Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng các cơ quan, tổ chức, lực lượng giám sát, phản biện xã hội có vai trò quan trọng nhằm minh bạch hóa hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh đến xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cá nhân ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hóa chính trị trước yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Pha: Văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trước yêu cầu mới hiện nay.
Nghị quyết 33-NQ/TW đã đánh giá “Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng... Tuy nhiên, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng…”.
Nhận định nêu trên là hoàn toàn chính xác với đời sống văn hóa, xã hội nước ta hiện nay. Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra các nội dung và giải pháp nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW nói chung, trong đó có việc xây dựng văn hóa trong Đảng, Nhà nước và đoàn thể nói riêng, theo tôi là rất sâu sắc, cụ thể, có tính khả thi cao, nếu được quan tâm triển khai một cách đồng bộ, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Chính phủ (Nghị quyết số 102/NQ-CP) đề cập đến tăng cường vai trò của các cơ quan, tổ chức, lực lượng giám sát, phản biện xã hội nhằm minh bạch hóa hoạt động của cả hệ thống chính trị, cho thấy vai trò hết sức quan trọng của MTTQ. Thời gian qua MTTQ đã thực hiện công tác này ra sao, hiệu quả như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Pha: Thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thời gian qua MTTQ các cấp đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký kết và triển khai các chương trình phối hợp với một số tổ chức thành viên và một số bộ, ngành để giám sát nhiều nội dung có liên quan đến những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội như: Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với nước; Các chương trình giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của các doanh nghiệp; giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc sản xuất, quản lý, kinh doanh cây con giống, thuốc bảo vệ thực vật của các cơ sở sản xuất, các đơn vị kinh doanh, phân phối các sản phẩm vật tư nông nghiệp; giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật của các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập; giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo của chính quyền cơ sở; giám sát công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã góp ý, phản biện vào một số dự án luật về tổ chức bộ máy Nhà nước nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)…
Để đáp ứng được yêu cầu đề ra trong chương trình hành động của Chính phủ, thời gian tới, theo ông MTTQ cũng như các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội cần tập trung vào những vấn đề gì để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng dân chủ, công khai, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân của cán bộ công chức, viên chức và bộ máy công quyền?
Ông Nguyễn Văn Pha: Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam không giới hạn về địa bàn cũng như lĩnh vực. Tuy nhiên, với những yêu cầu chung, cũng như năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể, theo tôi trong thời gian tới, hoạt động này của MTTQ cần tập trung vào những vấn đề chính sau đây để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng dân chủ, công khai, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức và bộ máy công quyền:
Thứ nhất, về phản biện xã hội: Cần tập trung góp ý, phản biện các dự án luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy Nhà nước hoặc có liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội có liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân kể cả cấp quốc gia cũng như ở mỗi địa phương. Mặt khác, năm 2015 là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, MTTQ các địa phương sẽ chủ động góp ý, phản biện vào các báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ cùng cấp, kể cả đề án nhân sự nếu được yêu cầu.
Thứ hai, về giám sát: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng với Mặt trận các địa phương tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp giám sát đã ký kết. Mỗi địa phương, Ủy ban MTTQ có thể lựa chọn các nội dung giám sát khác phù hợp với yêu cầu của địa phương mình cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
Đặc biệt, năm 2015 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai một chương trình phối hợp nhằm đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp. Kết quả chương trình này hy vọng sẽ là cơ sở tốt giúp cho Chính phủ có cái nhìn toàn diện hơn về đội ngũ cán bộ cũng như sự vận hành của bộ máy chính quyền các cấp, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp.
Ông có thể chia sẻ thêm một số kinh nghiệm và những bài học rút ra trong quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội liên quan đến vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Pha: Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thì các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam có liên quan trực tiếp đến mỗi người dân, vì thế theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận song song tiến hành hai hoạt động, vừa góp phần cùng Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách cho lĩnh vực này, vừa vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Trong quá trình giám sát, khi phát hiện các vi phạm pháp luật của cán bộ, chính quyền trong lĩnh vực này thì Mặt trận sẽ kiến nghị kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, đồng thời giám sát việc giải quyết của các cơ quan đó. Mặc dù đã có khá nhiều văn bản pháp luật quy định về mối quan hệ giữa Mặt trận với các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát, tuy nhiên có thể nói nếu Mặt trận không làm hết trách nhiệm, kiên trì với các kiến nghị của mình thì nhiều kiến nghị, kể cả là những kiến nghị đúng đắn, chính xác rất dễ rơi vào quên lãng.
Xin cảm ơn ông!