Từ con nợ thành triệu phú nhờ... nuôi tôm
Nhờ nuôi tôm, anh Nguyễn Văn Cường (xóm Hợp Thành, xã Hải Đông, Hải Hậu), hiện có trong tay tài sản nhiều tỷ đồng, sở hữu khu nuôi tôm trên 9.000 m2, mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng. Nhưng ít người biết rằng trước đó anh vấp phải không ít thất bại, phải 10 năm mới thoát cảnh nợ nần.
Thành công khi trắng tay
Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng, chật vật không kiếm được việc làm, Nguyễn Văn Cường khăn gói về quê và quyết tâm khởi nghiệp. Vùng quê ven biển khi đó nghề làm muối vốn nhọc nhằn mà thu nhập bấp bênh nên nhiều diện tích bỏ hoang. Cường bắt tay cải tạo lại và khai phá những bũng nước bỏ không do người ta đào đất đắp đê để nuôi thủy sản. Hồi đó chủ yếu là khai thác tự nhiên, và nuôi quảng canh nên thu nhập bập bõm.
Lúc này huyện có chủ trương hỗ trợ người dân chuyển đổi từ làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, từ chỗ chỉ có mấy bũng nước, anh mở rộng quy mô. Thuê gom những diện tích muối trước đây bỏ không để chuyển sang nuôi tôm công nghiệp từ năm 2007.
Anh Cường cho hay: Thời đó, đã có một số hộ nuôi tôm sú nhưng không thành công. Khi bắt tay nuôi tôm tôi chọn nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ nguồn vốn ít ỏi cùng với nguồn hỗ trợ của huyện và vốn vay tôi tiến hành đào 3.000 m2, đầu tư hệ thống ao nuôi. Bỏ ra không ít công sức tiền bạc nhưng anh Cường đã nhận thất bại đầu tiên.
Đầu năm 2008, anh nuôi tiếp nhưng tôm bị dịch bệnh nên thành công lại không đến với Cường. Lúc này anh đã thành con nợ. Với bao nỗi hoang mang, chỉ có điều anh chưa muốn dừng lại. Sau khi đi tìm hiểu kinh nghiệm ở một số vùng nuôi trong và ngoài tỉnh, anh nhận thấy các nơi người ta vẫn làm được, nên anh trăn trở: “Tại sao vẫn đất đấy, nước đấy người ta làm được thì chẳng có lý do gì mình không làm được”. Và bài học đầu tiên là nếu không đầu tư quy củ thì rất dễ thất bại.
Lúc này được gia đình bạn bè động viên, tôi cũng nghĩ rằng, nếu làm thì vẫn có thể thất bại, nhưng mình còn trẻ nếu không làm thì không có cơ hội và mãi mãi như vậy thôi. Thế là tôi tiếp tục vay vốn và đầu tư một ao nuôi 1.000 m2 theo đúng theo mô hình công nghiệp: Ao gọn gàng, bờ có bê tông, lót bạt, có máy guồng nước, tạo môi trường nước nhân tạo, điều chỉnh đo đếm dư lượng thức ăn, thuốc thú y...
Giữa năm 2008, anh mua giống về thả vụ đầu tiên, sau 3 tháng quả ngọt đầu tiên đã tới với vụ tôm thắng lợi. Sau đó bắt tay thả ngay vụ đông và anh lại tiếp tục thành công. 2 vụ liên tiếp trừ hết chi phí còn dư được 110 triệu đồng. Anh cho biết: Không thể tả nỗi niềm xúc động khi đó, mình nghĩ rằng tại sao chỉ một ao nuôi chừng 1.000 m2 thôi mà chỉ hơn nửa năm thu được nhiều tiền như vậy. Lúc đó mới có tiền để trả nợ ngân hàng. Tôi nói vợ rằng hai vợ chồng lấy nhau từ năm 1998, phải mất 10 năm mới trả hết nợ nần chỉ nhờ hai vụ nuôi thành công.
Sáng tạo nuôi tôm trên bể
Đúc kết kinh nghiệm, anh Cường cho rằng phải đầu tư và tìm hiểu học hỏi, điều chỉnh theo từng thời kỳ. Mỗi ao nuôi 1.000 m2 đầu tư khoảng 100 triệu: Đào ao, đổ đáy bê tông hoặc lót hạt… Bí quyết nuôi là khâu cải tạo ao và nguồn nước. sau vụ phải cải tạo ao thất sạch và phải có thời gian cho ao nuôi nghỉ.
Anh Nguyễn Văn Cường sở hữu những ao nuôi tôm cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Từ đó đến 2009 anh mở rộng diện tích thêm 2 ao (4.000 m2) và tiếp tục thành công. Bình quân cứ 1.000 m2 ao sau 3 tháng anh thu về 100 triệu. Đầu năm 2011 anh tiếp tục mở rộng thêm 2 ao nữa, cũng thành công, năm 2012 là năm thành công nhất, vợ chồng anh bỏ túi trên 1 tỷ đồng. Hiện nay anh có 5 ao nuôi với diện tích trên 9.000 m2. Tính bình quân, mỗi năm thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.
Sau những vụ tôm thành công liên tiếp, từ năm 2013 đến nay bắt đầu khó khăn do tôm bị dịch bệnh. Theo anh Cường, nguyên nhân do môi trường và chất lượng con giống, trong đó môi trường ảnh hưởng tới 80%. Đáy ao và dòng sông tiêu bị ngấm chất bẩn. Còn nguyên nhân nữa là giữa khu nuôi tôm và khu làm muôi vẫn có sự xem kẽ vẫn chưa tách biệt được nên các hộ nuôi tôm chưa chủ động trong cải tạo ao. Trước khó khăn này anh đã nảy ra sáng kiến nuôi tôm trong bể, đã đem lại thành công không ngờ .
Câu chuyện đưa con tôm nuôi trên bể cũng rất tình cờ. Năm 3013, anh Cường xây bể khoảng trên 20 m2 để nuôi tôm giống nhưng thất bại. Thấy bể bỏ không cũng phí nên anh bơm nước vào thả tôm nuôi thử, không ngờ lại thành công. Từ 2014 bắt đầu nuôi tôm trong bể. Theo anh Cường, nuôi tôm trong bể tuy đầu tư cao hơn, sản lượng không cao như ngoài ao nhưng không rủi ro, tỷ lệ thành công rất cao. Đến nay anh đầu tư 6 bể, qua 4 vụ nuôi đều thành công. Sau khi trừ cho phí bình quân mỗi ngày 6 bể nuôi cho anh thu nhập 600.000 đồng.
Theo anh Cường, nuôi tôm trên bể có thuận lợi là chỉ cần diện tích ít, mỗi năm nuôi được 3 vụ, không cần thời gian cải tạo, chỉ cần xả nước lại tiếp tục nuôi vụ mới. Với diện tích 1.000 m2, dành ra 500 m2 để làm ao trữ nước, diện tích còn lại đầu tư 20 bể (mỗi bể 25m2), chi phí khoảng 15 triệu đồng/bể, mỗi ngày bỏ túi 2 triệu đồng. Theo anh đây là giải pháp nuôi tôm bền vững giúp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm trên ao hiện nay. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con có nhu cầu áp dụng mô hình này.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Đông cho biết, mô hình nuôi tôm trên bể của ông Cường đang mở ra hướng phát triển mới cho người nuôi tôm. Hiện nay xã cũng rất quan tâm, trong thời gian tới sẽ đánh giá và nhân rộng mô hình này, giúp cho vùng chuyển đổi của xã bền vững hơn.