Nuôi ong, một vốn bốn lời
09:58 - 03/12/2015
Chỉ trong vòng 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, mỗi tổ ong cho 7 lít mật, bán được gần 1 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 500 nghìn.
 

Với 450 tổ ong, cơ sở của các ông Bùi Văn Hùng, Đinh Quang Sơn ở thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn, Hòa Vang (Đà Nẵng) đang hốt bạc.

Giữa khu rừng keo lá tràm, gần cuối thôn Diêu Phong, hàng trăm tổ ong làm bằng gỗ, đặt có hàng có lối. Tổ nào tổ nấy ong thợ tới tấp vào ra. Tại lán tạm khá đơn sơ, nhiều thùng nhựa, mật đã đầy ứ. Gần đó, công nhân đang thu mật từ máy quay ly tâm.

Dừng công việc trong chốc lát, ông Đinh Quang Sơn cho biết, ở Đà Nẵng thời tiết từ tháng 4 - 6 âm lịch rất thuận tiện, rừng bạt ngàn, nuôi ong rất lý tưởng. Cơ sở này mới triển khai hồi đầu năm. Các tổ ong chuyển từ Tây Nguyên ra. Hiện tại có 450 tổ.

Sau 6 tháng nuôi, có thể lạc quan khẳng định, nuôi ong mật ở Đà Nẵng đang là hoạt động kinh tế hái ra tiền. Trung bình mỗi tổ cho 7 - 9 lít mật. 450 tổ đã thu hơn 3.000 lít. Với giá 120 -130 nghìn đồng/lít, cơ sở có nguồn thu 350 triệu đồng, chỉ trong vòng 6 tháng.

Hỏi về bí quyết nuôi loài vật này, ông Sơn bật mí: "Thực ra nuôi ong không khó. Tuy vậy, yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả là phải nắm bắt được diễn biến sức khỏe của từng đàn. Ong là loài vật rất nhạy cảm với thời tiết dễ nhiễm bệnh. Phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách, ong thợ năng bay đi lấy phấn hoa, tạo nhiều mật và ngược lại.

Kẻ thù nguy hiểm nhất của ong mật là các loài ong lớn như vò vẽ, ong thần... Khi phát hiện, chúng kéo đến cắn phá, làm ong mật bất đắc dĩ bay đi nơi khác. Những người nuôi ong kinh nghiệm, khi thấy có ong lạ tấn công, chỉ cần bắt 1 con, buộc chỉ đã nhúng thuốc sâu vào, rồi thả cho bay về, cả tổ ong đó sẽ chết hết.

Thiết nghĩ, các cấp hội nông dân, cơ quan khuyến nông cần mở lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi loài vật này, sau nữa, hỗ trợ vốn ban đầu, chuyển giao giống để nhiều người cùng tham gia nuôi. Hy vọng thời gian không xa, người dân Hòa Vang là chủ các trại ong quy mô lớn, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa nghèo, làm giàu tại địa phương.

Sau mùa lấy mật, các tổ ong phải đưa vào thời kỳ nghỉ dưỡng. Nếu đã quá già, phải thay ong chúa mới. Thời kỳ dưỡng, do mùa mưa, ong ít có khă năng bay đi lấy phấn hoa, nên phải bổ sung thức ăn thường xuyên, chủ yếu là đường, hoặc mật của chính nó".

Nói về hiệu quả kinh tế, ông Bùi Văn Hùng cho biết, nuôi ong chỉ đầu tư vốn ban đầu tức là tổ ong đã dưỡng có chúa mới, khỏe. Núi rừng bạt ngàn, muôn loài cây cối là nguồn phấn hoa gần như vô tận cho ong thả sức tha về tổ.

Chỉ trong vòng 6 tháng mỗi tổ ong đem lại nguồn lợi 700 - 800 nghìn đồng, có lẽ ít hoạt động kinh tế nào ở miền núi sánh nổi. Hơn nữa, hoạt động này khá nhẹ nhàng, ít nhân công lao động. Còn khâu tiêu thụ sản phẩm khỏi lo. Mật nguyên chất, tinh khiết thu được bao nhiêu khách hàng mua hết bấy nhiêu.

Được biết, cách đây gần chục năm, tại các xã miên núi Hòa Vang, phong trào nuôi ong mật đã triển khai khá rầm rộ. Do kinh nghiệm chưa nhiều, nên việc nuôi ong mai một dần. Nguyên nhân chỉ vì không nắm chắc được tình trạng sức khỏe của ong để điều trị kịp thời và bị ong lạ liên tục tấn công.

Hoạt động kinh tế rất hiệu quả như vậy, nhưng hiện tại trại ong của các ông Bùi Văn Hùng, Đinh Quang Sơn ở thôn Diêu Phong là trại duy nhất ở Đà Nẵng. Trong khi đó, tiềm năng đồi núi ở địa phương này rất lớn.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo