Liên kết nhà vườn - doanh nghiệp: Hướng đi mới cho thị trường trái cây vùng ĐBSCL
12:36 - 31/08/2016
 (TNNN) - Tiềm năng cây ăn quả Nam bộ là rất lớn. Tuy nhiên, tiềm năng của cây ăn quả vùng Nam bộ vẫn chỉ là “tiềm năng”, khi người nông dân vẫn loay hoay với đầu ra cho sản phẩm cùng điệp khúc “được mùa rớt giá”. Và mặc dù sản lượng lớn, nhưng trái cây vùng Nam bộ cũng chỉ quẩn quanh ở “sân nhà” mà chưa thể tiếp cận thị trường thế giới.
Muốn khai thác hết tiềm năng của thị trường trái cây ĐBSCl cần liên kết chặt chẽ giữa nhà vườn và doanh nghiệp

Theo thống kê, năm 2015, ĐBSCL có 307.060 ha cây ăn trái, chiếm 37,5% diện tích cây ăn trái của cả nước. Các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn trong khu vực là Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp; 10 loại cây ăn trái có diện tích lớn của vùng là chuối, xoài, cam, nhãn, dứa, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quýt.



Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các loại quả đều tiêu thụ dưới dạng quả chín, tươi sau khi thu hoạch; việc chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép, bảo quản nhiều ngày mới giai đoạn đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ.  Thị trường tiêu thụ trái cây ở trong nước là chính, chiếm 85-90% tổng sản lượng sản xuất; xuất khẩu mới chiếm 10-15%.
Tình trạng sản xuất phân tán, manh mún còn phổ biến, diện tích vườn cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp còn chiếm tỷ lệ cao do việc phát triển theo phong trào, không theo quy hoạch; việc đầu tư thâm canh chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; số lượng, quy cách, chất lượng không đồng đều; khối lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn ít. Công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập, nhiều cây giống kém chất lượng, không sạch bệnh vẫn được tiêu thụ trên thị trường, công tác quản lý nhà nước về giống cây lâu năm chưa đáp ứng được yêu cầu.



Việc tổ chức sản xuất cây ăn trái vùng ĐBSCL chưa thật sự bền vững; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được hình thành; doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chưa đầu tư, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nhà thu mua yêu cầu,  đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản chậm phát triển, chưa đáp ứng về quy mô, công nghệ; việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản xuất theo GAP bước đầu được quan tâm nhưng chưa có hiệu quả trong khai thác, mở rộng thị trường.



Tại Hậu Giang, thời gian qua, tỉnh này tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như: Chanh không hạt Hậu Giang, bưởi Năm Roi Phú Hữu, khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy, xoài cát Hòa Lộc..., nhưng đến nay, cũng chỉ thực hiện được hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho rất ít nông sản do không có doanh nghiệp đầu tư bao tiêu. Trong việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, chưa tìm được tiếng nói chung cũng như lợi ích giữa các bên và thường hợp đồng bị phá vỡ khi giá cả nông sản biến động lớn. Ông Vu Suổi ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng chuyên trồng khóm (dứa), cho biết, nông dân trồng khóm vẫn ở tình trạng tự tiêu, tự sản. Cho dù trên địa bàn tỉnh đã có nhà máy chế biến khóm xuất khẩu nhưng khi đến mùa rộ, nông dân vẫn phải chạy tìm thương lái bán, hoặc bán cho các chợ lẻ, một ít chở đến cung cấp cho nhà máy chế biến, nhưng phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá khóm bị “ép” xuống thấp.
 


Để nâng cao giá trị của cây ăn trái nhằm xuất khẩu, để vừa đảm bảo tốt đầu ra cho nông dân vừa tăng giá trị kinh tế cho cây ăn quả; đồng thời xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả của Việt Nam thì giải pháp trước tiên là sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương. Thứ hai là cần có quy hoạch sản xuất những cây có lợi thế (hiện nay chưa có quy hoạch nên sản xuất tự phát). Thứ ba là quy hoạch xong phải có chỉ định ai thực hiện và chính sách hỗ trợ như thế nào, chứ không nên quy hoạch cho có mà thiếu chính sách, thiếu người chịu trách nhiệm. Thứ tư là Nhà nước phải hỗ trợ các nhà đầu tư, nhà đóng gói trái cây (hiện nay đóng gói rất lạc hậu so với Thái Lan), hỗ trợ các nghiên cứu về chế biến trái cây, tạo nhiều sản phẩm chế biến hơn. Thứ năm là củng cố các hợp tác xã với nhiệm vụ là cầu nối giữa nông dân và nhà nước, tạo điều kiện để hợp tác xã có cửa hàng thu mua sản phẩm cho nông dân và bán lẻ với giá rẻ cho người tiêu thụ. Thứ sáu là phải ủng hộ các mô hình sản xuất GAP để người tiêu dùng Việt Nam không phải ăn các sản phẩm không an toàn. Phải củng cố mối liên kết giữa nghiên cứu và khuyến nông, giữa sản xuất và tiêu thụ.



Muốn nâng tầm giá trị của cây ăn trái thì phải gắn kết với doanh nghiệp (DN). Không gắn với DN thì không thành công và DN phải gắn bó với nông dân. Chỉ có DN hợp tác với nông dân mới tạo thế ổn định từ đầu vào cho tới đầu ra; đồng thời giúp cơ quan Nhà nước dễ quản lý, hỗ trợ kĩ thuật dễ dàng.



Bên cạnh đó, cần chú trọng cách xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm trực tiếp từ cơ sở sản xuất đến các chợ, hệ thống siêu thị có uy tín ở các đô thị lớn trên cả nước. Ngoài ra, việc thành lập các DN, hợp tác xã tiêu thụ trái cây sẽ làm cầu nối giữa nhà vườn và các công ty xuất nhập khẩu; đồng thời xúc tiến nhanh việc xây dựng, đăng ký và khai thác thương hiệu; tiến tới khuyến khích và hỗ trợ hội viên và các DN trong ngành trái cây đăng ký bảo hộ tên giống và các DN xuất khẩu trái cây đăng ký thương hiệu ở các thị trường chính.
Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo