Không dùng 10.000 tỷ đồng từ cổ phần hoá để bù đắp ngân sách
23:50 - 30/12/2015
Tính đến cuối tháng 12, số thu từ nợ đọng thuế đã đạt 38.000 tỷ đồng, cao hơn mức dự kiến là 34.000 tỷ đồng. Nhiều khả năng Chính phủ sẽ không dùng đến khoản thu 10.000 tỷ đồng từ cổ phần hoá doanh nghiệp (DN) để bù đắp hụt thu như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị sáng 29/12

Đây là những tin tức tích cực về kết quả điều hành ngân sách năm 2015 được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và địa phương sáng 29/12. 

Thu 38.000 tỷ đồng nợ đọng thuế

Vào kỳ họp cuối năm 2015, khi dự tính ngân sách có thể hụt thu 31.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng 10.000 tỷ đồng từ tiền thoái vốn các DNNN để bù đắp hụt thu. Đồng thời, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ thu đủ 34.000 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế.

Đến phiên họp Chính phủ ngày cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cho biết ước tính mức thu ngân sách cả năm đạt khoảng 973.000 – 976.000 tỷ đồng, vượt 62.000 – 65.000 tỷ đồng so dự toán là 911.000 tỷ đồng. Trong số 63 tỉnh thành, có 55 địa phương hoàn thành dự toán, trong đó 36 địa phương vượt dự toán vượt trên 10%, còn lại 8 địa phương có khả năng hụt thu, nhưng mức hụt thu không lớn. 

Như vậy, mức thu ngân sách năm nay ước tăng xấp xỉ 7% so với dự toán và tăng 13% so với số thực hiện năm 2014. Với kết quả này, khả năng sẽ không phải dùng đến số tiền 10.000 tỷ đồng thu từ thoái vốn DN để bù đắp hụt thu như đã trình tại Quốc hội.

Đồng thời, số thu nợ đọng thuế đến cuối năm đã được 38.000 tỷ đồng, vượt mức 34.000 tỷ đồng đã cam kết trước Quốc hội. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng giải thích thêm, trong tổng số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế, nếu loại trừ yếu tố như DN phá sản, bỏ trốn, nợ chậm nộp thuế trong thời kỳ khó khăn… thì số nợ còn lại khoảng trên 50.000 tỷ đồng… Tới đây, Bộ Tài chính sẽ phân tích, phân loại và báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phương án xử lý các khoản nợ đọng thuế của DN phá sản, phạt chậm nộp thuế trong giai đoạn kinh tế khó khăn (2012 – 2014)…., với con số ước tính khoảng trên 20.000 tỷ đồng. 

Sẽ có phương án ngân sách khi giá dầu 30 USD/thùng

Một nhân tố có khả năng tác động đến ngân sách năm 2016 là giá dầu hiện đang mức trên 30 USD/thùng, trong khi dự toán là 60 USD/thùng. Bộ Tài chính đã có phương án tính toán điều hành giá dầu theo các mức giá 50 USD, 40 USD và tới đây là cả phương án giá dầu 30 USD. "Mặc dù giá dầu giảm gây khó cho ngân sách trung ương nhưng chúng ta đã có bài học kinh nghiệm điều hành giá cả trong năm qua, qua đó giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế, tác động tích cực đến tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của DN", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết. 

Đánh giá chung về ngân sách năm 2016, mức dự toán được giao rất tích cực so với số thực hiện năm 2015, do vậy Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt trong quản lý tài chính ngân sách ngay từ đầu năm, tiết kiệm triệt để trong quản lý chi ngân sách.. Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ các giải  pháp điều hành cụ thể trong năm 2016, trên tinh thần Nghị quyết của Quốc hội là tiết kiệm để tăng lương và chi cho các mục tiêu khác. 

Thị trường bảo hiểm, chứng khoán phát triển tốt, ổn định

Báo cáo về các thị trường tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết doanh thu của thị trường bảo hiểm năm 2015 đạt 81.636 tỷ đồng, mức phí thu là 68.024 tỷ đồng, tăng 24,43% so với năm 2014. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế là 132.543 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra. Con số bồi thường năm qua đạt hơn 21.000 tỷ đồng, bằng gần 1/3 mức thu phí. Đây là những kết quả quan trọng cho thấy kinh doanh bảo hiểm đang trở thành bệ đỡ cho DN, cho nền kinh tế, phòng ngừa các tình huống rủi ro. 

Về thị trường chứng khoán, mặc dù biến động kinh tế thế giới ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán thế giới, nhưng thị trường Việt Nam vẫn tương đối ổn định và tăng khá so với các nước trong khu vực. Mức vốn hoá tăng 15% so với cuối năm 2014, tương đương 15% GDP. Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài tích cực hơn so với các nước trong khu vực và đạt mức cao nhất từ trước đến nay là trên 15 tỷ USD. 

Năm qua, tình hình huy động vốn đã có sự khởi sắc, đóng góp 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Huy động trái phiếu Chính phủ đạt kế hoạch đề ra. Trong điều kiện quy mô nền kinh tế thấp, thị trường bảo hiểm, chứng khoán phát triển chưa lâu, đây là mức tăng trưởng khá và tương đối ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. 

 
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo