Sau loạt bài "Trâu bò lậu tràn biên": Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vào cuộc
Sau khi báo đăng, các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt nắm bắt thông tin, triển khai chấn chỉnh tình hình.
|
Bản Tiền Tiêu, một trong những điểm nóng về buôn lậu trâu bò tại Kỳ Sơn |
Báo NNVN đăng loạt bài “Trâu bò lậu tràn biên” phản ánh tình trạng trâu bò Lào nhập lậu qua xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Sau khi báo nêu, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ( Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đã vào cuộc, xác minh thông tin báo nêu để tìm biện pháp xử lý.
Ngày 23/4/2015, đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh văn phòng thường trực làm Trưởng đoàn đã vào làm việc với Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh Nghệ An. Buổi làm việc có lãnh đạo Sở Công thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Nghệ An, Cục Hải quan Nghệ An, Cơ quan Thú y vùng III, Chi cục Thú y Nghệ An và đại diện Báo NNVN khu vực Bắc Trung bộ.
Theo đại diện Báo NNVN khu vực Bắc Trung bộ, những năm gần đây, trên địa bàn Nghệ An, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, ngoài dịch bệnh LMLM type O, hiện nhiều địa phương đã bùng phát dịch LMLM type A.
Tình trạng trên khiến việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc gặp rất nhiều khó khăn; hàng năm, cơ quan thú y tỉnh đã phải bỏ ra hàng tỉ đồng và tổ chức lực lượng gồng mình dập dịch nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất và chăn nuôi.
Sau khi báo đăng, các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt nắm bắt thông tin, triển khai chấn chỉnh tình hình.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y Nghệ An, năm 2013 có 465 chuyến, với 7.964 con trâu, bò, dê được vận chuyển từ huyện Kỳ Sơn về chợ Ú (Đô Lương) để tiêu thụ; năm 2014 là 468 chuyến, 6.454 con; 3 tháng đầu năm 2015 cũng đã có 62 chuyến, 866 con trâu, bò (chưa kể dê) đã được đưa về xuôi tiêu thụ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chi cục Thú y, Chi cục QLTT, Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan Nghệ An cùng chung nhận định tình hình buôn lậu trâu bò diễn ra như báo nêu là có thật nhưng đã không còn rầm rộ và táo tợn như từ năm 2009 trở về trước.
Tình trạng buôn lậu trâu bò lâu nay vẫn diễn ra là do việc triển khai công tác chống buôn lậu trâu bò gặp rất nhiều khó khăn, xuất phát từ tập quán trao đổi trâu bò của đồng bào dân tộc Mông giữa 2 nước Việt - Lào ở sát khu vực biên giới. Thực tế, đã nhiều lần lực lượng chức năng bắt giữ các vụ buôn lậu trâu bò nhưng rất khó xử lý, bị khiếu nại nên cuối cùng đã phải trả lại cho dân.
Một thực tế là việc buôn bán trâu bò qua biên giới, nếu thực hiện đầy đủ thủ tục sẽ gặp rất nhiều vướng mắc như phải có doanh nghiệp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu, phải có bãi tập kết, khu cách ly bên nước bạn để kiểm dịch trước khi đưa vào Việt Nam.
Cách đây khoảng 3 năm, đã có doanh nghiệp mở tờ khai để nhập khẩu trâu bò về Việt Nam tiêu thụ, đơn vị này đã tiến hành xây dựng khu cách ly, nhập trâu bò qua cửa khẩu nhưng do làm ăn không có lãi nên họ đã bỏ cuộc từ đó mới phát sinh tình trạng buôn lậu trâu bò theo hình thức này.
Đoàn công tác cũng đã trực tiếp làm việc với chính quyền huyện Kỳ Sơn và UBND xã Nậm Cắn để nắm thêm tình hình.
Tại buổi làm việc với chính quyền xã Nậm Cắn, mặc dù ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã chối bỏ việc ông tiếp tay cho tình trạng này nhưng cũng phải thừa nhận việc dắt lậu trâu bò từ Lào về Việt Nam là có, tuy không nhiều như báo viết.
Ngược lại, khi làm việc với đoàn công tác tại trụ sở UBND huyện Kỳ Sơn thì ông Moong Phò Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn lại khẳng định là “Báo nói hoàn toàn đúng, không có gì sai với thực tế! Số bò của dân nuôi mang bán chưa được 10% lượng trâu bò xuất đi từ xã Nậm Cắn...”.
Ông Ngọc cho biết, trong 10 năm nay, tại xã Nậm Cắn vẫn tồn tại 6 đầu nậu người địa phương, chuyên thu gom bò Lào rồi thuê người Mông dắt về Việt Nam (mỗi chuyến 50.000 đồng/con). Sau đó các đầu nậu này đã bán lại cho 4 đầu nậu tại xã Đại Sơn, Đô Lương. Ông Ngọc khẳng định mỗi năm số trâu bò của dân Nậm Cắn tự nuôi sau đó bán về xuôi chưa đến 200 con.
Ông Vi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cũng khẳng định 90% số trâu bò từ Nậm Cắn hằng ngày được thương lái sử dụng xe tải vận chuyển về xuôi (từ 20 đến 30 con/xe) đều là trâu bò Lào. Ông Hùng cho biết: Ngồi trên nhà ông nhìn xuống, ngày nào cũng có 2-3 xe tải chở trâu bò từ Nậm Cắn về. Vì vậy, cần có biện pháp thế nào để ngăn chặn nhất là vào mùa dịch bệnh phát sinh...
Rõ ràng chính quyền địa phương ở đây đã thẳng thắn thừa nhận, thông tin BáoNNVN nêu về tình trạng buôn lậu trâu bò qua biên giới thời gian qua diễn ra tại xã Nậm Cắn là chính xác.
Với thực trạng trên, lực lượng chức năng chống buôn lậu tại Nghệ An mong báo chí chia sẻ, hỗ trợ trong thời gian tới. Về mặt quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần ban hành cơ chế chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc để vừa đáp ứng được nhu cầu trao đổi, buôn bán trâu bò giữa 2 nước Việt – Lào qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn vừa đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh.
Trước mắt, đoàn công tác đề nghị chính quyền địa phương thống kê, kiểm soát lượng trâu bò, dê, ngựa hiện có trên địa bàn, nhất là các xã biên giới, đồng thời lực lượng thú y phải kiểm tra lâm sàng và tiến hành bấm số tai cho trâu bò được mua, bán ngay tại từng xã giúp cơ quan chức năng kiểm soát và đấu tranh tốt hơn tình hình buôn lậu. Đoàn công tác cũng yêu cầu lực lượng Thú y, Bộ đội Biên phòng, Hải quan chấn chỉnh lại đội ngũ công chức, viên chức của mình tại cửa khẩu Nậm Cắn để hoạt động nghiệp vụ có hiệu quả cao hơn.