Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa sẽ góp phần xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn cho thành phố đảm bảo bình ổn giá.
|
TP HCM ký kết gần 1.250 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm an toàn. (Ảnh: Báo Hải quan) |
Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề được người tiêu dùng TP HCM rất quan tâm. Tuy nhiên, hiện thành phố chỉ sản xuất đáp ứng được hơn 20% nhu cầu về thực phẩm. Số còn lại thành phố phải thu, mua từ các tỉnh, thành khác.
Qua 4 năm thực hiện Chương trình Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đã góp phần cho thành phố xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất cho khu vực này.
Công ty TNHH khai thác hải sản và chế biến nước mắm Thanh Hà ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, sau nhiều năm tham gia chương trình Kết nối cung – cầu hàng hóa với TP HCM, đến nay sản phẩm đã vào được hệ thống siêu thị Co.opmart. Từ chỗ đứng này, sản phẩm nước mắm Phú Quốc của công ty được tiêu thụ ổn định, tăng trưởng tốt. Hiện nay, công ty phát triển thêm sản phẩm và kênh phân phối.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHH khai thác hải sản và chế biến nước mắm Thanh Hà cho biết, việc giao hàng đến các cơ sở tiêu thụ được thực hiện bài bản, ổn định, tăng trưởng mỗi năm từ 10-20%.
Qua 4 năm thực hiện, Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối ở thành phố ký kết gần 1.250 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa thành phố và các địa phương với tổng giá trị hơn 25.000 tỷ đồng. Bên cạnh, đó hàng hóa vào kênh phấn phối của các siêu thị cũng được xuất khẩu sang một số nước khác như Singrapore, Hàn Quốc…
Chương trình cũng đã góp phần tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân và các nhà sản xuất ở các tỉnh thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp cũng nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu VietGap, GlobalGap, HACCP.... Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, qua 4 năm thực hiện, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp không ngừng tăng lên, có những doanh nghiệp tăng lên gấp 2-3 lần. Thời gian tới tỉnh An Giang sẽ có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, bởi xác định thành phố là thị trường tiêu thụ trọng điểm cần mở rộng.
Bên cạnh việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và phát triển sản xuất trong vùng, Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa đã góp phần xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn thành phố và bình ổn giá. Đến nay, thành phố có hơn 9.500 điểm bán hàng, tăng gần 25 lần trước đây.
Ngoài hệ thống siêu thị, thành phố có 264 điểm bán các loại thực phẩm đạt chuẩn VietGap. Nhiều đơn vị như Co.opmart, Vissan, Ba Huân… đã ký kết với các đơn vị ở các tỉnh, thành trong khu vực tiêu thụ rau, thịt heo, gà, trứng của các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP... trong đó Đồng Nai, nơi cung cấp sản lượng thịt gia súc, gia cầm nhiều nhất cho thành phố cũng đã xây dựng hơn 50 trang trại đạt tiêu chuẩn VietGap.
Hướng tới, thành phố cũng yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành trong chương trình làm đầu mối có trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra chất lượng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để qua đó truy xuất được nguồn gốc. Thành phố cũng hỗ trợ cho các nhà sản xuất nhỏ, lẻ thuận lợi tiếp cận kênh phân phối này.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc SaiGon Co.op cho biết, những sản phẩm của các nhà sản xuất nhỏ lẻ chưa vào được siêu thị, doanh nghiệp sẽ cùng nhà sản sản xuất tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn các nhà sản xuất thực hiện đúng quy trình, đáp ứng đúng tiêu chuẩn để đưa sản phẩm vào tiêu thụ.
Tuy nhiên hiện nay, một số doanh nghiệp còn ngần ngại khi tham gia vào hệ thống siêu thị vì chi phí chiết khấu, khuyến mãi nhiều nên làm tăng thêm giá thành. Ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình ở Đồng Nai cho biết, sản phẩm của công ty đã đạt các tiêu chuẩn như VietGap, HACCP, mỗi ngày cung cấp cho thị trường thành phố 10.000 gà thịt, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa tham gia vào chương trình này.
“Công ty đã sản xuất được sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là việc phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị, bởi hiện tại các siêu thị đã tăng chi phí cho chiết khấu, sinh nhật, quầy kệ. Từ đó đã đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, ví dụ như gà sạch bán ở chợ truyền thống chỉ có giá 30.000 đồng/kg, nhưng khi vào siêu thị, giá gà có thể tăng lên 45.000 – 50.000 đồng/kg”, ông Long lý giải cho sản phẩm chậm vào siêu thị.
Để đẩy mạnh chương trình kết nối trong thời gian tới, TP HCM cũng khuyến khích các doanh nghiệp của thực hiện cung ứng vốn, giống cây, con, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và mở rộng bao tiêu sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP...
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, Sở đã liên kết với Sở Nông nghiệp các tỉnh, thành hướng cho người sản xuất có vùng nguyên liệu tốt nâng cao chất lượng. Sở liên hệ và tác động với các nhà phân phối, các câu lạc bộ xuất khẩu tiêu thụ các sản phẩm của đơn vị sản xuất nếu đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với hơn 10 triệu dân, TP HCM là nơi tiêu thụ và trung chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước. Hi vọng rằng khi thành phố có nguồn hàng hóa dồi dào, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm và kênh phân phối tốt sẽ đáp ứng tốt các thực phẩm an toàn.
Khi đó, việc tiêu thụ tốt hàng hàng hóa, thực phẩm an toàn sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ ngày càng chất lượng và chuyên nghiệp hơn./.