Lào Cai: Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Việc ứng dụng và chuyển giao thành công các thành tựu khoa học và công nghệ (KHCN) vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp không những đã nâng dần hàm lượng KHCN trong giá trị sản phẩm, hàng hoá mà còn góp phần tăng năng suất lao động, tăng chất lượng, sản lượng hàng hoá và góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai.
|
Một góc vùng chè của Công ty TNHH Linh Dương (Lào Cai). |
Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Nhìn lại giai đoạn 2011 - 2015, ngành KHCN Lào Cai đã tập trung chú trọng nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Giai đoạn này, toàn tỉnh đã triển khai 102 đề tài/dự án cấp tỉnh (có 21 đề tài/dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước), trong đó lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đã triển khai 80 đề tài/dự án.
Bà Phạm Thị Hồng Loan, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh cho biết: Quyết tâm chuyển giao nhanh những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp cho người dân Lào Cai, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản để góp phần tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa luôn là vấn đề đặt ra cho những người làm công tác khoa học - kỹ thuật của tỉnh.
Bởi vậy, đối với ngành trồng trọt, hoạt động KHCN đã và đang góp phần làm tăng hệ số sử dụng đất, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, đồng thời đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ về công tác giống. Đã chọn tạo thành công ba giống lúa lai mới có năng suất, chất lượng mang thương hiệu Lào Cai, đó là các giống LC25; LC212; LC270 và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hạt giống lúa lai tại địa phương. Trong đó, giống LC25 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giải Bông lúa vàng; hiện đang duy trì giống bố mẹ để sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại chỗ với sản lượng đáp ứng trên 70% nhu cầu giống lúa lai trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Lào Cai đã tiến hành khảo nghiệm những giống ngô lai mới, chịu hạn tốt lại cho năng suất cao để đưa vào sản xuất đại trà như giống ngô LVN61, LCH9 đã cho năng suất bình quân cao gấp 1,5 lần so với các giống người dân đang sử dụng. Ứng dụng tiến bộ KHCN trong việc đưa giống mới vào sản xuất, thay đổi biện pháp canh tác đã góp phần khiến cho sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh chỉ đạt gần 228 nghìn tấn năm 2010, tăng lên mức 283,26 tấn năm 2015.
Để góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất rau an toàn đã nhận được sự quan tâm của nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp, tiêu biểu là Công ty TNHH Anh Nguyên (huyện Bắc Hà) đã đầu tư trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 5.000m2 để sản xuất rau an toàn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, một số giống mới được nhân dân ứng dụng rộng rãi như sản xuất khoai tây giống sạch bệnh (390 tấn), cơ bản đáp úng nhu cầu sản xuất khoai tây thương phẩm ở địa phương; giống cây ăn quả như mận, đào Pháp, lê VH6 đã có trên 80 nghìn cây gốc ghép cung ứng cho trồng mới cho trong và ngoài tỉnh…
Về chăn nuôi – thuỷ sản, các đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm đã tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn và năng suất cao, quan tâm phục tráng và phát triển những giống đặc sản của địa phương, có giá trị kinh tế như giống lợn Mường Khương hàng năm sản xuất gần 1.000 con giống chất lượng tốt cung ứng tại chỗ cho sản xuất, qua đó góp phần kiểm soát an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi. Ngoài ra để góp phần làm phong phú các sản phẩm nông nghiệp, KHCN đã đi đầu trong việc khảo nghiệm, thử nghiệm nuôi các giống mới như: gà Ai cập, gà Đông Tảo, lợn rừng, kỳ đà... và đặc biệt là đưa đàn ong ngoại vào nuôi khảo nghiệm theo hướng quy mô trang trại phù hợp với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, điển hình là nuôi mật ong của Công ty TNHH Ong miền núi Thanh Xuân, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoản 30 tấn mật và nhiều sản phẩm từ ong, cho doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm....
Cần những “cú hích”
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng tiến bộ KHCN thời gian qua vẫn còn những vấn đề cần quan tâm giải quyết, đó là có nhiều đề tài KHCN khảo nghiệm thành công và được nghiệm thu nhưng chưa được áp dụng vào sản xuất, có những mô hình áp dụng tiến bộ KHCN rất thành công nhưng khó mở rộng ra sản xuất đại trà do hạn chế nguồn vốn. Trước thực trạng đó rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả của các dự án đã kết thúc vào sản xuất nông nghiệp trên diện rộng.
Bên cạnh đó, lực lượng KHCN trên địa bàn tỉnh chưa thực sự làm tốt vai trò “cầu nối” giữa nhà KHCN với nhà sản xuất kinh doanh, nhất là việc tiếp thu và chuyển giao các công nghệ từ bên ngoài vào còn thiếu sự tác động tích cực của các nhà KHCN, nên một số cơ sở sản xuất đã nhập về những công nghệ ít mang lại hiệu quả cao. Do đó, cần có hệ thống chính sách liên kết nhiều “nhà” tham gia sản xuất kỹ thuật cao. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tập hợp nông dân trong từng vùng sản xuất để xây dựng “Cụm liên kết sản xuất theo nông nghiệp kỹ thuật cao” hoặc những hợp tác xã nông nghiệp có khả năng tạo ra những sản phẩm có thương hiệu mạnh, đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn cho nông dân về kỹ năng sử dụng máy móc, đào tạo các ngành nghề cơ khí nông nghiệp theo mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và người nông dân.
Điều đáng quan tâm là hiện nay, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi các nhà khoa học của địa phương phải trực tiếp giải quyết, nhất là việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của địa phương. Vì thế, địa phương cần có cơ chế đủ mạnh để thúc đẩy tư nhân tham gia tổ chức nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KHCN vào sản xuất, đời sống, nhằm hướng đến hình thành và phát triển thị trường khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh. Cần phải tự nguyện và chủ động tiếp nhận sự đặt hàng từ thực tiễn sản xuất - đời sống. Có như thế ngành KHCN mới thật sự mạnh lên, xứng đáng là ngành mũi nhọn phục vụ thiết thực cho sản xuất.
Theo Sở KH&CN tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN (tập trung ứng dụng công nghệ cao) vào sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện thành công tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai. Theo đó sẽ tập trung khảo nghiệm, chọn các giống cây trồng, vật nuôi mới có tiềm năng tại địa phương để phục vụ phát triển sản xuất hàng hoá; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một số giống rau, hoa, quả sạch bệnh và trong sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu; tích cực ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chọn tạo, nhân giống cây trồng vật nuôi, trong bảo quản chế biến nông sản…Trên cơ sở đó, ngành KHCN và các ngành liên quan sẽ xây dựng chương trình chuyển giao công nghệ có bài bản và chủ động hơn. Có như thế, mỗi cán bộ kỹ thuật mới mạnh dạn hướng đến tiếp cận, chọn lọc những tiến bộ kỹ thuật phù hợp để chuyển giao về cho địa phương. Cùng với đó cũng cần có chính sách kích thích mạng lưới KHCN tuyến huyện hoạt động chủ động hơn và gắn kết tốt hơn với cán bộ kỹ thuật các ngành ở cơ sở; kịp thời phát hiện những vấn đề nghiên cứu, những nhu cầu cần có công nghệ, kỹ thuật mới can thiệp nhằm phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống.
Với người nông dân, KHCN sẽ không là vấn đề cao siêu, nếu như những gì họ đang đối mặt nhanh chóng tìm được sự hỗ trợ. Khi đầu tư đủ mạnh cho nghiên cứu KHCN và Nhà nước có chính sách hợp lý thì cơ hội đổi đời cho người dân sẽ ngày càng đến gần hơn./.