Vượt qua nhiều thách thức và liên tục phải chịu lỗ, Công ty TNHH Vietfarm (Đà Lạt - Lâm Đồng) mới tìm ra hướng đi khẳng định vị trí của mình trên thị trường xuất khẩu rau cao cấp, góp phần mở rộng liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Theo GAP bằng mọi giá
|
Sau năm đầu sản xuất, vườn dâu tây liên kết giữa nông dân và Vietfarm đã thu hồi được vốn đầu tư nhà kính |
Theo chỉ dẫn của nhiều nông dân sản xuất “rau GAP” ở Đà Lạt, tôi đến Công ty TNHH Vietfarm trên đường Phan Chu Trinh gặp Giám đốc trẻ Nguyễn Đông Hải tìm hiểu về mối liên kết giữa “2 nhà”. Hải chia sẻ những bài học kinh nghiệm sau 9 năm hình thành và phát triển của Vietfarm: “Rau công nghệ cao là sản phẩm nông nghiệp tiềm năng lớn của Đà Lạt so với các vùng miền trong nước. Bởi vậy, để giữ vững và lan tỏa uy tín thương hiệu rau Đà Lạt, người sản xuất cần được thường xuyên cập nhật kỹ thuật mới, nâng cao trình độ thực hành canh tác tốt”.
Khoảng 9 năm trước, Hải và một người bạn thành lập công ty rồi thuê 3ha đất nông nghiệp ở phường 8, phường 9 (Đà Lạt) nhưng mới huy động đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng 4.000m² nhà kính trồng rau bó xôi theo hướng an toàn. Trước đó, tuy có tiếp xúc hàng ngày với các loại rau nhưng gần như Hải không được trực tiếp làm đất, xuống giống, bón phân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Chính vì vậy, khi đi vào canh tác, Hải phải giành nhiều thời gian học hỏi ở những khu vườn bó xôi rồi xây dựng quy trình kỹ thuật cho riêng mình.
Không ngờ sau 40 ngày chăm bón, khoảng 6 tấn bó xôi thu hoạch lứa “đầu tay” của Hải được thương lái thu mua với giá bằng…15- 20% giá thị trường, chịu lỗ cả trăm triệu đồng. Chưa hết, liên tiếp 2 năm sau đó, Hải vay mượn vốn từ người thân, bạn bè, quyết định mở rộng diện tích nhà kính lên 2ha, canh tác đa dạng các loại rau để rồi… nhân con số thua lỗ lên đến hơn 2 tỷ đồng. Hải kể thêm: “Mặc dù đi từ thua lỗ này đến thua lỗ khác với khoản tiền không nhỏ, nhưng bình tĩnh nhìn lại thì việc gặt hái được lớn nhất là, công ty đã kết nối được với nhiều đối tác trong hệ thống siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh, từ đó tạo ra cơ hội hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau Đà Lạt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP với diện tích và sản lượng tăng đều hàng năm”.
Dấu mốc không quên của Vietfarm là cuối năm 2009, đầu năm 2010 được chứng nhận đạt tiêu chuẩn rau GlobalGAP với 2ha và rau VietGAP với 1ha.
Liên kết theo tuần, theo vụ
Đến cuối tháng 11/2015, diện tích rau của Vietfarm sản xuất trong nhà kính đạt chuẩn GlobalGAP khoảng 2ha và VietGAP khoảng 3,5ha, sản xuất ngoài trời đạt VietGAP khoảng 2ha. Trong 3 năm trở lại đây, tổng sản lượng rau của Vietfarm các loại như: ớt ngọt, cà chua cao cấp, dưa leo baby, rau thơm châu Âu... chạm ngưỡng 1.000 tấn/năm, trong đó 60% tiêu thụ tại hệ thống siêu thị ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; 40% còn lại xuất sang các nước trong khu vực châu Á.
Trong cùng thời gian này, Vietfarm đã chủ động trao đổi, thống nhất với từng hộ nông dân sản xuất rau an toàn ở Đà Lạt để ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ theo từng thời vụ và theo từng tuần thu hoạch. Theo đó, nội dung ràng buộc trách nhiệm 2 bên gồm: Công ty TNHH Vietfarm cung cấp giống, kỹ thuật, bao tiêu 100% sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu, chốt giá rau theo từng vụ hoặc trước một tuần thu hoạch; bên nông dân có đất sản xuất, đầu tư vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bố trí công lao động…Với hình thức liên kết này, Vietfarm và 20 hộ nông dân Đà Lạt đã sản xuất trên diện tích 30ha, hàng năm tiêu thụ ổn định khoảng 4.000 tấn rau các loại.
“Thị trường tiêu thụ rau Đà Lạt được Công ty TNHH Vietfarm khai thác theo hợp đồng đang trên đà phát triển, nên trong năm 2016 sẽ mở rộng diện tích đất sản xuất GlobalGAP và VietGAP của Vietfarm nói riêng và của hộ nông dân liên kết nói chung, trong đó tập trung chuyển đổi trồng mới các giống rau chuyên biệt thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cao nguyên Đà Lạt”, Giám đốc trẻ Nguyễn Đông Hải cho biết.