|
Một góc trang trại nuôi lợn giống của gia đình |
Sau khi lập gia đình, kinh tế gia đình anh phụ thuộc phần lớn vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi.
Anh Thanh băn khoăn, trăn trở không biết chọn hướng nào để phát triển kinh tế. Đối với các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp và xây dựng thì đã có quá nhiều người làm, phần vì sợ vốn ít và đặc biệt là do thiếu kinh nghiệm nên anh đã không dám mạo hiểm đầu tư vào các lĩnh vực đó.
Xác định chăn nuôi là nghề chính, với ước mơ sẽ ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa trong chăn nuôi để sản phẩm trở thành hàng hóa vẫn luôn được ấp ủ và nung nấu trong con người anh. Nhờ có quá trình dồn điền đổi thửa, anh Thanh đã nhận diện tích canh tác lúa kém hiệu quả, xa khu dân cư để dần từng bước gây dựng trang trại của mình.
Để bắt đầu sự nghiệp, anh Thanh đã hướng đến chăn nuôi lợn vì nghĩ rằng nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân ta từ xưa đến nay không bao giờ đủ, đặc biệt là sản phẩm “thịt lợn sạch”. Từ đó, anh đã cất công đi nhiều nơi để tìm mua và lựa chọn được những giống lợn sinh sản tốt, chống chọi được với dịch bệnh.
Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Thanh từng gặp rất nhiều khó khăn: Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, lại không có thông tin thị trường…. những vấn đề ấy làm anh có lúc đã bị dao động và thậm chí là nản lòng. Nhờ có những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là các cơ chế, chính sách của thành phố, của huyện như: Tiếp tục dồn điền đổi thửa, hỗ trợ con giống, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, thủy lợi, điện)… đã tiếp sức cho anh có thêm nghị lực, kiên trì theo đuổi công việc đã chọn.
Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn nhận thêm diện tích, anh Thanh đã đầu tư giống, vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tiếp tục mở rộng trang trại. Mặc dù trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu vẫn suy thoái nhưng kinh tế gia đình anh luôn ổn định và phát triển. Lợi nhuận hàng năm thu được, anh tiếp tục đầu tư trở lại, nâng cấp, mở rộng trang trại.
Khởi điểm từ đàn lợn chỉ có 2- 3 con ban đầu, anh đã gây giống thành công. Thời gian đầu, anh vừa nuôi vừa tìm đến trang trại ở các huyện, các tỉnh thành khác để học hỏi kinh nghiệm. Anh còn tích cực tham gia các khóa học của Hội Nông dân huyện tổ chức, học theo các chương trình giảng dạy, chăm sóc chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm trên chương trình khuyến nông của đài truyền hình... Trải qua nhiều năm tìm tòi học hỏi, trang trại của anh đã phát triển khang trang với cả lợn giống và lợn thịt.
Hiện nay, trang trại của anh Thanh có tổng diện tích 85.400 ha, với hơn 12.300 ha chăn nuôi lợn. Trong đó: Lợn nái ông, bà sinh sản có 400 con; lợn đực để khai thác tinh là 65 con; lợn nái thương phẩm là 1.800 con; lợn thịt các lứa tuổi có trên 10.000 con. Ngoài việc bán lợn thịt, lợn giống, anh còn làm dịch vụ gieo tinh nhân tạo. Trang trại lợn của anh được đầu tư hiện đại, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Do tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật nên trang trại lợn của anh từ trước đến nay đều ít khi bị xảy ra dịch bệnh.
Bên cạnh đó, anh còn tạo điều kiện giúp đỡ từ 50– 60 lao động thường xuyên có thu nhập ổn định với mức lương bình quân trên 4,7 triệu đồng/người/tháng. Thường xuyên giúp đỡ giống, vốn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Thu nhập của gia đình anh năm 2014 sau khi đã trừ chi phí lãi khoảng 7,6 tỷ đồng, bình quân đạt khoảng 158,3 triệu đồng/khẩu/tháng. Mức thu nhập này lớn hơn nhiều so với kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ và cây trồng cũ.
Hỏi về kinh nghiệm nuôi lợn, anh chia sẻ: Trong các khâu kỹ thuật, quan trọng nhất là phòng dịch còn hơn chống dịch. Không chỉ trực tiếp lai tạo những giống lợn mới, anh còn trực tiếp tiêm phòng, cho lợn ăn.
Nhờ có uy tín lâu năm, anh Thanh được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Mỹ Hòa (gồm ở 3 huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa). Ngày nay, HTX đổi tên thành Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Hòa với 37 hộ sản xuất. Anh Thanh luôn tâm niệm phải cố gắng để không phụ lòng tin của mọi người.
Anh kể, ban đầu nhiều hộ trong hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn, không có đủ tiền mua con giống phát triển đàn lợn, anh đã cho vay kinh phí. Không chỉ hướng dẫn cách chọn con giống tốt, anh còn truyền cho họ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn nhiều hộ xây dựng mô hình VAT, xây dựng hầm biogas cải tiến, hệ thống xử lý nước thải dẫn vào khu xử lý tập trung, chỉ cho cách phòng bệnh, điều trị khi vật nuôi bị bệnh.
Nhờ những thành tích đạt được, anh Thanh đã được cơ sở Hội giới thiệu và Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân thành phố xem xét đề nghị các cấp, các ngành khen thưởng. Được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng Khen và vinh danh “
Công dân ưu tú Thủ đô năm 2013” ; Nhà nước tặng danh hiệu “
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu làm theo lời Bác”; Chủ tịch nước tặng Kỷ niệm; giải thưởng “
Thương hiệu vàng Thăng Long”; “
Sản phẩm chất lượng vàng Thủ đô” và chứng nhận “
Sản phẩm tiêu biểu năm 2013 và năm 2014” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Hàng năm, gia đình anh đều đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi cấp Trung ương, cấp thành phố.