|
Ngày càng có nhiều đường làng thôn, xóm được trải nhựa |
5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 4.075 km đường giao thông nông thôn gần 210km kênh mương; 204 trạm điện…. Trong đó xây mới 1.195km; cải tạo, nâng cấp 2.881km. Hiện toàn tỉnh có trên 50 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông, chiếm gần 36,7% số xã trong tỉnh.
Ngoài ra, hệ thống kênh mương thuỷ lợi cũng được xây mới và cải tạo. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã cứng hoá 97km và cải tạo trên 110,4 km kênh mương do xã quản lý. Nhờ đó, đến thời điểm này, Thái Nguyên đã có 78 xã đạt chuẩn tiêu chí thuỷ lợi, chiếm 54,5% số xã trong tỉnh. Theo đó, kết cấu hạ tầng như điện, trường học, trạm y tế tại các địa bàn nông thôn trong tỉnh cũng được đầu tư xây dựng và cải tạo. 5 năm qua, đã có 204 trạm điện, 686km đường điện; 11 điểm bưu điện văn hoá xã; 313 trường học; 75 trạm y tế xã; 77 trụ sở xã; 57 nhà văn hoá và khu thể thao xã; 498 nhà văn hoá và khu thể thao xóm; 16 chợ nông thôn; 41 khu xử lý rác thải; 72 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung… được xây mới và cải tạo, nâng cấp.
Tỉnh đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể để huy động nguồn lực đầu tư. Nhờ đó, 5 năm, toàn tỉnh đã huy động được 4.721 tỷ đồng vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp gần 900 tỷ đồng. Đến hết năm 2015, Thái Nguyên có 40 xã đạt chuẩn NTM; được Trung ương đánh giá dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao; trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên; an ninh, trật tự được giữ vững…
Do đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh đề ra mục tiêu: Cơ bản hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông; điện; nước sạch; trường học các cấp; trạm y tế xã; nhà văn hóa và khu thể thao xã, xóm nhằm tạo sự đột phá diện mạo nông thôn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Thái Nguyên phấn đấu 100% tuyến đường trục xã, liên xã (gần 600km) được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải; 60% đường trục thôn, xóm (710km) được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT; 65% đường ngõ, xóm (hơn 700km) được cứng hoá và không lầy lội vào mùa mưa; 70% đường trục chính nội đồng (540km) được cứng hoá bằng bê tông hoặc các vật liệu khác theo quy định, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Ngoài ra, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020, trên 70% kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; 100% số hộ được sử dụng điện an toàn theo quy định; có 70% số chợ đạt chuẩn; cải tạo 140 điểm bưu điện văn hoá xã; xây mới 25 trạm y tế xã…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, các cấp chính quyền trong tỉnh Quảng Trị đã huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đây là bước đi đúng đắn, góp phần làm đổi mới diện mạo nông thôn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.Trong giai đoạn 2010 – 2015, tổng nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh cho xây dựng cơ sở hạ tầng là 174.440 triệu đồng. Ngoài ra, các địa phương còn lồng ghép, huy động nhiều nguồn lực khác từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, hợp tác xã, hệ thống ngân hàng… và người dân.
Thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực. Tổng nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác qua 5 năm 2010 - 2015 là 776.063 triệu đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng như: Công ty Cao su Quảng Trị, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Viettel Quảng Trị, Công ty Điện lực Quảng Trị…
Người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực tham gia các hoạt động xây dựng NTM bằng nhiều việc làm ý nghĩa như: hiến kế, hiến đất, ủng hộ tiền, góp sức giải phóng mặt bằng, người dân toàn tỉnh đã đóng góp 1.153.700 triệu đồng, trong đó bằng tiền mặt là 1.008,9 triệu đồng cùng với đó là gần 300.000 ngày công và hiến 291.651 m
2 đất. Ngoài ra, người dân còn tích cực tham gia các phong trào như: “Chỉnh trang nông thôn”, “Xung kích xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…
Với sự nỗ lực ấy, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, góp phần làm diện mạo nhiều miền quê ngày càng khởi sắc. Trong 5 năm 2010 - 2015, hơn 1.000 km đường giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Tỷ lệ kiên cố hóa tuyến đường huyện đạt 52,2% và đường thôn, xóm, bản đạt 41,8%.
Toàn tỉnh có trên 90 công trình thủy lợi được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 85% diện tích gieo cấy lúa hai vụ. Hệ thống điện nông thôn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và mở rộng; đầu tư xây dựng mới lưới điện truyền tải với chiều dài 34,7 km; nâng cấp và xây dựng mới hơn 2.600 km đường dây trung, hạ áp, lưới điện phân phối và 276 trạm biến áp, phụ tải…
Hiện có 99,5% số hộ dân trên địa bàn đã sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống trường, lớp học, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh xây mới và nâng cấp thêm 411 phòng học và trên 40 nhà công vụ cho giáo viên. Hiện nay, toàn tỉnh có 45/111 trường mầm non, 96/119 trường tiểu học, 35/86 trường THCS đạt chuẩn. Các trạm y tế được tăng cường đầu tư trang thiết bị và bổ sung nhân viên y tế; 70% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 85% trạm y tế có bác sĩ.
Tỉnh đã đầu tư xây dựng 28 chợ nông thôn với tổng nguồn vốn đầu tư là 85,850 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư phát triển. Tổng nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông là 107 tỷ đồng. Internet tốc độ cao đã đến được hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã. Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã xây dựng mới 43 nhà văn hóa xã, thôn bản; nâng cấp 113 nhà văn hóa xã, thôn bản và 61 khu thể thao…
Trong giai đoạn tới, các cấp chính quyền trong tỉnh tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư để hoàn thành cơ bản các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên cơ sở ưu tiên cho các xã về đích theo lộ trình hàng năm. Mục tiêu Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM đặt ra là phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông; khoảng 70% số xã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi; khoảng 100% số xã đạt tiêu chí điện nông thôn; khoảng 70% đạt chuẩn về trường học; trên 95% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; đảm bảo 95% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; có ít nhất 50% xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.
Xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung các nguồn lực của cả Nhà nước và nhân dân, giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời tạo ra tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo, trong đó có việc phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.