Quyết định mới đây của Thủ tướng về thí điểm Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia phản biện xã hội ngay lập tức đã nhận được những… ý kiến phản biện. Nhìn chung, dư luận đều cho rằng đây là một quyết định hết sức đáng hoan nghênh. Tuy vậy, cũng có những ý kiến - cả trên báo chí và các mạng xã hội - dường như đánh giá chưa thật đúng về tinh thần của Quyết định.
Chẳng hạn, có ý kiến đặt vấn đề “tại sao chỉ gói gọn trong 3 cơ quan tổ chức diễn đàn và chỉ có các nhà khoa học chuyên nghiệp mới được tham gia phản biện”, bởi “không chỉ các nhà khoa học chuyên nghiệp, trong thực tế, người dân, các nhà quản lý đã có nhiều phản biện rất hữu ích đối với những vấn đề lớn của đất nước”.
Trước hết phải khẳng định ngay rằng Quyết định mới của Thủ tướng không hề thu hẹp, gói gọn lại phạm vi vấn đề phản biện cũng như các đối tượng tham gia phản biện. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ ràng, rằng công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Quyết định mới của Thủ tướng có phạm vi điều chỉnh rất rõ ràng và cụ thể, đó là việc tổ chức thí điểm Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Trong phần giải thích từ ngữ, Quyết định đã chỉ rõ, diễn đàn khoa học là nơi để trí thức công khai trình bày và trao đổi những vấn đề khoa học và thực tiễn được đưa ra thảo luận. Diễn đàn khoa học được tổ chức dưới các hình thức: Diễn đàn trên báo chí, Diễn đàn dưới hình thức hội nghị, hội thảo khoa học.
Còn Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp trong quyết định này là Diễn đàn được thực hiện thường xuyên bởi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức Diễn đàn khoa học.
Như vậy, Quyết định có phạm vi điều chỉnh rất hẹp và chỉ áp dụng với một số đối tượng có liên quan. Nói cách khác, Quyết định không đưa ra bất cứ hạn chế nào đối với các hoạt động phản biện xã hội, mà chỉ tạo hành lang pháp lý và thúc đẩy ra đời một số diễn đàn phản biện mới, bên cạnh những cách thức, những diễn đàn phản biện xã hội đang tồn tại.
Cũng xin nói thêm là hoàn toàn không có lý do gì để các cơ quan chức năng của Việt Nam hạn chế phản biện xã hội. Phát biểu tại cuộc làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hồi cuối tháng 7/2014, Thủ tướng đã khẳng định: “Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn”.
Trên thực tế thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến tư vấn, phản biện đã góp phần cung cấp thêm luận cứ khoa học giúp các cơ quan chức năng xem xét trước khi quyết định các chủ trương, đường lối, chính sách, các dự án. Có những vấn đề mà sau khi lắng nghe các ý kiến phản biện, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng thực hiện. Một ví dụ điển hình: Cách đây đúng một năm, ngày 17/4/2014, Thủ tướng đã yêu cầu rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Còn gần đây nhất, qua những vụ việc như chặt cây xanh ở Hà Nội hay thông tin lấp sông ở Đồng Nai…, có thể thấy những ý kiến phản biện đã có tác động như thế nào đến các cơ quan nhà nước.
Để hiểu rõ hơn về Quyết định của Thủ tướng, thiết nghĩ cũng cần đặt văn bản này trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Thực hiện yêu cầu của Hiến pháp, chính Thủ tướng là người đề xuất xây dựng Luật Biểu tình và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014, ông đã bác những ý kiến đề xuất rút dự luật này ra khỏi chương trình xây dựng luật toàn khóa. Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân theo không gian hiến định mới mà Hiến pháp năm 2013 đã mở ra chính là sợi chỉ xuyên suốt qua tất cả những quan điểm, chủ trương, chính sách đó của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Thủ tướng.
Quay trở lại với Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp vừa được yêu cầu mở ra. Dễ thấy là trong các ý kiến phản biện xã hội nói chung, thì ý kiến của giới trí thức có sức nặng đặc biệt. Quyết định của Thủ tướng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu muốn phản biện của giới trí thức, mà còn xuất phát từ yêu cầu cần được phản biện của cơ quan nhà nước.
Quyền bao giờ cũng đi liền với trách nhiệm. Quyết định của Thủ tướng đã chỉ rõ quyền và nghĩa vụ của cả 3 bên: Đơn vị tổ chức diễn đàn, người tham gia diễn đàn và cơ quan được tư vấn, phản biện. Thông điệp rất rõ ràng: Thay vì cách nghĩ “bị” phản biện, các cơ quan nhà nước cần coi phản biện xã hội là cơ hội để hoàn thiện các quyết sách; lắng nghe, xem xét ý kiến phản biện từ nay trở thành yêu cầu bắt buộc. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền.