Liều vay vốn ngân hàng để cải tạo vùng đồi hoang hóa thành trang trại tổng hợp, anh Đoàn Minh Tuấn trở thành điển hình vượt khó làm kinh tế giỏi.
|
Anh Tuấn chăm sóc thanh long ruột đỏ |
Vượt qua con đường quanh co đèo dốc, chúng tôi tìm tới trang trại gia đình anh Tuấn ở thôn Thắng Lợi, xã Y Can (huyện Trấn Yên, Yên Bái), trang trại nằm sâu bên trong khu vực đồi Phòng Không của xã.
Tôi đã có dịp đến đây thăm người bạn vài năm về trước, lần này trở lại tôi suýt không nhận ra vùng đất hoang sơ, lụp xụp vài cái lán vịt bên những lùm cây dại cao lút đầu người đã nhường chỗ cho một trang trại cây cối sum xuê, ao liền ao, tiếng gà vịt quang quác...
Anh Tuấn sinh năm 1975 là con trai trưởng trong một gia đình thuần nông có 5 người con. Bố anh là công nhân khai thác lâm sản từ Thái Bình lên Yên Bái lập nghiệp đến nay đã được 3 thế hệ.
Vốn cần cù, chịu khó từ nhỏ, anh lăn lộn với ruộng vườn, không nề hà bất cứ công việc nào. Thế nhưng, cái nghèo vẫn đeo bám...
Sau khi xuất ngũ về địa phương, anh xây dựng gia đình. Hai vợ chồng anh làm đủ thứ nghề nhưng chả nghề nào trụ được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định lựa chọn mô hình trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế.
Tiền vốn tích cóp bao nhiêu năm làm ăn không đủ, anh liều mình vay ngân hàng. Với số vốn ban đầu 1,2 tỷ đồng, anh bắt tay xây dựng chuồng trại, đào ao, mua con giống, cây giống...
Sau khi mua lại một số diện tích gò đồi, anh thuê máy ủi, máy xúc san gạt mặt bằng, đào ao thả cá. Để tiện cho việc chăm sóc, anh dời căn nhà ở trung tâm xã vào khu trang trại khiến họ hàng và những người xung quanh bất ngờ.
Nhiều người bảo, thằng này gàn hết chỗ nói, chỗ quang không đi lại đâm quàng bụi rậm, đất mặt đường không ở lại chui vào xó đồi heo hút…
Thương vợ vất vả, thương các con phải vượt đồi đi học xa, nhưng được sự ủng hộ hết mình của vợ, anh như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục với dự định làm giàu, quyết chinh phục vùng đất khô cằn, hoang hóa.
Với 3 ha trang trại, anh Tuấn dành 1 ha trồng quế, diện tích còn lại anh xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá và trồng cây ăn quả.
Anh tính toán rất kỹ lưỡng, theo mô hình VAC khép kín, chất thải chăn nuôi sẽ tận dụng làm phân bón cho cây trồng, cỏ trong vườn làm thức ăn nuôi cá, nước ao sẽ được sử dụng tưới cho cây.
Qua tìm hiểu một số mô hình chăn nuôi gia cầm, anh đặt mua 2.000 con gà giống Minh Dư tận Bình Định về nuôi. Không phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nhằm tận dụng ngô, lúa sẵn có tại địa phương, anh mua máy nghiền thức ăn đặt ngay trong khu chăn nuôi với chi phí hơn 200 triệu đồng.
Năm 2013, anh đầu tư trồng 300 trụ cây thanh long ruột đỏ, 200 gốc bưởi Diễn, ngoài ra còn xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi lợn và thả 1 vạn cá giống trên diện tích 1,5 mẫu ao.
Hoạt động chăn nuôi đã dần đi vào ổn định, anh Tuấn gặp khó khăn về đầu ra khi chưa tìm được thị trường tiêu thụ, giá bán cho tiểu thương tại địa phương rất thấp, trong khi đó giá con giống và thức ăn chăn nuôi đầu vào ngày càng tăng.
Cho ngan ăn.
Anh quyết định tự đi tìm thị trường, trực tiếp đến các chợ đầu mối lớn và nhà hàng ở Yên Bái, Lào Cai để chào hàng. Có lúc hai vợ chồng anh “ôm gà đi tiếp thị”, tặng cho mỗi nhà hàng 2 con gà để họ dùng thử và đánh giá.
Ông Nguyễn Thanh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Y Can nhận xét: "Xuất phát từ khát vọng làm giàu, anh Đoàn Minh Tuấn đã tự tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Từ những khó khăn về vốn và kỹ thuật, anh đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm để đầu tư mô hình VAC cho hiệu quả nhất xã Y Can. Đây là mô hình mà xã đang tổ chức nhân rộng…".
|
Gà anh nuôi thịt chắc và thơm, giá cả cạnh tranh nên dần chiếm được cảm tình của khách hàng, từ đó nhiều người đặt mua với số lượng lớn.
Mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 22 tấn gà, mới bắt đầu vào mùa cưới năm nay đã bán được 15 tấn, giá bán 75.000 đ/kg, trừ chi phí thức ăn chăn nuôi và các loại thuốc tiêm phòng, thu lãi từ trại gà khoảng 300-400 triệu đồng/năm.
Từ năm 2014, vườn thanh long ruột đỏ cũng bắt đầu cho quả, mỗi trụ cho từ 10-17 hoa với tỉ lệ đậu quả 90%, vụ bói đầu tiên thu về hơn 20 triệu đồng.
Đến nay, mỗi năm vườn thanh long cho 5 lứa quả chính, 5 lứa quả phụ từ tháng 3 đến tháng 10. Với giá bán 35.000 - 45.000 đ/kg tùy thời điểm, mỗi vụ anh Tuấn thu về 60 triệu đồng/300 trụ.
Một số loại cây ăn quả khác trong vườn cũng đang bắt đầu cho thu hoạch. Anh ước tính, ngoài gà Minh Dư và thanh long cho thu nhập ổn định, mỗi năm anh xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh 5 tấn cá cho thu 250 triệu, chăn nuôi lợn và ngan, vịt thu 150 triệu... tổng các khoản thu nhập lên tới gần 1 tỷ đồng.
Anh cho biết: "Với những gì tôi đã làm được như hôm nay chưa dám đảm bảo là chắc, còn phải học hỏi nhiều…"