Nâng chất lượng nghề nuôi tôm
12:36 - 31/08/2016
(TNNN) - Con tôm có một thị trường rất rộng tới 7 tỷ người trên thế giới. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta có cơ hội biến thách thức thành lợi thế, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, khi hạn mặn, Việt Nam sẽ cần chuyển một phần diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản.
Muốn nâng cao chất lượng ngành tôm, cần tập trung đầu tư vào sản xuất giống cũng như tôm thương phẩm theo mô hình thâm canh

Với khẩu hiệu “nâng tầm tôm Việt”, những năm qua, tập đoàn sản xuất tôm hàng đầu Việt- Úc đã đầu tư bài bản vào sản xuất giống cũng như tôm thương phẩm theo mô hình thâm canh, năng suất và hiệu quả cao. Đây cũng là mục tiêu chung cho cả ngành tôm Việt Nam. Đặc biệt, nếu tham gia TPP, nghiễm nhiên Việt Nam sẽ “loại” được 2 đối thủ lớn là Ấn Độ và Indonesia do 2 nước này không được tham gia hiệp định.



Tuy nhiên, để nâng tầm được tôm Việt thì cần nâng cao giá trị gia tăng, làm sao đảm bảo giá trị tăng liên tục, mà muốn làm như vậy chúng ta phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành tôm. Một trong những khâu then chốt để tăng chất cho ngành tôm, đó chính là giống.



Thực tế cho thấy chất lượng con giống quyết định 70% sự thành công của người nuôi tôm thịt. Tuy nhiên, phần lớn giống tôm bố mẹ ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Thái Lan và Mexico trong khi giống tôm sú thì khai thác ngoài tự nhiên. Những năm qua, việc nghiên cứu tôm thẻ chân trắng trong nước đang có nhiều triển vọng khi cuối năm 2015, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã nghiên cứu được 4 đàn tôm có chất lượng tốt làm vật liệu cho việc phát triển tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước. Tập đoàn Việt - Úc đã sản xuất được 5.000-10.000 tôm bố mẹ thẻ chân trắng, có thể đáp ứng được 50-55% nhu cầu giống của Tập đoàn.



Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã sản xuất được hơn 57 tỷ con giống, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt gần 40 tỷ và tôm sú đạt hơn 15 tỷ con trong khi nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, mỗi năm cả nước cần khoảng 230 nghìn con tôm bố mẹ sản giống. Các tỉnh Nam Trung Bộ là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận là khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của cả nước. Mỗi năm khu vực này đáp ứng khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước. Bất cập nhất trong khâu giống, là vẫn còn hiện tượng cơ sở nuôi tôm giống bắt tôm thịt về làm tôm bố mẹ, thậm chí lấy nguồn tôm trôi nổi, không rõ nguồn gốc để sản xuất hay nhập giống không đảm bảo chất lượng từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây rủi ro rất lớn cho người nuôi.



Tôm bố mẹ thẻ chân trắng nhập khẩu từ nước ngoài về được nuôi trong điều kiện tối ưu về nhiệt độ, độ mặn nên khi về Việt Nam nuôi với điều kiện dao động nhiệt độ, độ mặn cao, môi trường thay đổi nên khả năng sống sót thấp, khoảng 30-75%. Đây là một rủi ro lớn đối với người nuôi trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp. Để khắc phục điều này, trong những năm qua Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã nhập khẩu đàn giống bố mẹ ở các nước về và tiến hành lai tạo, chọn lựa ra đàn tôm bố mẹ thích ứng với điều kiện của vùng nuôi. Kết quả đối chứng với giống tôm nhập khẩu về cho thấy, đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ chọn tạo trong nước tốt hơn khi tỷ lệ sống sót cao hơn và năng suất tăng khoảng 5-7%.



Hiện nay chúng ta mới tập trung nghiên cứu tôm bố mẹ thẻ chân trắng sạch bệnh, tăng trưởng cao để nuôi thâm canh trong khi tôm kháng bệnh, tăng trưởng nhanh để nuôi quảng canh chưa được chú ý nhiều. Trong khi diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến đang chiếm phần lớn diện tích nuôi tôm sú ở Việt Nam, vào khoảng gần 600.000 ha hiện năng suất mới chỉ đạt 150-300kg/ha/năm. Trong khi đó, tại Ecuado, với chương trình chọn tạo giống kháng bệnh của họ ở quy mô không lớn lắm nhưng họ đã đạt năng suất nuôi khoảng 2.300 tấn/ha/năm.



Vấn đề chất lượng sản xuất tôm giống không chỉ là vấn đề sống còn của doanh nghiệp tôm giống mà là của cả chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất bể ươm nuôi, nâng cấp quy trình xử lý nước và lọc nước để có nguồn nước biển sạch phục vụ sản xuất, sử dụng quy trình nuôi tảo tươi, men vi sinh đặc biệt không dùng kháng sinh.



Về tôm giống bố mẹ các doanh nghiệp cần lựa chọn nguồn cung cấp tốt, chất lượng cao, không nuôi tôm bố mẹ quá thời gian quy định, mua naus có nguồn gốc tôm bố mẹ rõ ràng và thường xuyên tìm kiếm nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao, để chủ động trong sản xuất. Về thức ăn doanh nghiệp lựa chọn thương hiệu uy tín để chắc chắn tôm giống đủ chất dinh dưỡng từ hàm lượng, vi lượng, vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết; chọn loại Actemia chất lượng để tôm giống phát triển nhanh, đồng đều và có sức đề kháng cao.



Trong khâu xuất bán tôm giống, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà nước như kiểm dịch, tiêu chuẩn kích cỡ, sạch bệnh, chất lượng cao. Song song đó vấn đề bảo vệ môi trường nuôi tôm cũng là một giải pháp trọng tâm. Đây là mục tiêu, nền tảng để phát triển bền vững cho ngành tôm giống Việt Nam.
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo