Cũng vẫn là những vật nuôi quen thuộc của nhà nông, nhưng với đồng bào Khmer nghèo ở xã Vị Thủy (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) thì qua các mô hình chăn nuôi cụ thể, phù hợp được các cấp chính quyền hỗ trợ thành công, họ đã nâng cao thu nhập.
|
Nhờ được hỗ trợ bò giống, gia đình ông Danh Ưng đã thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Dự |
Hỗ trợ bằng mô hình thiết thực
Xã Vị Thủy có khoảng 12% dân số là đồng bào dân tộc, trong đó người Khmer chiếm đa số. Theo UBND xã Vị Thủy, năm 2010 xã được Phòng NNPTNT huyện hỗ trợ thoát nghèo cho 20 hộ đồng bào Khmer khó khăn ở ấp 6 và ấp 8 với mô hình nuôi lợn, mỗi hộ được hỗ trợ 6 triệu đồng để xây chuồng hợp vệ sinh và nuôi ít nhất 2 con lợn trở lên. Hiện 20 hộ được hỗ trợ đã xây dựng chuồng trại kiên cố, dùng màng lưới chống muỗi, có hộ phát triển đàn lợn lên đến 10 con. Ông Danh Ưng cho biết: “Trước đây gia đình cũng nuôi lợn nhưng không có vốn nên chưa xây chuồng kiên cố, nay được hỗ trợ làm chuồng đàng hoàng nên chăn nuôi hiệu quả hơn, gia đình tôi đã thoát diện nghèo”.Ngoài mô hình nuôi lợn, xã Vị Thủy còn đứng ra vận động vốn từ nhiều nguồn khác để hỗ trợ 192 con bò cho hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có 40 hộ đồng bào Khmer. Tham gia mô hình này, mỗi gia đình được nhận 1 con bò cái giá khoảng 12 triệu đồng, con bê đầu tiên sinh ra được gia đình gửi trả lại mô hình để hỗ trợ cho hộ khó khăn khác, còn bò cái sẽ trở thành tài sản chính thức của gia đình được hỗ trợ.
Thoát nghèo bền vững
Theo Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, cơ cấu kinh tế của các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đang chuyển dịch đúng hướng, liên tục tăng trưởng; thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm từ 2-3%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS năm 2012 là 26,8%, đến 2015 chỉ còn 16,73%.
|
Anh Danh Luận cho biết: “Được hỗ trợ bò, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách làm chuồng, trồng cỏ làm thức ăn và phương pháp chăm sóc, phòng chống bệnh tật cho bò, tôi rất tự tin áp dụng vào thực tế và chăn nuôi bò hiệu quả”.
Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác nhau phù hợp với điều kiện của các đối tượng khác nhau, xã Vị Thủy còn kết hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật tại xã hướng dẫn, theo sát quá trình chăn nuôi của đồng bào; luôn thực hiện với tiêu chí những hộ tham gia mô hình phải nắm rõ kỹ thuật để giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Ông Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy cho biết: Từ một xã có 30% hộ nghèo, nhờ thực hiện hỗ trợ những mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp mà hiện xã Vị Thủy chỉ còn 9% hộ nghèo với tổng số 195 hộ nghèo, trong đó có 124 hộ đồng bào Khmer.