Tập trung đào tạo nghề cho người lao động nông thôn
16:01 - 29/12/2015
(TNNN) - Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa một diện tích đáng kể đất nông nghiệp đã và sẽ được chuyển thành đất xây dựng nhà ở, khu công nghiệp. Từ đó, sẽ thúc đẩy gia tăng số lượng những người lao động phi nông nghiệp. Đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này là một vấn đề cấp thiết.

Ảnh minh họa

Người làm công ăn lương ở nông thôn là những lao động xuất phát từ nông thôn, làm ngành nghề phi nông nghiệp trên các địa bàn cả ở nông thôn và đô thị. Hiện nay, chỉ tính riêng số lượng lao động nông thôn làm việc tại các khu công nghiệp và đô thị trên cả nước ước tính cũng phải gần hai triệu người.

 
Ngoài ra, còn hàng triệu lao động thời vụ và chuyên nghiệp “ly nông bất ly hương”, đặc biệt tập trung tại các làng nghề. Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam trong vài năm trở lại đây có khoảng 5 triệu lao động thời vụ và chuyên nghiệp ở các làng nghề không có đủ việc làm.


 
Trong những năm qua, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, thành phố Yên Bái quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.


 
Thông qua việc học nghề, người dân ở khu vực nông thôn đã có sự thay đổi cơ bản trong tập quán sản xuất, biết lựa chọn loại hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp, mạnh dạn trong việc lựa chọn các giống mới cho năng suất cao đưa vào sản xuất để nâng cao thu nhập xóa đói giảm nghèo.


 
Theo thống kê, xã Minh Bảo có 1.982 lao động trong độ tuổi, trong đó 1.402 lao động nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 70,7%; 580 lao động phi nông nghiệp chiếm 29,3%. Những năm qua, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới xã Minh Bảo đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


 
Trong 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, xã Minh Bảo đã tổ chức được 18 lớp dạy nghề cho gần 600 lao động.
 

Qua đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại địa bàn xã đạt trên 45%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,7%.Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo mô hình thí điểm hầu hết đều phát huy hiệu quả, các nghề đào tạo đều gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm triển khai Đề án 1956, thành phố đã tổ chức được 81 lớp dạy nghề ngắn hạn với 2.420 học viên tham gia, trong đó, có 36 lớp phi nông nghiệp và 45 lớp nông nghiệp.

 
Sau khi học nghề có trên 80% lao động tự tạo việc làm và tự thành lập các tổ đội sản xuất; ngoài ra, một số lao động đã tham gia vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thu nhập tăng thêm của lao động tự tạo việc làm tại chỗ cũng được tăng lên rõ rệt từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng; thu nhập của lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng.


 
 Đối với các lớp dạy nghề nông nghiệp, sau khi học xong, học viên biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm chi phí sản xuất và tăng quy mô sản xuất, năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.


 
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 94 cơ sở dạy nghề, tăng 18 cơ sở so với trước đây, trong đó có 03 trường Cao đẳng nghề, 06 trường Trung cấp nghề, 25 trung tâm dạy nghề và 60 cơ sở có chức năng dạy nghề.
 

Bên cạnh việc mở rộng quy mô đào tạo, các cơ sở dạy nghề đã quan tâm tới công tác nâng cao chất lượng đào tạo; ngoài việc rèn luyện kỹ năng nghề cho người học, các cơ sở dạy nghề đã chú ý đến việc giáo dục vệ sinh, an toàn lao động, ý thức tác phong công nghiệp. Một số cơ sở dạy nghề đã trang bị cho người học nghề kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, kiến thức về quản lý doanh nghiệp, maketing... Vì vậy, dạy nghề đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. 
 


Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khá; các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo là 13.348 lao động, chiếm 34,18% tổng số lao động và tăng so với năm 2014 là 240 lao động; xuất khẩu lao động là 1.841 lao động, đạt 48,45% kế hoạch năm.
 


Đối với lao động nghề nông thôn, công tác đào tạo nghề đã có bước chuyển mới, vừa quan tâm đến nhu cầu của người lao động vừa chú trọng đến nhu cầu của xã hội. Đến nay, hơn 70% lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm ổn định, mức thu nhập bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng, một số lao động nghề Cơ khí đạt mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.


 
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Hiện nay, các trường dạy nghề xuất hiện ngày càng nhiều đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo nghề cho lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bắc Giang có 5 trường dạy nghề có nghề trọng điểm được đầu tư tập trung theo Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong đó, trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là 1 trong 40 trường trong cả nước được đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020.


 
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre, từ năm 2010 đến nay, địa phương này đã tư vấn giới thiệu việc làm, nghề nghiệp cho trên 159 nghìn lượt người, giải quyết việc làm cho trên 122 nghìn lao động, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là trên 34 nghìn người, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50%.


 
Để người lao động hiểu biết và quan tâm đến những chương trình đào tạo nghề, các địa phương ở Bến Tre đã chủ động trong công tác tuyên truyền. Ngoài các nghề như may công nghiệp, bó chổi, đan ghế nhựa, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…, các trung tâm dạy nghề đã mở thêm nhiều loại nghề, đáp ứng với nhu cầu học nghề và thị trường nghề ở địa phương, đó là các nghề: cơ khí, máy hàn, máy tiện, máy khoan.

 
Tại Bến Tre, hàng năm nhu cầu tuyển dụng lao động khá cao vì địa phương này có nhiều khu công nghiệp đóng trên địa bàn, chính vì vậy, chính quyền các địa phương và chủ doanh nghiệp đã liên kết với nhau chặt chẽ, nhằm cung cấp thông tin về tuyển dụng lao động và nhu cầu đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, từ đó, việc đào tạo nghề đáp ứng thiết thực với nhu cầu của các doanh nghiệp.

 
Với những kết quả đã đạt được, các tỉnh thành cần  tiếp tục xây dựng và triển khai dự án (hay chương trình) về đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị. Đây là một giải pháp có tính cấp bách, cần được triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương để tránh tình trạng người dân sau khi nhận tiền đền bù ruộng đất lâm vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập; từ đó phát sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội. Mấu chốt là từ khâu quy hoạch, cấp phép đầu tư cho đến xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài “hàng rào” các khu công nghiệp, khu đô thị mới,... phải có kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất.
 


Đồng thời đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Có thể thấy đây là các hình thức đào tạo đã khá ổn định, cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, rất cần thu hút những người tham gia đào tạo vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Bởi chỉ bảo đảm được “đầu ra” người học mới thực hành nghề được đào tạo. Và nhờ đó những người làm công ăn lương ở nông thôn có thể phát triển được kinh tế gia đình, giảm cường độ và mức độ làm thuê.
 


Nền nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung đã và sẽ tiếp tục hướng về xuất khẩu. Do đó, đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu là một phương hướng thực hành nghề rất quan trọng cho lao động nông thôn. Đặc biệt cần liên kết nhà nông, doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề, nhằm hướng vào những lao động và doanh nghiệp ở nông thôn có nhu cầu đào tạo nghề cho mình và cho những người khác. Sự liên kết giữa họ với các trường dạy nghề sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới các điểm đào tạo nghề theo hướng chính quy và bảo đảm đầu ra của công tác đào tạo.
 

Mỹ Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo