Đi tìm câu trả lời vì sao Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản đến nay chưa làm đồng loạt, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến từ người trong cuộc.
|
Ảnh minh họa |
Thực tế, dư nợ tín dụng cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu và cải hoán tàu theo Nghị định 67 đến nay trên toàn quốc chưa được nhiều, kể cả những vùng đánh cá trọng điểm.
Ám ảnh đánh bắt xa bờ
Ông Vũ Văn Nghía – Chủ tịch UBND xã Lập Lễ (Thủy Nguyên – Hải Phòng) khẳng định, “nút thắt” của gói tín dụng này là ở ngân hàng. Điều đó không phải không có cơ sở.
Song công bằng mà nói ngân hàng cũng là người đi vay vốn về rồi cho vay và cuối cùng thì người dân phải trả nợ chứ không ai trả nợ thay cho người dân. Do đó việc thẩm định, tính toán đầu tư là bài toán mà phía các ngân hàng cân nhắc kỹ lưỡng.
Tại tỉnh Nghệ An, đến thời điểm này các ngân hàng đã rục rịch vào cuộc. Phía Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Chi nhánh Nghệ An đã có văn bản giao 5 chi nhánh thuộc các huyện vùng biển bắt tay vào thực hiện.
Theo lãnh đạo Agriabank Nghệ An, phía chi nhánh Quỳnh Lưu đã hoàn tất thủ tục cho một ngư dân vay vốn đóng tàu theo chủ trương này. Có thể ít ngày nữa là tổ chức ký kết hợp đồng và giải ngân vốn được cho ngư dân đó.
Trao đổi với PV, ông Phan Đức Tiến – Giám đốc Agribank chi nhánh Nghệ An tâm tư rằng, triển khai cho vay theo Nghị định 67 gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Trong đó có tâm lý lo ngại của các tổ chức tín dụng nên đâu đó vẫn xảy ra tình trạng né tránh, rụt rè.
Phía Agribank thì nhận thức sâu sắc rằng đây là chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn nên không thể đứng ngoài cuộc. Có chăng là chậm trễ do vướng phải thủ tục, cơ chế, mô hình tổ chức chứ Agribank thì không nề hà gì cả.
Tuy vậy, khi được hỏi tâm lý e ngại của tổ chức tín dụng, ông Tiến cho rằng, bài học đắt giá của chương trình đầu tư đánh bắt xa bờ vẫn còn đó, chưa thể nguôi ngoai với người làm tín dụng.
Hồi triển khai chương trình này, phía Agribank chi nhánh Nghệ An phần nào lường trước rủi ro có thể xảy ra. Song, một mặt là trách nhiệm của mình, một mặt là mình hoàn toàn không hiểu và không kiểm soát được hoạt động trên biển của ngư dân. Chính vì thế, sau khi dốc vốn rồi thì mọi gánh nặng đè lên vai ngân hàng.
“Tôi còn nhớ, hồi đó (từ 1995) Agribank Nghệ An giải ngân 67 tỷ đồng và sau này khi chương trình thất bại thì có 53 tỷ đồng tiền nợ khó đòi. Đó là bài học mà những người làm tín dụng không thể nào quên được” – ông Tiến nhớ lại.
Không đau xót sao được khi mà ngân hàng vốn dĩ cũng là một đơn vị đi vay tiền của người khác về cho vay lại. Ông Tô Văn Khanh – Giám đốc Agribank chi nhánh Ngũ Lão (Hải Phòng) lo ngại rằng, nếu xã Lập Lễ (Thủy Nguyên) mà được giải quyết cho vay theo Nghị định 67 với số lượng lớn thì lợi nhuận thu lại của ngân hàng sẽ rất thấp.
Ông Khanh lý giải, hiện lãi suất huy động và các chi phí quản lý của ngân hàng đã lên đến 4 – 5%. Trong khi đó, cho ngư dân vay để đóng tàu thời hạn 11 năm, lãi suất 7%.
Mức chênh lệch 2 – 3%/năm đó cho thấy lợi nhuận của ngân hàng sẽ không là bao. May mắn thì ngư dân làm ăn thắng lợi, thanh toán nợ ngon lành. Chứ ngư dân gặp rủi ro, nợ không thanh toán được là ngân hàng điên đảo.
Ngư dân đắn đo
Theo ghi nhận của PV NNVN tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và TP Hải Phòng, thực tế ngư dân có nhu cầu đóng tàu theo Nghị định 67 là rất lớn. Ở Hải Phòng ngư dân đăng ký 504 tàu nhưng được phê duyệt phân bổ 44 tàu (chưa được 10% nhu cầu).
Tại Thanh Hóa có khoảng 500 ngư dân đăng ký, chỉ được phân bổ 94 tàu. Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có 300 ngư dân đăng ký thì cũng chỉ được phê duyệt phân bổ 33 tàu đóng mới. Nếu như ở Hải Phòng, ngư dân háo hức chờ đợi chính sách này sớm được triển khai thì tại Nghệ An ngư dân còn đắn đo.
Nguyên nhân được xác định hầu hết ngư dân chưa mặn mà với chính sách là các quy định cứng nhắc của cơ chế. Điều thấy rõ nhất là tuyệt đại đa số ngư dân cho rằng, các mẫu tàu được Nhà nước lựa chọn đều không phù hợp với đặc thù vùng đánh bắt, ngư trường, nghề cá trên biển của họ.
Không chỉ chưa thống nhất được mẫu tàu, ngư dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) còn băn khoăn về các quy định điều kiện đóng mới, sử dụng máy mới. Họ cho rằng, mua một máy cũ do Nhật Bản sản xuất đáp ứng hoạt động cho tàu có công suất trên 400CV cũng sử dụng được 9 – 10 năm.
Một lý do khác dẫn đến tổ chức tín dụng rụt rè khi tham gia vào chính sách này, theo chúng tôi chính là mức đảm bảo cho khoản vay. Có lãnh đạo ngân hàng nói rằng: “Cho vay đến 95% giá trị bảo đảm khoản vay khác nào cho thuê tài chính trong khi mình cũng là người đi vay vốn”.
Có lẽ khó kiểm soát hoạt động của ngư dân nên các tổ chức tín dụng mới đắn đo. Có người ví von rằng “chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu”! |
Trong khi đó, chênh lệch giữa mua máy mới và máy cũ có thể là 1 – 2 tỷ đồng. Đó là số tiền rất lớn đối với ngư dân. Vì lẽ đó, ngư dân kiến nghị Nhà nước sớm điều chỉnh chấp nhận cho ngư dân được mua máy cũ, thay cho việc mua máy mới (đối với những ngư dân đang khó khăn).
Chính vì đắn đo nên vừa rồi tại xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) có 3 tàu cá được phê duyệt đóng mới theo Nghị định 67 đã vay bằng nguồn vốn khác của Agribank chi nhánh Quỳnh Lưu đóng mới tàu. Hiện 1 tàu đã hạ thủy. Hai tàu còn lại đã giải ngân và tiến hành hoàn thiện để sớm được hạ thủy.
Vì sao ngư dân Quỳnh Lưu quyết định vay vốn để đóng mới tàu mà không chờ hưởng chính sách 67? Ông Hồ Công Đàm – Giám đốc Agribank chi nhánh Quỳnh Lưu cho hay: “Có thể do đặc tính của người Nghệ. Đã nói là làm, quyết việc gì là dứt khoát, không kỳ kèo.
Coi việc vướng mắc trong các thủ tục rườm rà là điều không muốn có đối với người đi biển. Có lẽ thế mà khi chưa có Nghị định 67, tại Quỳnh Lưu đã có hàng trăm tàu thuyền được đóng mới bằng suất đầu tư từ vốn Agribank”.
Nói rồi, ông Đàm trao cho chúng tôi một danh sách, trong đó cho thấy, từ năm 2010 – 2014, Agribank Quỳnh Lưu đã đầu tư cho 3.308 lượt ngư dân vay vốn để đóng tàu với số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Chỉ tính riêng năm 2014, toàn huyện đóng mới 113 tàu thì Agribank đầu tư 96 tàu với tổng mức cho vay 200 tỷ đồng, bình quân mỗi tàu có công suất trên 400CV được đầu tư từ 1,5 – 3,5 tỷ đồng/tàu.
Ông Đàm chia sẻ, cho ngư dân Quỳnh Lưu vay vốn đóng tàu theo các chính sách trước đây được tiến hành nhanh chóng, êm ru. Họ hoàn toàn không bận tâm đến lãi suất mà coi trọng đến thủ tục giải quyết nhanh gọn và được vay với mức nhiều, thời gian dài. Vì thế vốn vay của ngư dân đến nay không có nợ xấu, nợ quá hạn cũng ít. Dư nợ hơn 1034 tỷ đồng mà nợ xấu chỉ chiếm 0,53%.
Tại thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu đang quyết tâm để sớm ký hợp đồng với ngư dân Nguyễn Văn Minh ở xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long. Hôm chúng tôi đến, anh Minh đang đi biển. Chị Trần Thị Hồng là vợ của anh Minh ở nhà cho hay, thời gian này việc khai thác trên biển đang thắng lợi nên 4 con tàu cá của gia đình và anh em đang vươn khơi.
Đề cập đến việc vay vốn để đóng tàu theo Nghị định 67, chị Hồng cho biết, việc này do chồng và các tổ đội quyết định. Về phần mình, chị Hồng mong muốn mọi thủ tục cần giải quyết nhanh gọn và hợp lý với ngư trường, ngành nghề. “Vẫn biết cấp trên đã phê duyệt, thẩm định xong và quyết định đầu tư cho gia đình nhưng nghe đâu, anh Minh vẫn đang đắn đo về mẫu tàu” – chị Minh cho biết.
Cách mà ngư dân Quỳnh Lưu tiếp cận được vốn vay thuận lợi đó chính là họ thành lập các tổ đội khai thác trên biển. Mỗi tổ đội hình thành một đến hai con tàu, có thể nhiều hơn. Trong đó các thành viên đóng góp vốn để hình thành con tàu và chi phí hoạt động. Từ việc “góp cổ phần này” ngân hàng có thêm tài sản để bảo đảm khoản vay ở từng thành viên trong tổ.
Sự liên kết đó đã giúp ngân hàng có thêm niềm tin và ngư dân có điều kiện đầu tư. Việc giải ngân thực hiện theo tiến độ và mỗi đợt sẽ do 1 – 2 thành viên trong tổ thanh toán, thay cho chỉ một ngư dân thanh toán như trước đây. Đây là kinh nghiệm hay để khi triển khai Nghị định 67 các địa phương khác nên xem xét áp dụng.
|