Từ việc chăn nuôi trâu, bò tự phát, lạc hậu đến nay các hộ đồng bào dân tộc Mường, Dao ở xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã tự tin phát triển đàn gia súc, từng bước thoát khỏi đói, nghèo, nhiều hộ đã trở thành triệu phú.
Học làm “bác sĩ thú y”
Nếu như những năm trước đây, cứ bắt đầu vào các tháng mùa đông, hộ ông Hà Văn Rau ở khu Nhổi, xã Đông Cửu lại bắt đầu lo sợ đàn trâu của nhà bị chết rét, lại thiệt hại cả chục triệu đồng. Nhưng từ cuối năm 2012, ông Rau được tham gia lớp học thú y, có thêm nhiều kiến thức về phòng, chữa bệnh cho vật nuôi, đến giờ sau mỗi vụ thu hoạch, ông giữ lại rơm, vỏ bắp phơi khô, đánh đống che cẩn thận để dự trữ cho trâu ăn dần.
Từ hộ nuôi 2-3 trâu, đến giờ gia đình ông Rau đã tự tin tăng đàn lên đến 8 trâu, nghé. Ông Rau bảo: “Tính ra giá trị mỗi trâu, cũng lên đến trên 10 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng con, tôi đã có tài sản cả trăm triệu đồng”.
Khác khu với hộ ông Rau, gia đình bà Vũ Thị Hường ở khu Bải từng biết đến là hộ nghèo nhất nhì trong xã, nhưng sau khi học nghề, bà đã tự tin vay vốn ngân hàng để mua trâu về nuôi, đến nay, đã bà nhân đàn lên 4 con trâu, nghé, mỗi năm bà cũng có nguồn thu hàng chục triệu đồng.
Từ kiến thức học được tại lớp học thú y tại xã, đến nay ngoài việc chữa trị, chăm sóc cho đàn trâu của nhà, bà Hường còn giúp dạy nghề và chữa bệnh cho trâu, bò, gà, vịt của nhiều hộ khác trong và ngoài xã.
Trâu khỏe, dân vui
"Để hỗ trợ nông dân tăng thu nhập, trong thời gian tới, dự kiến Hội sẽ phối hợp với Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú huyện, tiếp tục mở thêm lớp dạy nghề nông lâm kết hợp để giúp bà con chuyển đổi cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây lấy gỗ như keo, bạch đàn’”.
Ông Hà Văn Chuẩn
|
Ông Hà Văn Chuẩn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Cửu cho biết: Trước khảo sát nhu cầu thực tiễn của bà con, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) mở lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho 36 hộ tại 14 khu của xã từ năm 2012.
Các học viên tham gia học, ngoài việc được hỗ trợ 100% học phí, bà con còn được cho 140.000 đồng/người/tháng tiền ăn, đi lại. “Trong quá trình học, các giáo viên luôn kết hợp học lý thuyết và cho bà con thực hành ngay tại lớp học. Sau 3 tháng học nghề, các học viên đều được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, và tự tin về tăng đàn chăn nuôi lớn” – ông Chuẩn khẳng định.
Ông Hà Ngọc Phiến – Bí thư Đảng ủy xã Đông Cửu cho biết, các lớp học nghề do trường nghề phối hợp với xã tổ chức như chăn nuôi thu ý, nghề nông lâm kết hợp…, rất phù hợp và sát với thực tế tại xã. Từ sau lớp học nghề chăn nuôi đến nay, đàn gia súc, gia cầm của xã đã tăng nhanh chóng, đàn trâu, bò tăng lên 1.500 con, gia cầm 18.000 còn, lợn hơn 5.000 con. Do biết cách chăm sóc, phòng ngừa, mấy năm nay, chưa có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nên bà con càng mừng, yên tâm làm ăn.
Ông Nguyễn Minh Sang – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho hay: Các xã nghèo như Đông Cửu, Thượng Cửu, Khả Cửu…, việc chuyển đổi cây nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, chỉ có thể trông vào việc trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi là chính. Đến mấy năm gần đây, việc đẩy mạnh các dự án, chương trình dạy nghề chăn nuôi thú ý, sửa chữa máy móc nông nghiệp, bà con tại các xã trên đang phát huy được hiệu quả nhất định, cuộc sống, thu nhập dần được nâng cao hơn trước nhiều lần.