Thông qua các hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Nhật Bản, Việt Nam đã nắm bắt được nhiều kinh nghiệm về quản lý, điều hành công tác thủy lợi...
|
Đại diện MLIT Nhật Bản chia sẻ tại hội thảo |
Vừa qua, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cùng ông Toru Doi, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) đồng chủ trì hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tái cơ cấu ngành thủy lợi.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, thời gian qua, Việt Nam nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản. Thông qua các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, Việt Nam đã nắm bắt được nhiều kinh nghiệm về quản lý, điều hành công tác thủy lợi. Những điều quý báu này cần phải được nhân rộng.
Về đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, mục tiêu đề ra là nâng cao hiệu quả ngành thủy lợi phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đồng thời nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Quan điểm của Bộ NN-PTNT là thực hiện phân cấp mạnh mẽ việc đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Từ đó từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý, vận hành theo định hướng thị trường. Một mặt chuyển mạnh mẽ từ phục vụ SXNN mà chủ yếu là cây lúa sang đa mục tiêu", ông Thắng chia sẻ.
Để làm được những điều này, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, ngành thủy lợi cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi.
Thứ hai là phát triển tưới cho cây trồng cạn, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nâng cao mức bảo đảm an toàn hồ đập…
Ông Nobuyuki Wakabayashi, Phòng Quản lý sông, Vụ Môi trường sông (thuộc MLIT) chia sẻ, tại Nhật Bản, ngay từ năm 1896 đã ban hành Luật Sông ngòi, kèm với đó là hệ thống quản lý sông hiện đại với nhiệm vụ chính là điều hành lũ.
Năm 1964, Nhật Bản tiếp tục thiết lập mô hình quản lý mang tính hệ thống cho hai nhiệm vụ điều hành lũ và sử dụng nước. Từ năm 1997 đến nay, Nhật Bản đã phát triển hoàn thiện hệ thống quản lý bao gồm cả điều hành lũ, sử dụng nước và môi trường.
Cũng theo ông Nobuyuki Wakabayashi, tại Nhật Bản, mỗi con sông lại có một chính sách quản lý dài hạn khác nhau. Từ đó kế hoạch sửa sang, duy tu, bảo dưỡng sông được xây dựng.
Song song với Luật Sông ngòi, Cơ quan nước Nhật Bản (JWA) cũng được thành lập năm 1950, giai đoạn nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng. JWA hiện quản lý 7 vùng lưu vực sông trọng yếu của Nhật Bản. Đơn vị này hiện xây dựng được 43 con đập và khoảng 1.000 km đê kè.
Tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, trong 10 năm qua, tình hình sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông tại địa phương này diễn ra phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu đô thị, dân cư sinh sống, công trình và khu du lịch.
Điển hình như khu vực cửa Lở (huyện Núi Thành), tổng chiều dài sạt lở khoảng 2.000 m. Khu vực phía bắc cửa Đại, khu vực bị sạt lở lên đến 8.000 m. Nguyên nhân do tác động của triều cường, sóng to, gió lớn; xây dựng hồ chứa thủy điện, khai thác cát lòng sông...
Chia sẻ những khó khăn với Việt Nam, ông Toru Doi khẳng định, thời gian tới, Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục cùng Việt Nam hợp tác đẩy mạnh công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai.
Nhắc tới Quảng Nam, ông Toru Doi nhấn mạnh, Nhật Bản sẵn sàng hợp tác nghiên cứu, giúp địa phương này đưa ra giải pháp đối phó với tình trạng sạt lở nghiêm trọng nêu trên.