Doanh nghiệp khó khăn trong tích tụ ruộng đất
16:53 - 22/08/2016
(TNNN)- Tích tụ ruộng đất tạo cơ hội cho nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Tuy nhiên, thực tế quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm.
Doanh nghiệp khó khăn trong tích tụ ruộng đất (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn - IPSARD (Bộ NN&PTNT), quy mô diện tích đất nông nghiệp ở nước ta hiện manh mún, bình quân chỉ khoảng 0,5-0,7 ha/hộ. Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, bình quân mỗi hộ thuần trồng lúa phải có ít nhất 2 ha trở lên mới có thu nhập vượt qua ngưỡng đói nghèo.
 
 
Do thu nhập thấp, nhiều hộ nông dân phải kiếm thêm thu nhập từ lĩnh vực khác, như lên phố làm giúp việc, xe ôm, cửu vạn… Hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không gieo cấy ở nhiều địa phương, với mức độ khác nhau.
 
 
Tuy nhiên vì công việc bấp bênh, không có hợp đồng, bảo hiểm, nên nông dân vẫn cố giữ bằng được số ruộng đất được giao, với tâm lý nếu gặp thất bại, rủi ro vẫn còn đường lùi về làm ruộng. Vì thế, họ cho người thân, con cháu trong gia đình, dòng họ, xóm giềng thân cận thuê, mượn lại, kể cả bỏ ruộng không... Như vậy, thói quen giữ ruộng đất của nông dân để “phòng thân” đã khiến đất đai từ “tư liệu sản xuất” đã chuyển sang thành “vật bảo hiểm rủi ro”. Tình trạng này dẫn đến việc ruộng bỏ hoang nhiều nơi, người cần có ruộng, yêu ruộng thực sự, hoặc các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp không có đủ thửa lớn, diện tích lớn để sản xuất.
 
 
Trong khi nông dân nhiều nơi trả ruộng, bỏ ruộng hoang hóa, thì có một thực tế nhiều cá nhân, DN lại đang gặp khó khăn trong việc thu gom, tích tụ ruộng đất để đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn... Không giống như quy trình triển khai một dự án công nghiệp, để có đất thực hiện các dự án nông nghiệp, chính quyền và DN phải thực hiện cơ chế vận động nông dân cho DN thuê lại ruộng đất.
 
 
Tại Nam Định, để “gom” được 140 ha đất bãi ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường) phục vụ dự án sản xuất rau sạch, tập đoàn Vingroup đã phải vận động, đàm phán việc thuê ruộng đất với tổng cộng 3.000 hộ nông dân ở địa phương. Trong số 3.000 hộ này, có hộ đồng ý cho thuê, có hộ không. Khi đó chính quyền phải thực hiện thêm một thao tác rất khó khăn, phức tạp là dồn đổi ruộng đất của những hộ đồng ý cho thuê tập trung về một nơi, dồn đổi ruộng đất của những hộ không đồng ý về một nơi, sau đó mới có mặt bằng bàn giao cho DN.
 
 
Một khảo sát của IPSARD năm 2014 cho thấy, DN nông nghiệp đang rất bí về đất đai làm vùng nguyên liệu, xây dựng trụ sở, khu chế biến. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD cho biết, hiện các chính sách hỗ trợ DN về đất đai chưa hợp lý và khó tiếp cận. Gần 70% DN nông nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chỉ có 17% số DN khảo sát được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất.
 
 
Hiện có một số mô hình tích tụ ruộng đất khá hiệu quả ở một số địa phương. Chẳng hạn, nông dân thuê lại đất của nông dân; tập trung đất đai thông qua hợp tác xã; nông dân góp vốn bằng đất và trở thành cổ đông của công ty, DN đi thuê đất của dân, mô hình cánh đồng mẫu lớn... Hầu hết DN và các hộ tích tụ được ruộng đất đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư vốn, kỹ thuật, máy móc phương tiện nhờ đó hiệu quả sản xuất cao hơn và tạo việc làm cho lao động địa phương.
 
 
Cái khó lớn nhất trong tích tụ ruộng đất hiện nay là không sản xuất hoặc sản xuất hiệu quả thấp nhưng một bộ phận nông dân vẫn có tư tưởng giữ ruộng đất, không cho cá nhân, DN thuê. Ðể tháo gỡ vấn đề này, các ngành liên quan cần xây dựng hành lang pháp lý, hướng dẫn việc thuê và cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ kinh phí, khoa học kỹ thuật cho các vùng sản xuất tập trung có diện tích lớn, đặc biệt chỉ đạo hệ thống chính trị ở cơ sở phải tăng cường vào cuộc tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu và từ bỏ thói quen giữ ruộng đất, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế, đời sống của nông dân.
 
 

Thành Huy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo