Phần lớn các chủ trang trại ở Hải Phòng chưa qua đào tạo bất cứ một ngành nghề nào. Trình độ văn hóa, quản lý, chuyên môn kỹ thuật… đều hạn chế.
|
Lớp tập huấn kỹ thuật SX cho nông dân huyện An Lão |
Thời gian tới, Hải Phòng sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho tất cả các chủ trang trại trên địa bàn.
Thiếu kiến thức
Theo khảo sát gần đây do Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng phối hợp với Cục Thống kê Hải Phòng tổ chức, toàn thành phố hiện có hơn 600 trang trại đang hoạt động SXKD trên tổng diện tích gần 1.700 ha với 6.000 lao động. Trong đó, phần lớn là các trang trại chăn nuôi và tập trung nhiều nhất ở các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thụy. Mỗi trang trại thu nhập bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn các chủ trang trại chưa qua đào tạo ngành nghề nào. Họ nuôi trồng và bán sản phẩm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Các chủ trang trại đều cho biết, họ còn “hổng” rất nhiều kiến thức về quản lý mô hình trang trại, chính sách pháp luật, thị trường, ứng dụng công nghệ…
Thêm vào đó, gần một nửa số chủ trang trại đều đã lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên). Theo ông Hoàng Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng thì: “Tuổi cao đi liền với sức khỏe hạn chế, khả năng nhanh nhạy, quyết đoán, mạnh bạo trong đầu tư thay đổi cơ cấu sản phẩm, áp dụng tiến bộ KHKT trong SX, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm… sẽ không bằng người trẻ tuổi”.
Vì thế, nhiều trang trại tổng hợp và trang trại nuôi thủy sản có diện tích SX lớn nhưng thu nhập và giá trị SX hàng hóa thấp. Nhiều hộ nông dân chưa đủ điều kiện, chưa am hiểu về kỹ thuật nhưng vẫn thành lập trang trại; trong số đó có không ít hộ thiếu kiến thức quản lý, nghiệp vụ dẫn đến làm ăn thua lỗ.
Theo Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng, trong 5 năm (2010-2014), Trung ương và thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 16.500 lao động, song chủ yếu là các đối tượng chính sách hoặc cán bộ địa phương. Mặc khác, nội dung đào tạo chỉ tập trung vào những kiến thức chuyên môn về kỹ thuật nuôi trồng và một số ngành nghề thủ công như may mặc, mây tre đan, điện dân dụng, cơ khí… |
Đặc biệt, việc xử lý chất thải, thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản ở các trang trại, gia trại chưa tuân thủ đúng quy định, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của trang trại và cộng đồng.
Nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng của các chủ trang trại là rất cấp thiết nhưng công tác này từ trước đến nay mới chỉ dừng lại ở những lớp bồi dưỡng khuyến nông, khuyến ngư ngắn ngày hoặc nằm trong chương trình lồng ghép nhiều chuyên đề khác nhau dành cho người dân nông thôn…
Chủ trang trại sẽ được đào tạo
Vừa qua, trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2020, UBND TP Hải Phòng đã giao Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện đề án “Bồi dưỡng, đào tạo các chủ trang trại trên địa bàn”.
Theo đề án, trong 5 năm tới, thành phố sẽ tổ chức khoảng 20 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho tất cả các chủ trang trại trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Mỗi lớp kéo dài 3 tháng, có thể bố trí cùng với chu kỳ SX của cây trồng, vật nuôi để thuận lợi cho việc rèn luyện kỹ năng làm việc qua thực tế của trang trại. Các chuyên gia, người có tay nghề cao, các chủ trang trại thành đạt sẽ được mời tham gia giảng dạy, hướng dẫn người học.
Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố - cơ quan chủ trì đề án kỳ vọng các lớp học này sẽ trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để các chủ trang trại có thể chủ động, tự tin quản lý, tổ chức các hoạt động SXKD của trang trại đạt hiệu quả, phát triển bền vững, tiến tới hội nhập quốc tế.
Trong đó, ngoài những kiến thức về chính sách, pháp luật và các yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong nuôi trồng, các lớp học còn cung cấp cho các chủ trang trại kỹ năng xây dựng kế hoạch SXKD, xác định nhu cầu thị trường, tổ chức bán sản phẩm, xây dựng thương hiệu…
Ngoài ra, chương trình cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của học viên về tính kỷ luật, lòng yêu nghề, lịch sự trong giao tiếp với khách hàng, có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các chủ trang trại phải căn cứ vào đặc thù của các chủ trang trại ở Hải Phòng. Đó là, đa số các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm và chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, vùng hải đảo, khó khăn về sắp xếp thời gian, đi lại. Các chủ trang trại thường bận rộn, làm ăn theo mùa vụ.
Bên cạnh đó, phần lớn trong số họ đã lớn tuổi, sức khỏe hạn chế, việc đi lại và khả năng tiếp thu khó khăn... Vì vậy, khi xây dựng nội dung chương trình, cơ cấu kiến thức, địa điểm, thời gian mở lớp, lựa chọn giảng viên…, cần tính toán kỹ để tổ chức hợp lý, tối ưu nhất.