Nông nghiệp ĐBSCL: Liên kết để thành công và phát triển
23:50 - 30/12/2015
Các ngành sản xuất của nông dân ĐBSCL sẽ chịu nhiều áp lực khi chúng ta thực hiện các cam kết của TPP.
Xoài cát ĐBSCL đang có nhiều cơ hội ra nước ngoài

Những ngày này, khi thông tin về việc Việt Nam và các nước chính thức thông qua Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến không ít các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp và nông dân ở ĐBSCL băn khoăn, lo lắng.

Bởi được mệnh danh là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước, các ngành sản xuất của nông dân ĐBSCL sẽ chịu nhiều áp lực khi chúng ta thực hiện các cam kết của TPP.

Cơ hội cũng nhiều mà thách thức đặt ra cũng rất lớn, không chỉ về chủng loại mặt hàng, số lượng sản phẩm mà cao hơn cả là chất lượng hàng hóa nông sản sẽ là yếu tố đặt nên hàng đầu. Vấn đề là các địa phương trong vùng ngay từ lúc này cần tính toán đến các yếu tổ cần và đủ cho nông sản của khu vực khi TPP đang đến gần, trong đó sự liên kết vùng, liên kết "4 nhà" mang tính quyết định.Một tín hiệu mừng đối khu vực ĐBSCL trong năm nay là một số mặt hàng trái cây của khu vực như xoài cát chu, nhãn của một số tỉnh đã thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản, Mỹ.

Trước đó, các loại trái cây như thanh long, vú sữa, chôm chôm cũng đã được bày bán ở các siêu thị của Hoa Kỳ và EU. Riêng mặt hàng gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức trên dưới 8 triệu tấn/năm.

Ở trong nước nhu cầu về rau sạch, nông sản sạch đang là ưu tiên của người tiêu dùng ở các đô thị, siêu thị. Vấn đề nằm ở chỗ là sự liên kết giữa các tỉnh, thành và mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất hàng hóa nông sản ra sao? Cụ thể như mặt hàng xoài cát chu, khi thị trường Nhật Bản chấp nhận nhập với số lượng lớn riêng tỉnh Đồng Tháp khó có khả năng đủ cung ứng, một số rau của quả khác cũng vậy, khi nhu cầu nhập khẩu của các nước nên cao thì lại hạn chế về số lượng.

Do vậy yêu cầu đặt ra là các tỉnh trong vùng với đặc thù, điều kiện địa lý tự nhiên, phương thức sản xuất giống nhau cần liên kết lại để hình thành các vùng chuyên canh lớn đủ sức cung ứng cho thị trường khi có yêu cầu. Khi xúc tiến đầu tư các tỉnh cũng nên hợp chung lại thành một khối, theo lối tư duy vùng, không đơn lẻ để kêu gọi doanh nghiệp đến hợp tác làm ăn, khi đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ gạt bỏ được lo lắng: xây dựng nhà máy chế biến ở một tỉnh sẽ bị thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các bộ, ngành đang tập trung kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách liên kết vùng, chính sách cho 3 sản phẩm chủ lực là cây lúa, trái cây và thủy sản. Chính sách chỉ là đòn bẩy, vấn đề nội tại là các địa phương cần thấy rõ việc liên kết ngành hàng, lĩnh vực đang là chìa khóa cho cả vùng phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh chồng chéo, trong khi đặc điểm tự nhiên- kinh tế- xã hội các tỉnh trong vùng gần như “y chang” nhau.

Cụ thể, các tỉnh Bắc sông Hậu với đặc điểm đất đai tốt tươi sẽ hình thành các vùng chuyên canh trái cây có thế mạnh lớn, đủ sức cung ứng cho mọi loại thị trường; các tỉnh vùng Nam sông Hậu với thế mạnh về biển tập trung hình thành vùng chuyên canh thủy sản như tôm, cá tra, các loại thủy sản đặc trưng vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng bán đảo Cà Mau…

Tín hiệu đáng mừng là hiện nay các tỉnh trong vùng đều có ký kết hợp tác với TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với tứ giác: Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau đã được hình thành. Điều này cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực, “ngồi chung” một con thuyền để ra biển lớn hội nhập, cạnh tranh đang đặt lên vai các cấp chính quyền các tỉnh trong vùng mà trước mắt là lãnh đạo các địa phương vừa mới được bầu trong ĐH Đảng bộ các địa phương nhiệm kỳ 2015-2020.

Một mối liên kết nữa lâu nay đã nói nhiều là mối liên kết "4 nhà". Mô hình này đã được một số công ty, doanh nghiệp ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang làm khá hiệu quả nhất là mô hình liên kết "2 nhà" giữa doanh nghiệp và nông dân đang khẳng định xu hướng tất yếu để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh như hiện nay.

Theo đó, doanh nghiệp hình thành nên vùng chuyên canh nguyên liệu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vốn cho nông dân; nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng, được bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, cho thu nhập khá. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang thể hiện sự bất cập khi bản thân doanh nghiệp chủ yếu là dịch vụ, thương mại nên khó mà có đủ điều kiện, nhân lực để làm thay vai trò của Nhà nước, nhà khoa học. Do vậy việc các cấp quản lý, viện, trường tham gia tích cực vào mối liên kết này sẽ tạo ra sự phát triển bền vững.

Ở ĐBSCL đang hình thành các mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, “cánh đồng liên kết” do các doanh nghiệp, nông dân cùng tham gia xây dựng, bước đầu cho hiệu quả. Song về lâu dài doanh nghiệp sẽ không đủ sức cho chặng đường dài mà con đường tất yếu là phải để nông dân tự liên kết thông qua các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để đủ sức dảm đương vai trò chủ đạo của mình trong cuộc chơi toàn cầu.

Mô hình hợp tác xã ở nhiều nơi tại ĐBSCL trong nhiều năm qua cũng đã tạo tiếng vang trong cả nước song ở đây đó với cách vận hành máy móc cũng đã lỗi thời, biểu hiện nhiều bất cập cần được quan tâm,cải tiến cho phù hợp với xu thế mới. Bởi chỉ có con đường làm ăn tập thể trong nông nghiệp mới tạo ra sức  mạnh thực sự cho nông dân và nông dân mới có cơ hội làm giàu bền vững.

Rõ ràng việc hội nhập sâu rộng như hiện nay đang đặt ra bài toán cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nông dân ĐBSCL phải tiếp tục trăn trở, tìm tòi ra những lời giải thích ứng để sinh tồn trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang bị cạnh tranh gay gắt./.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo