(Cổng ĐT HND) - Nông thôn có nguồn lao động dồi dào và tiềm năng, là nơi cung cấp và hậu thuẫn đắc lực về nguồn nhân lực cho các khu đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động thiếu việc làm của khu vực nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi còn cao.
Vì vậy Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 gắn với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững là giải pháp quan trọng để giải bài toán lao động - việc làm của khu vực nông thôn miền núi. Hiện nay, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động miền núi hiện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều địa phương chưa tìm được hướng đi thích hợp trong khi nguồn lao động tại chỗ rất dồi dào.
Xu thế cho con em đi học nghề tại các địa phương miền núi đang phát triển, nhưng do không có kinh phí, lại lo học xong không có vốn làm ăn, học phí ăn ở, đi lại, học hành, ngoài khả năng của nhiều bậc phụ huynh. Trong khi nguồn lao động của chúng ta đại bộ phận lại chưa qua đào tạo. Các cơ sở dạy nghề chỉ tập trung ở thành phố, Thị xã…là những cản trở không nhỏ cho việc học nghề của thanh niên nông thôn, miền núi.
Qua tìm hiểu ở một số địa phương sau khi hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT thì hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.Lý giải về nguyên nhân và giải pháp khắc phục thực trạng này là chuyện không dễ khi cả cơ sở đào tạo và người học đều chịu ảnh hưởng từ một số yếu tố khách quan.
Số lao động được hỗ trợ dạy nghề còn thấp, việc làm cho LĐNT chưa thật sự bền vững. Đầu tư cơ sở vật chất cho đơn vị dạy nghề công lập cấp huyện thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho LĐNT nhất là danh mục nghề nông nghiệp còn dàn trải. Công tác kiểm tra, giám sát, quản lý theo dõi, thống kê kết quả, hiệu quả dạy nghề cho LĐNT còn hạn chế, nhất là ở cấp huyện, cấp xã...
Bên cạnh đó, chỉ tiêu đào tạo nghề LĐNT được giao về các địa phương rồi từ đây lại giao chỉ tiêu về các trung tâm đào tạo nghề và thời gian giao chỉ tiêu muộn. Nên có lúc các cơ sở đào tạo phải chạy theo số lượng cho đủ chỉ tiêu, trong khi chất lượng đào tạo còn bỏ ngỏ. Thực tế này đã khiến không ít lao động, nhất là lao động học nghề phi nông nghiệp dù đã qua đào tạo nghề nhưng không đáp ứng được yêu cầu từ phía các nhà tuyển dụng; khó tìm được việc làm đúng theo ngành nghề được đào tạo.
Cơ cấu dạy nghề cho LĐNT ở các ngành nghề, lĩnh vực ở địa phương chưa thực sự phù hợp, trình độ lao động đã qua đào tạo còn hạn chế, năng suất lao động thấp chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Một số học viên không chịu phát huy nghề đã học, đi học cho có hình thức để nhận hỗ trợ chứ chưa thật sự chú tâm vào nghề, thời gian đào tạo nghề quá ngắn nên tay nghề của người lao động chưa cao không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khiến người học phải tự tìm kiếm việc làm sau khi được đào tạo…Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển nghề rất khó khăn.
Để đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt bà con dân tộc thiểu số đạt kết quả cao, trước hết cần thực hiện xã hội hoá việc tổ chức dạy nghề; tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo; có chế độ khuyến khích để thu hút giáo viên dạy nghề về các trung tâm ở miền núi, xây dựng cơ cấu nghề trên nền quy hoạch vùng sản xuất để sau khi học xong, người học kiếm được việc làm ngay; đa dạng các loại hình đào tạo đồng thời có chế độ khuyến khích người học trong giai đoạn đầu để tạo thói quen muốn tiếp cận cái mới, xoá bỏ tâm lý ỷ lại và dễ thoả mãn.
Điều mà nhiều người dân mong đợi là công tác tư vấn, định hướng nghề cho lao động trong vùng là vô cùng quan trọng. Để từ đó chọn đúng nghề, dạy đúng nghề, đúng đối tượng, đúng nhu cầu.Hiện tượng cả làng đi học một nghề, một người học 2-3 nghề trong năm là có thật nhưng khi học xong người nông dân liệu có thể sử dụng những kỹ năng đã học cho việc mưu sinh?.
Do đó, các địa phương phải tổ chức khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu loại nghề mà nông dân cần học. Bởi vì hiện nhu cầu học nghề của nông dân khá đa dạng, lại gồm nhiều đối tượng khác nhau, không thể đào tạo theo kiểu chung chung, tổng hợp, không phân biệt độ tuổi, điều kiện từng người, từng vùng. Các địa phương phải linh hoạt phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo hợp lý, gắn đào tạo với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc tìm đầu ra ổn định cho số lượng lao động đã qua đào tạo cũng là một trong những vấn đề trọng tâm và cấp bách. Nếu không có nhu cầu thì việc dạy nghề cho nông dân không hiệu quả. Để giải quyết tốt điều này, đòi hỏi địa phương, các cơ sở đào tạo phải hạn chế đào tạo đại trà, chủ động chuyển sang đào tạo gắn với doanh nghiệp, tìm cách "bắt tay" các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo và cam kết sử dụng lao động.
Đảng và Nhà nước nên đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực lao động cho nền sản xuất theo hướng Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày mai là chính, để có chính sách kêu gọi, hỗ trợ vốn, giao nhiệm vụ đào tạo cho các công ty, có chính sách miễn giảm hoặc không thu thuế, kéo các nhà đầu tư về với nông thôn, miền núi.
Hướng nghiệp cho thanh niên phải theo cách vừa học, vừa làm, vừa học, phải đa dạng hoá, nhưng phải có thu nhập hỗ trợ, để lôi cuốn, thu hút thanh niên tham gia. Không ít thanh niên hiện nay muốn tự chủ cuộc sống, muốn kiếm tiền chính đáng, nhưng do hoàn cảnh không có việc làm. Mở ra các cơ sở sản xuất tại các địa phương, ngoài tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề trực tiếp cho thanh niên, vừa không phải lo nơi ăn ở, ngủ nghỉ cho họ, bởi họ ăn cơm nhà đi học.
Cần đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt vì đây là con đường ngắn nhất, có hiệu quả nhất đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn vùng miền núi, dân tộc và tạo điều kiện cho bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập lúc nông nhàn hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất ngay tại quê hương. Có chính sách học bổng và trợ cấp cho người dân tộc thiểu số học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; đồng thời phát triển hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề gắn với quy hoạch phát triển nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động của các địa phương.
Phương Mai