Hiện nay, tỉnh Cà Mau có trên 330 cơ sở làm nghề cá khô bổi truyền thống, thu hút trên 2.500 lao động, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm các cơ sở này cung cấp ra thị trường từ 10 - 15 tấn sản phẩm.
Nghề làm cá khô bổi chỉ theo mùa, cao điểm là từ đầu tháng 12 đến hết tháng 5 năm sau vì đây là mùa thu hoạch cá đồng. Hơn nữa, sản phẩm khô bổi bán đắt nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán.
Đặc điểm của nghề làm cá khô bổi là dễ làm, đầu tư nhỏ nhưng lãi to. Công đoạn đầu của làm khô bổi là làm cá rửa sạch, ướp với nước muối rồi phơi nắng hoặc sấy bằng máy, cho tới thân cá thật khô là thành sản phẩm. Cá bổi nguyên liệu thường có trọng lượng 4 con/kg, 3 kg cá nguyên liệu làm được 1 kg cá khô. Giá cá nguyên liệu hiện nay dao động từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, trong khi giá cá khô bổi trung bình 400.000 đồng/kg, đặc biệt vào những dịp Tết giá lên tới trên 500.000 đồng/kg.
Cá khô bổi nướng hoặc làm gỏi là món ăn quen thuộc với người dân Nam bộ và đã trở thành thương hiệu từ lâu trên thị trường. Dịp lễ tết, người ta thường dùng cá khô bổi để tặng bạn bè, người thân. Tuy nhiên, sản lượng cá khô bổi ở tỉnh Cà Mau hiện nay còn hạn chế, cung không đủ cầu do thiếu nguyên liệu.
Ông Ngô Văn Dễ, chủ cơ sở làm cá khô bổi ở huyện U Minh cho biết, mặc dù đây là nghề dễ làm giàu nhưng sản lượng cá bổi hiện nay chỉ đạt khoảng 4.000 tấn/năm nên người làm nghề luôn gặp cảnh thiếu nguyên liệu.
Theo ông Trần Gia Lâm, chủ cơ sở sản xuất cá khô bổi ở huyện Trần Văn Thời, cá bổi nguyên liệu hiện nay chỉ có ở vùng nước ngọt, tập trung ở rừng U Minh Hạ. Khi vào mùa, cơ sở của ông phải cử nhiều nhóm đi thu mua nguyên liệu để sản xuất cá khô. Nhờ làm nghề cá khô bổi 3 năm nay gia đình ông đã khá giả. Mỗi dịp Tết, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi trên 200 triệu đồng.
Đây là nghề truyền thống, tuy đầu tư nhỏ nhưng lãi to, phù hợp với điều kiện của một bộ phận nông dân tỉnh Cà Mau./.
Trần Thành Nên/TTXVN