Nếu muốn được tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống dân dã của người dân miền Tây sông nước, được đắm chìm trong sắc xanh mát mắt của những miệt vườn trù phú tốt tươi, du khách hẳn không thể bỏ qua loại hình du lịch “homestay” (nghỉ tại nhà dân). Tận dụng sự giàu có về thiên nhiên, sự đa dạng về điểm đến văn hóa, những người nông dân nơi đây đã mạnh dạn học hỏi, thử nghiệm và kinh doanh loại hình du lịch này, mang đến nguồn thu ổn định cho gia đình và góp phần phát triển du lịch địa phương theo hướng bền vững.
|
Du khách tham quan miệt vườn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Font Size: | |
Theo chân các chuyên gia của Dự án EU-ESRT (Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên hiệp châu Âu tài trợ) khảo sát một số điển hình làm du lịch homestay ở miền Tây Nam Bộ, chúng tôi được đưa tới miệt vườn ca-cao Mười Cương nằm trong con ngõ nhỏ thuộc ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Mầu xanh ngút ngàn của gần 2.000 cây ca-cao và hàng trăm cây ăn trái phủ bóng xuống khu vườn rộng 1,2 ha khiến không còn cảm giác oi nóng từ cái nắng miền Tây. Chủ nhân của khu vườn, ông Lâm Thế Cương (tên thường gọi Mười Cương) đưa chúng tôi dạo một vòng quanh nhà, giới thiệu về loại cây đã gắn bó với ông suốt gần 70 năm. Ông cho biết, gia đình ông là những người đầu tiên chế biến thành công ca-cao ở Việt Nam từ những năm 60 thế kỷ trước. Và cách đây 50 năm, từ những trái ca-cao, ông đã nghiên cứu tìm ra quy trình làm sô-cô-la đen, bơ ca-cao. Gần đây nhất, ông còn tạo ra dòng rượu vang ca-cao mang hương vị đặc biệt. Dẫn chúng tôi tới thăm bốn căn phòng nhỏ khang trang nằm trong khuôn viên, ông nói: “Đây là nơi dành riêng cho du khách nghỉ ngơi khi đến với miệt vườn Mười Cương”.
Trước đây, cả nhà ông Mười Cương chỉ sống bằng nông nghiệp thông qua buôn bán các sản phẩm từ ca-cao và các loại nông sản khác, cho thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/năm. Từ năm 2012, được chính quyền vận động và nhìn thấy tiềm năng du lịch của địa phương, gia đình ông bắt đầu kinh doanh thêm loại hình du lịch homestay. Gia đình ông cũng là một trong những hộ đầu tiên của xã tham gia các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng kinh doanh loại hình du lịch này do Dự án EU-ESRT tổ chức. Từ đó đến nay, miệt vườn Mười Cương đã trở thành điểm đến đặc biệt của du khách, nhất là khách quốc tế, trên hành trình du lịch khi đến với Cần Thơ. Không chỉ được nghỉ đêm, thưởng thức những đặc sản miền Tây do chính gia chủ làm, du khách còn có thể tham gia vào quá trình trồng, thu hoạch, chế biến ca-cao… Cũng nhờ đó mà nhiều sản phẩm ca-cao gia truyền nhà vườn Mười Cương được tiêu thụ ngay tại chỗ. Ông cho biết, hầu hết các du khách đến đây nghỉ và tham quan đều mua các sản phẩm chế biến từ ca-cao về làm quà, có người còn đặt mua với số lượng lớn. Ông chủ miệt vườn thông thạo cả hai thứ tiếng Anh và Pháp, cho nên càng thuận lợi trong việc thuyết minh, hướng dẫn cho du khách. Ông cho hay, từ khi làm du lịch, thu nhập gia đình đã tăng thêm gần 50%. Hiện, miệt vườn Mười Cương đang hợp tác với khoảng 50 đơn vị lữ hành trong nước để đón khách, đồng thời quảng bá qua trang facebook cá nhân. Thời điểm Giáng sinh, Tết Dương lịch hằng năm thường là mùa cao điểm. Năm 2015, có hơn 600 lượt khách quốc tế đã đến và trải nghiệm dịch vụ homestay tại gia đình ông. Ông Mười Cương đang lên kế hoạch sắp tới sẽ chỉnh trang lại vườn tược, nhà cửa và xây thêm một số phòng nghỉ để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền Võ Thành Giúp cho biết: Toàn huyện hiện có 42 điểm du lịch, trong đó có sáu điểm làm du lịch homestay, chủ yếu tập trung ở xã Mỹ Khánh. Hình thức du lịch cộng đồng này đã góp phần tạo việc làm, giúp người dân có thêm thu nhập trên cơ sở nhà vườn có sẵn. Được sự định hướng của địa phương, từng hộ dân đã biết phát triển những sản vật đặc trưng, không trùng lặp để nâng cao sức hút, đồng thời liên kết để cùng phát triển. Chẳng hạn, nếu miệt vườn Mười Cương có ca-cao thì vườn sinh thái Út Dzách lại cho du khách tìm hiểu cách làm bánh hỏi mặt võng - món ẩm thực nổi tiếng của Cần Thơ, miệt vườn Vàm Xáng nhà ông Năm Liền thì phát triển tổng hợp từ 30 đến 40 loại cây ăn trái và cây cảnh… Từ năm 2013 đến năm 2015, các chuyên gia của Dự án EU-ESRT đã mở nhiều lớp đào tạo kỹ năng làm du lịch homestay cho nông dân Cần Thơ, hướng dẫn từ kỹ năng xếp món ăn, làm danh thiếp, trang trí buồng, phòng cho đến cách thức giao tiếp với du khách…, giúp dịch vụ du lịch homestay ở từng hộ dân dần đi vào nền nếp, chuyên nghiệp thay vì phát triển tự phát. Cách làm của các hộ dân huyện Phong Điền đang được xem là những điển hình để nhân rộng ra toàn tỉnh. Địa phương cũng được UBND thành phố có định hướng quy hoạch thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mang đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chia tay xứ “gạo trắng nước trong”, chúng tôi đến với mảnh đất An Giang, nơi đông dân nhất miền Tây Nam Bộ. Sau khoảng 15 phút đi phà trên sông Hậu, cù lao ông Hổ chào đón chúng tôi bằng những cơn gió mát rượi, những miệt vườn cây trái sum suê… Đây là địa danh lịch sử nổi tiếng thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, cũng là nơi đang thu hút du khách với những tua du lịch nông nghiệp homestay. Hiện, cả xã có chín hộ dân làm du lịch cộng đồng, trong đó có năm hộ kinh doanh dịch vụ du lịch homestay. Nhiều gia đình nơi đây vẫn bảo tồn được khá nguyên vẹn những ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời xấp xỉ 100 năm, xây theo kiến trúc dựng cọc thấp đặc trưng Nam Bộ. Du khách có thể nghỉ qua đêm tại các ngôi nhà truyền thống, vừa tìm hiểu nếp sinh hoạt rất riêng của những người nông dân vùng sông nước, được trải nghiệm các công việc nhà nông như câu cá, giăng lưới, mò ốc…; đồng thời, tham gia tua du lịch sinh thái đến với các địa danh văn hóa trên cù lao như: Khu lưu niệm Bác Tôn, miếu ông Hổ, làng nghề lò rèn, làng nghề mây tre đan, làng nghề làm hương…
Ông Tôn Thất Đính, chủ khu du lịch homestay Ba Đính chia sẻ: Gia đình ông đã bốn đời gắn bó với vườn mận, vườn xoài, nhưng ba năm gần đây mới biết tận dụng miệt vườn và nhà cửa có sẵn để làm du lịch. Thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ vì chưa tiếp khách nước ngoài bao giờ, ngoại ngữ lại hạn chế. Nhưng qua các lớp tập huấn với các chuyên gia du lịch, gia đình ông đã học hỏi được nhiều và có thể giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ, đủ để hiểu và đáp ứng yêu cầu của khách. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông đón hai đến ba khách, thời điểm đông có thể lên tới 20 khách. Một trong những hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng ở Mỹ Hòa Hưng là khu du lịch Homestay Út Thương. Chị Trần Trúc Mai, chủ cơ sở chia sẻ: Gia đình chị cũng như những hộ khác đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhiều công ty lữ hành để có lượng khách tương đối ổn định. Tính liên kết của các hộ làm du lịch ở đây cũng khá cao do mỗi nhà chỉ phục vụ được tầm mười khách/ngày, cho nên nếu đoàn đông tới nghỉ sẽ được đưa vào nhiều hộ một lúc để bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Trần Anh Châu cho biết: Trước đây, đã từng có dự án của Hà Lan giúp người dân làm du lịch cộng đồng, nhưng chủ yếu là hỗ trợ về cơ sở vật chất. Từ năm 2014 đến nay, bà con mới được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng làm du lịch homestay với sự giúp sức của các cán bộ đến từ Dự án EU-ESRT. Dự án đã mở nhiều lớp đào tạo, cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng cụ thể, thiết thực. Dự án cũng đã đầu tư cho nhà văn hóa xã hệ thống máy chiếu, ti-vi, máy vi tính, loa… và tài liệu về du lịch cộng đồng để phục vụ công tác đào tạo. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương với những ưu đãi về vốn, thuế, cho nên người dân ngày càng yên tâm tận dụng thế mạnh nông nghiệp của mình để phát triển du lịch. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Phạm Thế Triều nhận định: An Giang là tỉnh nông nghiệp nhiều miệt vườn, sông nước, do đó phát triển loại hình du lịch homestay là hướng đi phù hợp giúp nông dân vừa giữ được nghề nông truyền thống, vừa nâng cao thu nhập. Thời gian qua, Dự án EU-ESRT đã tổ chức 13 lớp tập huấn về kỹ năng làm du lịch homestay trên địa bàn tỉnh, thu hút khoảng 400 học viên. Sắp tới, Dự án kết thúc nhưng tỉnh cam kết vẫn đồng hành cùng nông dân tiếp tục phát triển du lịch tại 15 điểm trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, Dự án EU-ESRT là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam về du lịch có trách nhiệm. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Dự án đã tích cực hỗ trợ chính quyền và nông dân các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, cụ thể là từng bước thay đổi nhận thức và kỹ năng của người dân về du lịch homestay. Ông Hoàng Nhân Chính, chuyên viên kỹ thuật của Dự án cho biết: Không hướng đến các kiến thức chuyên sâu, phức tạp như với các công ty du lịch chuyên nghiệp, Dự án lựa chọn cung cấp những kiến thức cơ bản và thông dụng nhất đến nông dân, chẳng hạn: cách tính tiền để khách hài lòng, cách trình bày thông tin trên danh thiếp… Khi thường xuyên được thực hành các kỹ năng này, cộng thêm việc thu hút được du khách và có thêm thu nhập, người dân sẽ tự có ý thức trong việc từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Và cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, các điển hình homestay sẽ dần được nhân rộng, cải thiện chất lượng sống của người dân và góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững.