Toàn phấn khởi nói.
Qua thực tế tìm hiểu các hộ vay vốn ưu đãi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, mới cảm thấy người nông dân rất trân trọng đồng vốn chính sách của nhà nước. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Nguyễn Đại Hà, các chương trình vay vốn ưu đãi của NHCSXH đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; giúp đẩy nhanh tiến trình thực hiện tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí vệ sinh môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. “Nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay, mức cho vay 8 triệu đồng/hộ (trước kia) và hiện tại là 12 triệu đồng/hộ để đầu tư cho các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường thì khó có thể xây dựng được một công trình bảo đảm chất lượng bởi giá cả vật liệu, nhân công đều rất cao. Chính quyền địa phương và nhân dân xã Tân Thành rất mong Nhà nước tăng mức cho vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường để xây dựng được những công trình bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Nguyễn Đại Hà cũng chia sẻ thêm.
Nối dài “những cánh tay”
Cùng với sự hợp tác có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội và sự đón nhận của người dân, nguồn vốn của NHCSXH đã trở thành công cụ hữu hiệu của tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Để chuyển tải nguồn vốn chính sách đến với đối tượng thụ hưởng, với phương châm "ủy thác từng phần, dân chủ công khai, giải ngân tại chỗ", chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã thành lập 2.900 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại 210 xã, phường, thị trấn, ủy thác cho bốn tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, dư nợ ủy thác ngày càng tăng. Bên cạnh đó, triển khai nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ tín dụng ưu đãi và phổ biến các văn bản về quy chế cho vay tới nhân dân, các tổ chức, đoàn thể. Thực hiện tuyên truyền người dân tham gia gửi tiền định kỳ hằng tháng để không những làm tăng hiệu quả của dòng vốn chính sách mà còn tạo thói quen tích lũy, đầu tư trong dân với số tiền huy động qua tổ TK&VV đạt gần 34 tỷ đồng. Với những quy chuẩn hộ nghèo mới cùng các chính sách tín dụng mới được triển khai, những người dân nghèo và các đối tượng chính sách khác sẽ có thêm những điều kiện phát triển kinh tế mới.
Ngay từ đầu năm, khi có nguồn vốn được giao, NHCSXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm triển khai, thực hiện việc giải ngân nhanh chóng và đồng bộ ở các địa phương. Trong sáu tháng đầu năm đã có 19.166 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách với mức cho vay bình quân 23,8 triệu đồng/khách hàng. Đến hết tháng 6, tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 2.328 tỷ đồng, hoàn thành 97,3% kế hoạch, tăng 7,9% so với cuối năm 2015. Nợ quá hạn toàn chi nhánh chỉ chiếm 0,27% tổng dư nợ.
Theo Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình Vũ Đình Đoài, thời gian qua, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội và đoàn thể tổ chức công tác tuyên truyền ở cơ sở. Trong đó, chú trọng kiện toàn các tổ TK&VV, thường xuyên nâng cao năng lực quản lý vốn cho các tổ trưởng. Từ đó, các tổ chức hội, các tổ TK&VV ở thôn, bản đã phát huy tốt vai trò ủy thác, là cánh tay đắc lực của ngân hàng trong thực hiện công tác tuyên truyền và quản lý vốn tại cơ sở. Đặc biệt là trong khâu bình xét đối tượng vay vốn, các tổ chức hội tham gia cùng với địa phương bình xét, bảo đảm tính dân chủ, công bằng và đúng đối tượng.
Trong triển khai cho vay, ngân hàng không chỉ bảo đảm đúng quy trình nghiệp vụ của mình và quan tâm việc tuyên truyền các chính sách đến người dân, chuyển vốn đến tận tay người cần vốn, mà còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng vốn như thế nào để có hiệu quả. “Vì vậy, trong quá trình cho vay, cán bộ ngân hàng còn phối hợp với các tổ chức hội, bám sát điều kiện địa phương và mục đích vay vốn để vừa hướng dẫn, định hướng, vừa kiểm tra quá trình sử dụng vốn. Đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, việc tuyên truyền, định hướng giúp bà con sử dụng vốn có hiệu quả luôn được quan tâm và chú trọng”, ông Đoài khẳng định.
Thông qua tín dụng ưu đãi, đồng vốn chính sách đã đến tay các hộ gia đình nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, từng bước hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.