Đồng bộ hóa các giải pháp giúp phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam
(TNNN) - Sau 3 năm liên tục tăng ở mức cao (2012-2014), 11 tháng qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 28% về sản lượng và 30% về giá trị. Ðây là mức giảm mạnh nhất trong nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu.
|
Cần định hướng cụ thể các chương trình sản xuất cà phê bền vững để nâng cao chất lượng tái canh cây cà phê |
Với sự tuột dốc này, ngôi vị á quân thế giới chỉ sau Brazil của cà phê Việt Nam đang bị đe dọa. Bằng chứng là thị phần xuất khẩu của cà phê Việt Nam đã giảm chỉ còn 18%, so với mức 22% năm ngoái.
Không thể phủ nhận xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2015 giảm có yếu tố khách quan. Đó là nhu cầu nhập khẩu cà phê của thế giới giảm. Theo số liệu từ Tổ chức Cà phê Thế giới, lần đầu tiên sau 5 năm, thế giới mới lại chứng kiến lượng cà phê nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, trong 3 nước xuất khẩu cà phê đứng đầu gồm Brazil, Việt Nam và Colombia, chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng. Colombia vừa trải qua niên vụ với sản lượng lớn nhất 22 năm qua, thu về chừng 1,87 tỉ USD, mức giá trị lớn nhất từ trước đến nay. Năng suất trồng cà phê của Colombia cũng tăng từ 10 bao/ha (2009) lên 16 bao/ha (2015).
Việt Nam đã có quy hoạch chi tiết đến năm 2020, sẽ có 4 vùng trọng điểm với 530.000 ha ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông. Ngoài ra, ở một số tỉnh sẽ trồng thêm 70.000 ha cà phê. Trong đó, Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên sẽ trồng 40.000 ha cà phê Arabica. Tuy nhiên, hiệu quả của quy hoạch vẫn là ẩn số do những khó khăn trong trợ vốn trồng mới và tái canh. Vì vậy, để ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị của cà phê
Tổng lượng xuất khẩu niên vụ cà phê 2013-2014 của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn với kim ngạch 3,4 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng nhưng chỉ tăng 12,5% về kim ngạch. Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (Cafecontrol), chất lượng cà phê xuất khẩu niên vụ vừa qua khá ổn định so với các vụ trước, tuy nhiên vẫn chưa thể bán được với giá tốt. Riêng cà phê Arabica không thể xuất theo tiêu chuẩn 4193:2005. Trước thực tế trên, việc nâng cao chất lượng để gia tăng giá trị của cà phê đang đặt ra một cách cấp bách. Tăng cường chế biến sâu (chế biến cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1) để hạn chế xuất khẩu thô là giải pháp quan trọng trong nâng cao giá trị hạt cà phê.
Các chương trình sản xuất cà phê bền vững cần được định hướng phát triển chiều sâu
Ngành cà phê Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn với sản lượng cao (chiếm 18% thị phần thế giới), năng suất cao nhất thế giới (gấp 3 lần năng suất bình quân của thế giới). Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, bên cạnh tổ chức sản xuất theo hướng liên kết các hộ nông dân riêng lẻ và liên kết người sản xuất với doanh nghiệp; đổi mới công tác khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý hiệu quả giống cà phê phục vụ tái canh… thì các chương trình sản xuất cà phê bền vững có xác nhận/chứng nhận cần được định hướng phát triển chiều sâu. Bởi hiện nay, sản lượng cà phê được xác nhận/chứng nhận đã vượt xa sản lượng tiêu thụ. Điều này tuy có lợi cho nhà rang xay vì sản phẩm luôn có sẵn để đáp ứng nhu cầu, nhưng người sản xuất lại không có lợi do một phần sản phẩm cà phê có chứng nhận phải bán theo giá cà phê thông thường.
Xây dựng định hướng canh tác cây cà phê theo hướng hữu cơ
Việt Nam mặc dù là nước xuất khẩu cà phê Robusta đứng đầu thế giới, nhưng chất lượng cà phê chưa cao, thiếu ổn định. Đặc biệt, ngành cà phê đang đối mặt với thách thức lớn khi diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng lại tăng cao (diện tích cà phê trên 20 năm tuổi cần tái canh đến năm 2020 lên đến 200 nghìn héc ta). Do vậy, cần nhanh chóng thực hiện và thực hiện hiệu quả việc tái canh cà phê. Muốn vậy, cần chuẩn bị tốt giống cây trồng, xử lý đất trồng theo quy trình chặt chẽ, quản lý tốt mô hình tái canh để chọn ra giải pháp tối ưu và nhân rộng mô hình. Đặc biệt, cần xây dựng định hướng canh tác cây cà phê theo hướng hữu cơ, sinh học làm tiền đề cho sự phát triển chuỗi giá trị cà phê một cách bền vững.
Xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao và có chứng nhận
Tiềm năng xuất khẩu sẽ mở ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu sản phẩm cà phê được chế biến bởi dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và có chiến lược mở rộng thị trường khoa học mang tính khả thi cao. Những giải pháp căn cơ để từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam là sẽ xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao và có chứng nhận làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Từng doanh nghiệp khi chế biến, bảo quản cà phê phải phối hợp với địa phương tìm vùng sản xuất cà phê nguyên liệu ổn định và lâu dài, từ đó đầu tư và ký hợp đồng thu mua sản phẩm. Sản phẩm cà phê nhân hoặc sau này chế biến thành cà phê tiêu dùng có thể dễ dàng truy nguyên nguồn gốc. Bên cạnh đó, ngành cà phê cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đồng thời nhanh chóng cải thiện phương thức mua bán cà phê nhân qua sàn giao dịch với giá có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tái cơ cấu ngành hàng cà phê,hỗ trợ thành lập các tổ chức nông dân trồng cà phê
Để phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam cần hướng sự hỗ trợ đến hai lĩnh vực chính là tái cơ cấu ngành hàng cà phê nhằm nâng cao khả năng tổ chức của ngành cà phê từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất cà phê bền vững cấp cơ sở. Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn và Chương trình cà phê bền vững đã làm việc với Cục Trồng trọt để chuẩn bị đề án đổi mới tổ chức ngành cà phê. Tây Nguyên là khu vực canh tác cà phê trọng điểm của Việt Nam. Số lượng lớn hộ sản xuất cà phê quy mô nhỏ làm nảy sinh nhiều vấn đề như chất lượng cà phê thấp, nông dân gặp khó khăn trong việc giao dịch mua vật tư đầu vào và bán cà phê. Hầu hết các hộ nông dân canh tác độc lập và thiếu sự liên kết với nhau, khiến việc quản lý chất lượng càng trở nên khó khăn. Theo đó cần chú ý đến việc thành lập các tổ chức nông dân trồng cà phê và các tổ chức nhà kinh doanh nhỏ cấp tỉnh ở một số tỉnh.