Những tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu gạo của nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường truyền thống giảm và cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, gạo Việt Nam muốn đứng vững trên thị trường cần loại bỏ tư duy số lượng để tập trung nâng cao chất lượng. Đồng thời, phải dự báo chính xác về cung- cầu thị trường.
Lúng túng tìm đầu ra
Thời gian qua, khâu sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. Nông dân nhiều nơi tích cực liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp (DN) để phát triển mô hình "cánh đồng mẫu lớn" (CĐML) và "cánh đồng liên kết" nhằm sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Từ chỗ chỉ thực hiện chức năng thu mua gạo lứt về lau bóng xuất khẩu, đến nay DN xuất khẩu gạo đã tích cực liên kết nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa; đầu tư các kho tàng, lò sấy, dây chuyền phục vụ xay xát, chế biến lúa gạo một cách đồng bộ và hiện đại.
Hiện tỷ trọng gạo xuất khẩu cấp thấp với giá rẻ có xu hướng giảm, gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng ngày càng tăng… Tuy nhiên, trên bình diện chung, diện tích sản xuất lúa của nông dân tham gia CĐML và có hợp đồng bao tiêu đầu ra của DN còn nhỏ bé so với tổng diện tích sản xuất lúa. Kho tàng của DN hiện mới tập trung phục vụ cho chứa gạo là chủ yếu, kho chứa lúa còn rất ít. Đặc biệt, không ít nông dân còn sản xuất theo "phong trào", thiếu gắn kết với DN và các yêu cầu của thị trường. Cụ thể năm trước, lúa thơm Jasmine 85 bán được giá cao, vụ đông xuân 2014-2015, diện tích xuống giống này ở vùng ĐBSCL tăng mạnh và đã xuất hiện tình trạng nông dân khó bán lúa. Theo nhiều DN, vụ lúa này đã ký hợp đồng bao tiêu lúa Jasmine 85 của nông dân trong CĐML nên DN ngại mua thêm lúa của nông dân bên ngoài. Hơn nữa, nhu cầu gạo phục vụ xuất khẩu của DN trong những tháng đầu năm 2015 chủ yếu tập trung vào các loại gạo thông thường, còn gạo Jasmine 85 và nhiều loại gạo thơm khác chủ yếu được DN mua dự trữ chờ giá và thị trường, chứ khó xuất khẩu ngay. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, phân tích: "Nông dân ồ ạt gieo lúa Jasmine 85, nhiều nơi sử dụng cả nguồn giống không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, sản phẩm lúa đầu ra khó đảm bảo chất lượng. Vấn đề này cần rút kinh nghiệm để các vụ sản xuất tới không bị động cả trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm".
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thực hiện chủ trương của Chính phủ về mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2014-2015 tại ĐBSCL, có 22 doanh nghiệp tại TP Cần Thơ được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ chỉ tiêu mua 143.500 tấn quy gạo. Ngoài ra, VFA còn phân bổ chỉ tiêu 67.529 tấn quy gạo cho 10 doanh nghiệp ngoài TP Cần Thơ tham gia thu mua lúa, gạo trên địa bàn Cần Thơ. Tính đến ngày 12-4, các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố đã thu mua đạt hơn đạt 94% tổng chỉ tiêu được VFA phân bổ cho các doanh nghiệp thu mua trên địa bàn TP Cần Thơ. |
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo vụ đông xuân 2014-2015, Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 4 tháng để thực hiện mua tạm trữ, nhưng nhiều DN cũng rất lo không biết sau thời gian được hỗ trợ lãi suất, tình hình xuất khẩu liệu có khởi sắc. Nếu không tiêu thụ được gạo, DN phải trả lãi không dưới 30 đồng/kg gạo/tháng. Trong những tháng đầu năm, nước ta đã trúng thầu xuất khẩu sang Philippines 300.000 tấn, tháng 6 và tháng 7 tới đây, Philippines sẽ mở thêm các đợt đấu thầu mới, hy vọng sẽ tiếp tục trúng thầu, tạo khởi sắc cho đầu ra lúa gạo.
Cần điều chỉnh kịp thời
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong năm 2015, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn gạo, tăng 0,5 triệu tấn so với năm 2014, trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam), hiện Trung Quốc vẫn áp dụng biện pháp phân phối hạn ngạch nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, năm 2015 hình thức phân bổ hạn ngạch có nhiều điểm khác trước. Cụ thể như: thời điểm thông báo chính thức hạn ngạch cho các đơn vị rất muộn; không cấp hạn ngạch cho cả năm như trước mà chỉ cấp từng đợt với số lượng "nhỏ giọt". Bên cạnh đó, để kiểm soát tình hình thương mại gạo biên giới và tránh thất thu thuế, từ giữa năm 2014 trở lại đây, Trung Quốc siết chặt quản lý việc nhập khẩu gạo qua biên giới với Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu gạo qua biên giới sang Trung Quốc diễn biến khó lường trong thời gian tới.
Dù vậy, đầu ra cho hạt gạo của Việt Nam vẫn rất "rộng cửa" và nước ta cũng có nhiều cơ hội để nâng cao giá trị xuất khẩu gạo nếu có các điều chỉnh kịp thời. Hiện nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới vẫn ở mức cao, nhất là trong bối cảnh dân số thế giới tiếp tục tăng. Nước ta có thuận lợi khi nằm ở vị trí khá gần với nhiều nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia… Nếu khai thác tốt các thị trường mới gắn với việc nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, hạt gạo Việt Nam có nhiều cơ hội từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thái Lan tuy có lượng gạo tồn kho lớn nhưng chất lượng gạo tồn kho cũng có vấn đề, gạo chất lượng cao của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh với gạo Thái. Theo ông Trần Xuân Long, Trưởng Phòng gạo, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương, cần quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm gạo gắn với chiến lược kinh doanh phù hợp của các DN để thâm nhập tốt vào các "phân khúc" của thị trường. DN cần thay đổi cách làm ăn, có chiến lược kinh doanh dài hạn, có mặt hàng trọng điểm để phát triển thị trường bền vững.
FAO và USDA dự báo xuất khẩu gạo năm 2015 của Thái Lan đạt 11 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2014. Thái Lan hiện có khoảng 17,8 triệu tấn gạo lưu kho và chính phủ nước này đặt mục tiêu bán 10 triệu tấn trong năm 2015 và 7 triệu tấn trong năm 2016. Trong khi đó, Myanmar đang tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nhất là đối với thị trường Trung Quốc và một số nước khác ở châu Á vốn là thị trường truyền thống của Việt Nam. Năm 2014 Myanmar xuất khẩu hơn 800.000 tấn gạo sang Trung Quốc và dự kiến đạt con số hơn 1 triệu tấn trong năm 2015. Gần đây, Myanmar cũng ký với Indonesia hợp đồng cung cấp 500.000 tấn gạo/năm trong 3 năm liền.