Quảng Nam là tỉnh vào cuộc quyết liệt thực hiện Nghị định 67, hiện một số ngư dân đã tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng và ký kết với các Cty đóng tàu vỏ sắt.
|
21 mẫu tàu vỏ thép được ban hành nhưng chưa phù hợp từng vùng miền, do đó người dân phải thuê thiết kế cho phù hợp |
Tuy nhiên, cái khó là thuế VAT 10% được miễn giảm không biết ai đứng ra giải quyết?
Mẫu thiết kế chưa phù hợp
Xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có 11 ngư dân đăng ký đóng tàu theo Nghị định 67, trong đó, 9 người được lọt vào danh sách tỉnh phê duyệt.
Ông Trần Văn Liên, thôn Tân An, xã Bình Minh, một trong 9 hộ dân của xã vay tiền đóng tàu vỏ sắt, cho biết: Ông chọn mẫu tàu lưới rê mà Bộ NN-PTNT ban hành có số hiệu LR-03-BNN, tuy nhiên công suất thiết kế chỉ 600 CV.
Với kinh nghiệm đi biển hơn 20 năm, ông cho rằng công suất đó không phù hợp. Ông phải thiết kế lại.
Hôm chúng tôi đến tìm hiểu, ông vừa đi Hà Nội về, rất mệt mỏi. Ông kể: Để con tàu phù hợp, ông phải ra tận Hà Nội thuê đơn vị thiết kế lắp máy 940 CV, ngoài ra nhiều bộ phận trên tàu được ông thay đổi, như khoang đựng cá thiết kế rộng hơn so với ban đầu…
Tổng chi phí thuê thiết kế lại hết 120 triệu đồng. Số tiền này, ông tự bỏ tiền túi ra.
Tôi hỏi: Sao không chờ đơn vị ban hành mẫu tàu thiết kế lại để đỡ tốn kém? Ông nói: Tàu cũ tôi đã bán để bù vào khoản 5% giá trị con tàu (Nhà nước cho vay tối đa 95%, người dân bỏ 5%) giờ rất muốn được triển khai nhanh để vươn khơi. Tôi mà chờ được thiết kế e cũng khó, do đó phải nhanh chóng thuê thiết kế để hoàn tất thủ tục giấy tờ cho ngân hàng, lúc đó họ mới cho vay.
Người dân muốn có tàu vỏ thép vươn khơi, nhưng chính sách triển khai chậm, nên phải còn đợi
Ông Phan Thu, ở thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình cũng là một trong những người đầu tiên của tỉnh Quảng Nam triển khai đóng tàu vỏ sắt. Tổng giá trị con tàu đóng mới là 12,3 tỷ đồng (phần con tàu 9.083 triệu đồng, ngư lưới cụ 3.235 triệu đồng), ngân hàng cho vay 11,7 tỷ đồng, số tiền còn lại ông bán con tàu cũ để bù vào.
Từ tháng 8/2014, tàu cũ đã bán đi, ông Thu không có việc làm, chỉ lo chạy tới, chạy lui làm thủ tục vay đóng tàu mới.
Ông Thu chọn mẫu tàu LR-01-BNN, trong thiết kế này thì máy 650 CV, ông cho rằng không phù hợp nên chuyển lắp máy có công suất 802 CV. Ngoài ra tàu có 2 khoang đựng cá, so với số lượng đánh bắt thì không đủ, ông tiếp tục thiết kế thêm 1 khoang và bộ phận hạ thủy, thiết kế ban đầu 1,9 m.
Với độ cao này là quá cao, khi ra khơi rất khó khăn, do vậy ông hạ xuống 1,7 m. Điều đáng nói, khi thay đổi lại một số bộ phận, không ngoài ai khác ông phải bỏ tiền thuê thiết kế.
Cũng giống như ông Liên, ông Thu phải ra tận Hà Nội thuê người làm, tổng chi phí thiết kế lại mất 102 triệu đồng.
Nhờ sớm hoàn thành thiết kế, ngân hàng về thẩm định kinh tế và phương án, ông Thu được ký hợp đồng vay vốn.
Ai chịu 10% thuế VAT?
Ngày 31/3, ông Thu cùng với ông Trần Công Chi ở cùng xã Bình Minh đã ký kết hợp đồng với một Cty đóng tàu tại Đà Nẵng. Đây là hai người đầu tiên của tỉnh Quảng Nam khởi động đóng tàu vỏ sắt.
Ông Phan Thu không biết ai sẽ giải quyết nguồn tiền thuế 10% được miễn giảm
Theo hợp đồng con tàu sẽ hoàn thành sau ngày ngân hàng giải ngân là 135 ngày. Ông Thu cùng ông Chi vô cùng phấn khởi, bởi với tiến độ này, ông sẽ kịp ra vụ cá từ tháng 6 âm lịch, đây là vụ đánh bắt đem lại lợi nhuận cao nhất trong năm.
Thế nhưng đến nay phía ngân hàng chưa giải ngân cho Cty đóng tàu, vì liên quan đến thủ tục.
Theo ông Thu, giá trị con tàu đóng mới 9.083 triệu đồng, theo quy định của Nghị định 67 sẽ được giảm thuế VAT 10%. Chiếu theo Nghị định, phía ngân hàng chỉ giải ngân số tiền 8.262 triệu đồng, chứ không cho vay số tiền 9.083 triệu đồng.
Có một thực tế là các ngư dân được phê duyệt đóng tàu theo Nghị định 67, đến nay đã bán tàu cũ để bù vào khoản từ 5-30% giá trị con tàu đóng mới. Những người này đang thất nghiệp, nếu không sớm triển khai đóng tàu mới, họ sẽ không có việc làm trong thời gian dài. |
Vậy, số tiền thiếu hụt 820 triệu đồng này, giờ lấy đâu để bỏ vào cho đơn vị đóng tàu, trong khi ngân hàng không chịu giải ngân?
Ông Thu bộc bạch: Tôi bán tàu cũ được 900 triệu đồng thì bù vào con tàu mới hết rồi, giờ không còn tiền nữa. Nghị định đã quy định rõ là giảm 10% thuế VAT, giờ chẳng lẽ bắt người dân đóng khoản này? Ngư dân không có tiền, để giải quyết việc này phải nhờ các cơ quan chức năng có phương án giúp bà con.
Nếu không sớm giải quyết, cứ đà này, chắc chắn con tàu của ông Thu và ông Chi sẽ không kịp tiến độ để ra khơi trong vụ cá tới, và cũng chính họ, không có việc làm trong thời gian dài.
“Lo được thủ tục để ngân hàng cho vay đã mất bao nhiêu công sức, đi lại hàng chục lần đến nơi này, nơi khác, giờ đóng tàu lại gặp khó. Tôi chỉ trông chờ vào đơn vị thuế có phương án giảm thuế cho con tàu của mình thì mới thực hiện sớm được.
Chúng tôi muốn tàu hoàn thành để ra khơi tận dụng ưu đãi vốn vay năm đầu, bởi Nghị định quy định cho vay 11 năm, năm đầu không tính lãi suất”, ông Thu giãi bày.
Được biết, tỉnh Quảng Nam được phân bổ với số lượng 92 chiếc (83 tàu khai thác; 9 tàu dịch vụ hậu cần) trong đó: người dân đăng ký 30 tàu vỏ thép, vật liệu mới; 62 tàu vỏ gỗ. Thông qua các cấp, ngành, tỉnh đã thực hiện 3 đợt phê duyệt với tổng số tàu đóng mới 65 chiếc, gồm 59 tàu khai thác và 6 tàu dịch vụ hậu cần và nâng cấp 3 tàu.
Đến nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tiếp cận 68 chủ tàu được UBND phê duyệt. Có 10 bộ hồ sơ được các ngân hàng tiếp nhận, trong đó mới ký hợp đồng 3 hồ sơ và đang xử lý 7 hồ sơ.