Tuyên Quang huy động trên 7,2 nghìn tỷ xây dựng nông thôn mới
14:46 - 03/12/2015
Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang đã huy động nguồn lực để thực hiện đạt khoảng 7.255 nghìn tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn cùng với vốn huy động đóng góp của người dân. Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt 10 tiêu chí/xã.

Một đoạn đường bê tông ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn)
Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là trọng tâm, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư làm được trên 3.000 km đường bê tông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

 

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng, tu sửa trên 140 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 126 km kênh mương nội đồng đảm bảo tưới cho 80% diện tích lúa; xây dựng trên 700 phòng học; tổ chức làm mới và nâng cấp trên 330 công trình nhà văn hóa thôn bản; xây dựng nâng cấp cải tạo 190 chợ nông thôn; có 19 xã đạt tiêu chí về nhà ở, không còn nhà tạm dột nát; có 70/129 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo tiêu chí mới…

Để thúc đẩy kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Thực hiện sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh; củng cố, chuyển đổi nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp; quy hoạch lĩnh vực ngành, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản. Tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; hình thành và phát triển ổn định một số vùng sản xuất hàng hóa như: cam, chè, mía, lạc, gỗ nguyên liệu; một số sản phẩm sản xuất và chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu…

Thời gian tiếp theo, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xác định được trách nhiệm chủ thể của người dân; thực hiện và hoàn thiện các cơ chế chính sách thực hiện Chương trình, các chương trình mục tiêu trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng huy động lồng ghép, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ cho người dân trong sản xuất, sinh hoạt…

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu hết năm 2016 có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020 toàn tỉnh có trên 30% số xã chuẩn nông thôn mới./.

Nguồn: ĐCSVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo