Giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững ở Hà Giang: Giao thực quyền cho chủ rừng
23:50 - 30/12/2015
Do phần lớn diện tích đất tự nhiên là đất dốc từ 15 độ trở lên nên phát triển ngành lâm nghiệp và kinh tế rừng có vai trò quan trọng đối với tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác một cách hiệu quả và bền vững.
Mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng đang phát triển tốt.

Hà Giang có đặc điểm địa lý, thiên nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, nên ngành lâm nghiệp và tài nguyên rừng của tỉnh có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống và sinh kế của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Do phần lớn diện tích đất tự nhiên là đất dốc từ 15 độ trở lên (685.201,7ha, chiếm 86,6% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh), nên nếu thiếu rừng cây che phủ, điều kiện sinh thái và sản xuất nông nghiệp ở tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với mức độ rủi ro mùa màng cao. Điều đó cho thấy, lâm nghiệp mà yếu tố chủ đạo là rừng tự thân trở thành trụ đỡ cho nền nông nghiệp, đồng thời còn là mái nhà của vùng thượng nguồn, nơi có tiềm ẩn nhiều thiên tai và rủi ro.

Mặc dù vậy, lâm nghiệp tỉnh Hà Giang vẫn chưa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, có đóng góp ít ỏi cho nền kinh tế. Theo thống kê, trong giai đoạn 2011-2014, ngân sách nhà nước đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp chỉ đạt 72,9 tỷ đồng, nguồn thu từ lâm nghiệp còn khiêm tốn (565 tỷ đồng), đóng góp của lâm nghiệp vào GDP của tỉnh rất thấp, xấp xỉ 3,07%. Ngoài ra, chất lượng và giá trị của rừng đang bị suy giảm.

Theo PGS.TS. Phạm Văn Điển, giảng viên Đại học Lâm nghiệp, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang, mô hình tổ chức lâm nghiệp của Hà Giang có thể được khái quát bằng công thức: 3 + 3 (3 cấp quản lý, gồm tỉnh, huyện, xã + 3 loại rừng, gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng). Mô hình này đang bộc lộ nhiều bất cập, chất lượng giải quyết côngviệc chưa tốt, thiếu đồng bộ, mối liên hệ giữa nhà nước, người dân, cộng đồng và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Chế biến lâm sản mới tập trung vào chế biến gỗ bằng hình thức, công nghệ và định hướng sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là sản xuất ván bóc, gỗ dăm, ván ép và ván MDF. Chế biến lâm sản ngoài gỗ chưa phát triển, chủ yếu dừng ở mức sơ chế, bảo quản, đóng gói; thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý chưa rõ ràng. Tổng khối lượng gỗ khai thác trong giai đoạn 2011-2014 là 215.606,9m3, trong đó khai thác chính là 196.705m3, khai thác tận thu 18.900m3, khối lượng gỗ khai thác từ rừng trồng chiếm phần lớn (96,2%).

Công tác phát triển rừng chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước thông qua việc đầu tư trồng rừng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng với tổng kinh phí hàng năm 72,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ sống trước khi trồng dặm rất thấp, với rừng phòng hộ là dưới 70%, rừng sản xuất chỉ đạt xấp xỉ 75%; năng suất của rừng trồng thấp, rừng keo tai tượng chỉ đạt 40-50m3/chu kỳ 7 năm. Kết quả phát triển giống cây lâm nghiệp còn khiêm tốn, đến nay mới có 9 nguồn giống được công nhận.

“Với mô hình phát triển hiện có, lâm nghiệp Hà Giang vẫn mang bản chất là lâm nghiệp nhà nước, thiên về “trồng cấy”, đầu vào thấp. Đây cũng là nền lâm nghiệp còn thiếu đường nét kinh doanh và hiệu quả thấp. Lực đẩy cho phát triển lâm nghiệp chủ yếu là ngân sách/kế hoạch của nhà nước, trong khi lực hút của thị trường lâm sản và lực đẩy của xu thế xã hội hóa nghề rừng là khá mạnh nhưng do hạn chế về năng lực và nguồn lực lên ngành lâm nghiệp chưa thể đáp ứng và đủ sức kết nối với hai loại “lực” này. Vì vậy, việc chuyển đổi của ngành lâm nghiệp thep định hướng mới là rất cần thiết”, ông Điển nói.

Tăng quyền cho chủ rừng

Theo định hướng của tỉnh, lâm nghiệp Hà Giang là nền lâm nghiệp xã hội hóa, phát triển theo hướng bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Đây cũng là nền lâm nghiệp nhằm tạo ra giá trị dịch vụ hệ sinh thái dựa trên lợi thế và tôn trọng sự khác biệt giữa các tiểu vùng kinh tế - sinh thái. Ngành lâm nghiệp cần trở thành “trụ đỡ” đảm bảo an toàn sinh thái , giảm thiểu rủi ro, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ tích cực cho sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đối với các loại rừng, rừng đặc dụng phát triển theo hướng bảo tồn kết hợp với kinh doanh dịch vụ hệ sinh thái rừng; giữ nguyên diện tích rừng hiện có (50.994ha); đẩy mạnh phát triển rừng và kinh tế - xã hội ở vùng đệm. Giữ nguyên diện tích đất rừng phòng hộ đã có rừng tự nhiên, ưu tiên giải pháp khoanh nuôi, tái sinh đối với rừng phòng hộ. Có thể mở rộng diện tích đất rừng sản xuất từ 260.675ha lên 300.000ha, thực hiện thâm canh rừng trồng và rừng tự nhiên nhằm tăng năng suất rừng hiện có lên ít nhất 15-20%.

Về định hướng phát triển rừng theo tiểu vùng, đối với 4 huyện vùng cao núi đá, bảo vệ rừng hiện có, khoanh nuôi các diện tích rừng đang tái sinh, phát triển rừng cung cấp gỗ, củi và lâm sản ngoài gỗ, trong đó có rừng cung cấp thảo dược. Hai huyện vùng cao núi đất phía Tây cần ưu tiên phục hồi rừng bằng khoanh nuôi và phát triển rừng trồng cây gỗ quý, gỗ lớn kết hợp với kinh doanh lâm sản ngoài gỗ (dược liệu) dưới tán rừng. Các huyện vùng thấp bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ tập trung.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm từ cây lanh, một sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.

Theo ông Điển, để phát triển lâm nghiệp bền vững, mấu chốt của cơ chế, chính sách là giao thực quyền cho chủ rừng. Vì tính hấp dẫn và minh bạch của “thực quyền” nên người ta muốn được làm chủ khu đất, khu rừng đó và sẽ đầu tư để phát triển rừng hiệu quả.

Nhiều mô hình hiệu quả

Hiện nay, trên địa bàn Hà Giang xuất hiện nhiều mô hình phát triển lâm nghiệp khá bền vững. Theo ông Bùi Minh Hiệu, Phó chủ tịch huyện Xín Mần, năm 2015, tổng diện tích thảo quả dưới tán rừng là hơn 2.650ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt gần 981ha, năng suất quả tươi từ 13-15 tạ/ha, sản lượng quả tươi mỗi năm từ 1.200-1.400 tấn. Bên cạnh đó, quế cũng là cây dược liệu được người dân trồng với diện tích trên 441ha. Trên địa bàn huyện còn có nhiều loài cây dược liệu quý khác trong tự nhiên  như lá khôi, thấp diệp nhất chi mai, hà thủ ô, tam thất, ất tẩu, hoa hồng…

Không chỉ riêng Xín Mần, nhiều huyện khác của Hà Giang cũng có tiềm năng phát triển cây dược liệu. Bà Bùi Thị Thanh Tình, Chi Cục Lâm nghiệp tỉnh Hà Giang, cho biết,  Hà Giang có trên 1.565 loài dược liệu (chiếm 39%  trong tổng số hơn 4.000 loài dược liệu của Việt Nam, trong đó 45 loài có tiềm năng khai thác lớn như cẩu tích, dây đau xương, chè dây, râu hùm, tắc kè đá, thỏ y tử…). Nhiều loài quý hiếm: bát giác liên, hoa tiên, giảo cổ lam, hoàng tinh cách, thạch hộc, ngân đằng, râu hùm, thiên lý hương, thông tre lá  dài, hà thủ ô… Trong số này có 78 cây thuốc quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa  (nằm trong danh mục các cây thuốc ở tỉnh Hà Giang có trong sách đỏ Việt Nam năm 2007). Ngoài lợi thế về mặt điều kiện tự nhiên Hà Giang còn là nơi sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc đều có  vốn tri thức bản địa về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống chế biến và sử dụng dược liệu địa phương.

UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2025. Đến thời điểm này, tổng diện tích cây dược liệu trên toàn tỉnh là 10.727ha. Số loài cây dược liệu được trồng gồm 13 loài chính: thảo quả, hương thảo, hồi, quế, án tẩu, lá khôi, đỗ trọng, óc chó, giảo cổ lam. Hiện đã có  6 doanh nghiệp  đầu tư vào trồng, chế biến được liệu tại Hà Giang, ngoài ra còn một số doanh nghiệp đang trong giai đoạn thăm dò, tìm hiểu cơ hội đầu tư hoặc liên kết phát triển dược liệu tại Hà Giang. Bên cạnh đó hiện dược liệu cũng được phát triển theo quy mô hộ gia đình, tổng số đến nay toàn tỉnh có trên 9.000ha dược liệu các loại do dân tự trồng, tự tiêu thụ như: thảo quả (chiếm 8720ha), hương thảo, quế, hoa hồi, giảo cổ lam, tam thất rừng, đỗ trọng…

Mô hình trồng rừng kinh tế gắn với thâm canh tại xã Liên Hiệp (Bắc Quang) do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phối hợp với UBND huyện Bắc Quang tổ chức thực hiện vào năm 2012 với tổng diện tích 20ha (trong đó 10ha trồng keo lai giâm hom, 10ha trồng keo hạt ngoại) đang phát triển tốt. Hiện, chiều cao cây đạt trung bình 6m, đường kính gốc trung bình trên 10cm. Dự kiến sau 7 năm trồng, năng suất thu hoạch đạt 80m3/ha, đem lại giá trị thu nhập 80 triệu đồng/ha, trừ chi phí đạt lợi nhuận 40 triệu đồng/ha/chu kỳ.

Mô hình trồng cây hồ đào (óc chó) tại Đồng Văn, trồng cây hồi tại xã Đường Âm (Bắc Mê), cây sơn ta tại Vị Xuyên, cây quế tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên), mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng cũng đang thu kết quả khả quan. Lợi nhuận của mô hình trồng cây óc chó từ năm thứ sáu trở đi đạt 100 triệu đồng/ha/năm; đối với cây hồi là 84 triệu đồng/ha; quế khoảng 80 triệu đồng/ha… Hy vọng từ những mô hình này, ngành lâm nghiệp Hà Giang sẽ phát triển theo đúng định hướng, vừa đảm bảo lợi nhuận kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo