Lễ công bố thỏa thuận trên nguyên tắc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam được tổ chức ngày 4.8 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU - tiến sĩ Franz Jessen đã đồng chủ trì buổi lễ đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU.
FTA giữa Việt Nam và EU sẽ mang lại những lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và EU như tạo ra thị trường, môi trường kinh doanh ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cả hai bên. Bên cạnh đó, FTA có thể giúp EU cân bằng thâm hụt thương mại với Việt Nam, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều thông qua tự do hóa thương mại và tiếp cận thị trường.
|
Phân xưởng may hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May mặc Macallan (Tập đoàn Dệt may Plummy). Ảnh: Đàm Duy |
Những cam kết trong FTA Việt Nam – EU bao gồm hàng loạt các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, pháp lý – thể chế, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước.
Chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan sẽ làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên khoảng 30-40%, cao hơn mức tăng xuất khẩu trong trường hợp không có hiệp định. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ FTA bao gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm (trong đó có thủy sản). Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng mở rộng đáng kể nhờ FTA, và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế.
Theo thống kê năm 2014, EU là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất với trị giá trên 2 tỷ USD, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm đến trên 35% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tiếp sau là các mặt hàng dệt may, thủy sản với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt gần 2 tỷ USD và trên 950 triệu USD.
Hiện tại, EU là bạn hàng lớn thứ hai về xuất khẩu, thứ năm về nhập khẩu của Việt Nam. Sau khi hiệp định có hiệu lực, sẽ có 90% hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU được hưởng mức thuế suất 0%. Xuất khẩu của EU vào Việt Nam gồm các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện, máy bay, ô tô, và dược phẩm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, quần áo, cà phê, gạo, thủy sản và đồ gỗ.
Theo dự báo, FTA Việt Nam- EU được kỳ vọng sẽ làm tăng khoảng 75% hàng hóa Việt Nam vào EU đến năm 2020. Điều này sẽ giúp sản xuất được mở rộng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, có nhiều cơ hội việc làm. Ngoài ra, xuất khẩu lao động từ Việt Nam ra nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ tăng đột biến.