“Chúng tôi muốn xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng văn minh, tiến bộ, nhưng không để mất bản sắc riêng; có quyết tâm tạo nên sự khác biệt về văn hóa, con người Quảng Ninh, nụ cười Hạ Long, phấn đấu để Quảng Ninh trở thành nơi mà nhiều người muốn đến và muốn sống”.
Đó là chia sẻ của ông Trương Công Ngàn – Trưởng ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN nhân sự kiện đơn vị này kỷ niệm 5 năm thành lập (2.12.2010 – 2.12.2015).
Là người đi trọn quãng đường 5 năm đầu tiên trên cương vị Trưởng ban, nếu chia sẻ một câu ngắn gọn về cảm xúc của mình trước ngày kỷ niệm của đơn vị, ông sẽ nói gì?
-Tôi cảm thấy vui vì cả xã hội, nam phụ lão ấu, công nông binh đã vào cuộc xây dựng NTM với khí thế và truyền thống cách mạng của vùng Mỏ. Quảng Ninh xây dựng NTM với cách làm linh hoạt, sáng tạo, không rập khuôn máy móc, triển khai phù hợp với tính đa dạng vùng, miền, địa kinh tế, địa chính trị của tỉnh. Nghị quyết số 01 về xây dựng NTM của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại sự thay đổi lớn về diện mạo và chất lượng cuộc sống ở nông thôn.
Vì sao Quảng Ninh lại chọn mô hình thành lập một ban chuyên trách ngang cấp sở, trong khi hầu hết các tỉnh thành khác chọn mô hình Ban điều phối trực thuộc Sở NNPTNT?
- Trước hết, do tỉnh Quảng Ninh không tổ chức làm thí điểm trên một vài xã mà triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh. Thứ hai, lĩnh vực NTM không phải chỉ là sản xuất nông nghiệp mà toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh - nói cách khác là đa ngành. Nếu không có cơ quan chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm thì không thể chuyên sâu và chuyên nghiệp trong tham mưu tổ chức thực hiện, trong khi hành lang pháp lý của chương trình vừa thiếu, lại không đồng bộ.
Qua 5 năm, Ban xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đã lưu những dấu ấn đậm nét đặc biệt nào trên góc độ tổ chức - cán bộ?
- Cán bộ của Ban đã có sự trưởng thành, nâng cao năng lực từ cán bộ cấp lãnh đạo đến chuyên viên. Từ thực tiễn công tác tại Ban, đã có nhiều đồng chí được tin tưởng giao trọng trách mới (một phó bí thư Thành ủy Hạ Long, một phó giám đốc Sở Giao thông- Vận tải, một phó giám đốc Sở NNPTNT). Chúng tôi tin rằng mỗi cán bộ công chức cơ quan, nếu được giao nhiệm vụ mới đều sẽ khẳng định năng lực của mình trên công việc được phân công.
Có điểm nào mà ông đã từng hình dung về nhiệm vụ của mình, nhưng thực tiễn xây dựng NTM ở Quảng Ninh đã gợi mở những cách tiếp cận mới, và Ban đã có những giải pháp mới?
- Quảng Ninh xác định rõ chủ trương xây dựng NTM thực chất là sự chuẩn hóa việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, cách làm của chúng tôi cũng rất linh hoạt, sáng tạo, không gò bó theo một khuôn mẫu, mô hình cụ thể nào.
Tỉnh đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, lấy phát triển khu vực nông thôn ổn định làm địa bàn để đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực thành thị, từ đó có lực để đầu tư về cho nông thôn. Việc hoàn thành các tiêu chí cũng không cứng nhắc theo quy chuẩn của Trung ương mà dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của địa phương để đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí.
Trong quá trình thực hiện chương trình NTM, đã có sự thay đổi rõ nét từ ban đầu từ việc quan tâm nhiều đến đầu tư hạ tầng sang tư duy chú trọng đầu tư sản xuất. Với quan điểm, phát triển sản xuất trong xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên 50% vốn cho sản xuất, bố trí 4% vốn ngân sách hàng năm cho khoa học công nghệ, giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tăng gấp 20 lần so với năm 2010.
Trong 4 năm qua, tỉnh đang thực hiện bước đầu có hiệu quả Đề án “Quảng Ninh, mỗi xã, phường một sản phẩm” (One commune, one product – OCOP), sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trở thành điển hình của liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp). Các địa phương trong tỉnh đều đã xác định được sản phẩm hàng hóa chủ lực để tập trung chỉ đạo phát triển. 17 vùng sản xuất hàng hóa tập trung cấp tỉnh đã được quy hoạch để tạo vùng nguyên liệu…
Nhìn lại mốc 2015, mục tiêu “chạm đích” tỉnh NTM mà Quảng Ninh đặt ra đã hoàn thành ở mức độ nào, thưa ông?
- Quảng Ninh mới chỉ đặt bước chân đầu tiên vào nấc thang đầu tiên của một quá trình xây dựng NTM theo bộ tiêu chí quốc gia. Đây là mục tiêu lâu dài, nâng cao về chất trong từng giai đoạn, đích đến là một cuộc sống tốt đẹp hơn ngày hôm nay cho người dân nông thôn, nên sẽ không có điểm dừng.
Giai đoạn 2016 -2020, Ban xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh sẽ phải hoàn thành những mục tiêu nào?
- Thực tiễn cho thấy, những xã hội tiến bộ bao giờ cũng chú ý tới việc thu hẹp khoảng cách sự phát triển giữa thành thị và nông thôn, phát triển lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội, cải thiện điều kiện sinh hoạt ở nông thôn, làm cho thành thị và nông thôn xích lại gần nhau. Chính vì vậy, Quảng Ninh phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
Quảng Ninh có lợi thế về thị trường nông sản, bởi bên cạnh là Trung Quốc, một thị trường không quá khó tính. Quảng Ninh có du lịch là ngành kinh tế có tiềm năng, đây là thị trường xuất khẩu tại chỗ rất tốt. Vì vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm; phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nhất là Chương trình OCOP. Chúng tôi muốn xây dựng NTM theo hướng văn minh, tiến bộ, nhưng không để mất bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc riêng có, tạo nên sự khác biệt về văn hóa, con người Quảng Ninh, nụ cười Hạ Long, phấn đấu để Quảng Ninh trở thành một nơi nhiều người muốn đến và muốn sống ở đây.
Xin cảm ơn ông
Thu nhập của người dân nông thôn tăng gần 2,7 lần
Chỉ chưa đầy 5 năm xây dựng NTM, thu nhập của người dân nông thôn Quảng Ninh tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (2010) lên 29,533 triệu đồng/năm (2015), tức tăng gấp 2,69 lần (Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt ra là gấp 1,5-2 lần). Tốc độ tăng thu nhập khu vực nông thôn của tỉnh nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập bình quân của tỉnh (bình quân của tỉnh là 1,76 lần).
(Nguồn: Ban xây dựng NTM Quảng Ninh)
|
Triển khai “Nông thôn tiên tiến”
Ông Trương Công Ngàn (ảnh) cho biết, không dừng lại ở việc xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, Quảng Ninh triển khai thí điểm mô hình “Nông thôn tiên tiến” nhằm nâng cao chất lượng và phát triển nông thôn bền vững. Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã, các huyện NTM với mục tiêu “ 4 tốt hơn”: Đời sống, thu nhập của nông dân ngày càng cao hơn; cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn, an ninh, an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn; đảm bảo môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững hơn.
|