|
Nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân cho các hộ dân tham gia dự án "nuôi bò thịt" trên địa bàn. Ảnh minh họa |
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động chọn những vấn đề trọng tâm đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2015-2020”. Việc thực hiện đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở theo hướng sản xuất nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh có 132.827 hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cáccấp . Trong đó có 895 hộ đăng ký đạt danh hiệu cấp Trung ương; 5644 hộ đăng ký đạt danh hiệu cấp tỉnh; 18.014 hộ đăng ký đạt danh hiệu cấp huyện; 108.275 hộ đăng ký danh hiệu cấp cơ sở. kết quả cuối năm, có 80.570 hộ đăng ký ở 4 cấp được công nhận đạt danh hiệu, đạt 127,89% so với chỉ tiêu trung ương giao.
Ban Thường vụ, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo cho các huyện, thành, thị Hội phối hợp với các ban, ngành chức năng vận động nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo ngành nghề theo nghị định 151 của Chính phủ. Tính đến nay, trên toàn tỉnh có 1 Liên hiệp Hợp tác xã, 91 hợp tác xã (71 HTX nông nghiệp, 20 HTX thủy sản) với 6.544 xã viên, vốn điều lệ 13,411 triệu đồng, tổng diện tích đất trên 4.800 ha. Trong đó, có 12 HTX thành lập mới và 21 HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012; thành lập mới 57 tổ hợp tác, nâng tổng số tổ hợp tác nông nghiệp lên 1080 tổ, với 21.604 thành viên. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước khắc phục được những tồn tại, thiếu sót trong tổ chức và hoạt động, các mô hình có sự chuyển biến tích cực, nhận thức của nông dân về yêu cầu, lợi ích của việc hợp tác trong sản xuất, kinh doanh.
Hưởng ứng phong trào toàn dân thi đua xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến hội viên, nông dân trong tỉnh mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới, bám sát bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đồng thời chủ động tham gia thực hiện 8 nhiệm vụ giải pháp của nghị quyết 05 và xác định trực tiếp thực hiện 9/19 tiêu chí, phối hợp thực hiện 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tập trung chỉ đạo. Đến nay, 22/22 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt 19 tiêu chí xã Nông thôn mới.
Tỉnh Hội còn triển khai kế hoạch chỉ đạo ấp điểm thực hiện chỉ đạo toàn diện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở ấp Kinh Mới, Vĩnh Hiệp thị xã Tân Châu. Phối hợp mở 5 lớp tuyên truyền nội dung chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở ấp 5 cho 250 hội viên thuộc 5 xã.
Cấp tỉnh, cấp huyện chọn xã điểm để tập trung chỉ đạo, cân đối, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và vốn huy động trong dân với tổng số tiền 6.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 945 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình 2.000 tỷ đồng; vốn tín dụng gần 3.000 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp và nông dân đóng góp hơn 7 tỷ đồng. Cuối năm 2015, có 22 xã điểm của tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 60 xã còn lại đạt 13 tiêu chí trở lên.
Các cấp Hội trong tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới với sự tham gia của 189.551 hộ, qua bình xét có 182.450 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Hội viên, nông dân trong tỉnh đã hiến trên 120.000 m đất, hoa màu, vườn cây… để xây dựng nông thôn mới, số tiền ước đạt 12 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động hội viên thực hiện tiêu chí “ấp văn hóa”, tham gia các câu lạc bộ gia đình văn hóa, câu lạc bộ gia đình nông dân hạnh phúc phát triển bền vững, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ không có con mắc tệ nạn xã hội, vi phạm luật giao thông, xây dựng tuyến đường tự quản, xây dựng 700 bóng đèn thắp sáng trước ngõ cho 700 hộ dân ở phường 3 thị xã Ngã Năm…
Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp Hội, hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực thực hiện nghị quyết 20 của Trung ương về “nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020”, tỉnh Hội đã xây dựng được 127 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường, điển hình như: mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác thải, phế phẩm nông nghiệp tại nông hộ huyện Châu Thành, Long Phú; mô hình “ thu gom rác thải sinh hoạt và thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng” ở thành phố Sóc Trăng’ mô hình “xây dựn hố xử lý rác thải tại nông hộ huyện Mỹ Xuyên… những việc làm trên đã tạo cơ hội cho nông dân ý thức hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
Nhờ tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Hội và phong trào nông dân, chất lượng các phong trào được nâng lên rõ rệt. Từ đó giúp củng cố lòng tin của hội viên, nông dân đối với tổ chức Hội.