Đã tìm ra nguyên nhân khiến khoai lang ế ẩm
16:13 - 04/08/2015
Bên cạnh nguyên nhân về tổ chức quảng bá, tiêu thụ khoai lang có hạn khiến khoai làm ra nhiều nhưng không bán được, một nguyên nhân khiến khoai lang Bình Tân ế ẩm, rẻ rúng là do sâu bệnh tấn công củ khoai.

Khoai lang Bình Tân đang bế tắc đầu ra.

Ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) có anh nông dân tên Giàu nhưng đã 3 vụ liên tiếp thua lỗ vì không bán được khoai lang, tổn thất hơn 70 triệu đồng. Không chỉ anh Giàu, thủ phủ khoai lang của đồng bằng sông Cửu Long đang cần được “giải cứu”.

Khoai ế ẩm, nông dân lỗ hàng trăm triệu đồng

Những ngày này, về vùng trồng khoai lang ở huyện Bình Tân - nơi có diện tích khoai lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh ruộng khoai đã đến ngày xuất bán nhưng người dân không buồn thu hoạch, thậm chí người dân còn bơm nước vào ruộng ngâm, cho máy cày vào làm đất. Nhìn cảnh hàng tấn khoai bị máy cày, máy trục băm nát lẫn đất đồng ruộng, phóng viên NTNN và nhiều người đi ngang qua đều cảm thấy xót xa.

Gia đình ông Võ Văn Mạnh (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân) trồng khoai đã được hơn 2 tháng. Dù nhà ông kẹt tiền chi tiêu nhưng không bán được khoai nên gia đình đã quyết định bỏ luôn ruộng khoai, cắt lá khoai cho dê ăn, chờ vài tháng nữa cày bỏ để trồng cây màu khác. Ngay cạnh đất ông Mạnh, ông Võ Văn Hồng cũng vừa bỏ luôn 2ha khoai, chấp nhận thua lỗ hàng trăm triệu đồng.

Không riêng gì ở xã Thành Lợi, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một số cánh đồng ở xã Thành Trung. Nhiều đống khoai chất ngoài đồng chỉ để... bỏ đi. Anh Huỳnh Văn Giàu, ở ấp Thành Hưng, xã Thành Trung trồng 5.000m2 khoai lang nhưng vẫn còn tồn 20 tạ khoai không bán được (một số thương lái chê khoai xấu), anh Giàu thua lỗ khoảng 50 triệu đồng. Đây là vụ lỗ thứ 3, nên anh Giàu định bỏ trồng khoai để trở về làm lúa.

Cũng theo anh Giàu, để hòa vốn, giá khoai phải ở mức 5.800-6.700 đồng/kg, thế nhưng vụ khoai này giá chỉ ở mức từ 400- 3.000 đồng/kg. Với giá bán trên, người trồng khoai như anh Giàu sẽ bị thua lỗ khoảng 10 triệu đồng/công (1.000m2), nếu không bán được thì lỗ toàn phần.

Muốn giàu có, phải loại được sâu tàn mạt

Bên cạnh nguyên nhân về tổ chức quảng bá, tiêu thụ khoai lang có hạn khiến khoai làm ra nhiều nhưng không bán được, một nguyên nhân khiến khoai lang Bình Tân ế ẩm, rẻ rúng là do sâu bệnh tấn công củ khoai. Khi khoai bị sâu đục phá, thương lái sẽ không mua hoặc mua với giá rất rẻ mạt, từ 400-840 đồng/kg. Những loại khoai này, các thương lái chỉ bán lại cho các tiểu thương ở chợ.

Ông Lê Văn Trung – Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thành Lợi (xã Thành Lợi) cho biết nhiều ruộng khoai lang huyện Bình Tân  bị các thương lái chê không đẹp. Nguyên nhân chủ yếu là do con sâu “tàn mạt” (theo cách gọi của người dân địa phương). Khi ruộng khoai nào xuất hiện sâu này thì phần lớn củ bị tấn công (sâu vào trong vỏ củ khoảng 3-4cm). “Con tàn mạt được phát hiện ở Bình Tân vào năm 2012, nó có kích thước rất nhỏ, phần đầu màu trắng, thân sọc đen, di chuyển rất nhanh nên khó phát hiện. Khi phát hiện được thì phần lớn các củ khoai đã bị đục khoét, phun xịt thuốc hóa học thì đã quá muộn” – ông Trung nói.

Chưa hết, theo một số hộ dân trồng khoai lang ở xã Thành Đông, thời gian gần đây trên ruộng khoai còn xuất hiện loài ốc lạ “cạp” củ khoai lang. Loài ốc này khá nhỏ, thân hơi dài, chúng ẩn trong đất nên rất khó phát hiện và tiêu diệt.

Để giúp bà con nông dân khắc phục tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp các viện, trường nghiên cứu, xây dựng quy trình phòng, trị sâu bệnh. Theo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, con tàn mạt trên thực chất là một loại sâu thuộc bộ cánh vảy (Lepidoptera), họ ngài sáng (Pyralidae). Hiện cán bộ chuyên môn đang hướng dẫn người dân theo quy trình quản lý sâu tổng hợp tại một số địa phương.

Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh này đã bỏ nhiều công sức để giúp người dân phòng trị các loài dịch bệnh hại khoai. Trong đó, đặc biệt là triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu theo quy trình sản xuất sạch VietGAP tại ấp Thành Hậu (xã Thành Đông).

“Hiện đã có 43 hộ tham gia mô hình cánh đồng mẫu khoai lang trên diện tích 40ha. Nhờ mô hình này, nhiều hộ dân trồng khoai trở nên khá giả vì sản phẩm nơi đây được bán với giá cao sang các nước có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Tôi được biết tới đây, tỉnh Vĩnh Long sẽ mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn này” – ông Ngô Văn Tua - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thành Đông nói. 

Nguồn: NTNN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo