Tính ứng dụng còn thấp
12:53 - 15/07/2015
10 năm triển khai Quyết định số 188/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Chương trình CNSH nông nghiệp - thủy sản (NNTS) đã đạt được những thành tựu nhất định. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều băn khoăn. 
Trong 10 năm, tuy có rất nhiều đề tài nghiên cứu nhưng tính ứng dụng thực tế vào nông nghiệp còn rất thấp. Ảnh: Trần Quý

Những kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2006 - 2014, với tổng kinh phí được cấp là 551,447 tỷ đồng, CNSHNNTS đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ trên cả hai lĩnh vực được lựa chọn. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp đã hoàn thành 145 nhiệm vụ; lĩnh vực thủy sản 69 nhiệm vụ. 130 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu (lĩnh vực nông nghiệp: 83 nhiệm vụ; lĩnh vực thủy sản 47 nhiệm vụ), trong đó một số nhiệm vụ đã được tiếp tục lựa chọn đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào sản xuất.
 

Trong hai lĩnh vực NNTS thì lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tốt, nổi bật là ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chọn tạo được các giống lúa mang gen thơm, kháng sâu, bệnh và chịu hạn. Nhiều dòng giống cây trồng hình thành trong chương trình này được coi là triển vọng, đang gửi khảo nghiệm để tiến tới công nhận giống.
 

Chương trình đã triển khai các dự án (D.A) sản xuất rau an toàn, sản xuất thử nghiệm về vi nhân giống hoa, vi nhân giống bạch đàn và keo lai, hoàn thiện ứng dụng thành công tại nhiều địa phương.
 

Nghiên cứu và sản xuất 10 chế phẩm bảo vệ thực vật trên cây trồng nông, lâm nghiệp, 8 loại chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ chức năng phục hồi, ổn định và nâng cao độ phì nhiêu của đất trồng góp phần tăng khả năng giữ nước ở vùng đất trồng cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo..), đất trống đồi trọc và đất có nguy cơ sa mạc hóa...
 

Còn đó những băn khoăn

Bên cạnh những kết quả đạt được sau 10 năm, việc tổng kết đánh giá cho thấy tính ứng dụng của CNSHNNTS chưa cao. Đây đang được coi là vấn đề cần phải có sự phân tích, mổ xẻ để khắc phục trong giai đoạn tiếp theo 2015 - 2020.
 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bên cạnh những kết quả đạt được, sản phẩm ứng dụng thực tiễn của chương trình chủ yếu mới tập trung vào các giống lúa mới, các chế phẩm vi sinh vật, các cây giống nuôi cấy mô và một vài sản phẩm khác. Đối với các lĩnh vực như chăn nuôi thú y, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây trồng biến đổi gen chưa có nhiều kết quả ứng dụng thực tiễn.
 

Tương tự về tính ứng dụng trong lĩnh vực thuỷ sản cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay chúng ta mới tạo ra chủ yếu là các sản phẩm trung gian. Tính kế thừa của các D.A sản xuất thử nghiệm chưa được triển khai mở rộng để tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn sản xuất trong giai đoạn tiếp theo.
 

Số đề tài ứng dụng công nghệ gen còn ít, hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực mà các đề tài D.A triển khai còn dàn trải trên nhiều đối tượng, chưa tập trung nguồn lực vào giải quyết một số vấn đề cấp bách trên một số đối tượng cây trồng hay giống thủy sản chủ lực mà cần có công nghệ cao, CNSH mới có thể giải quyết được.
 

Các đối tượng cây trồng quan trọng như ngô, đậu tương, lĩnh vực chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, thức ăn, phòng trị bệnh, quản lý, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm còn ít đề tài, D.A. Số D.A sản xuất thử nghiệm, D.A hợp tác quốc tế còn ít. Tính đến nay, số nhiệm vụ hợp tác quốc tế mới hoàn thành 6 nhiệm vụ so với mục tiêu 80 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản phải thực hiện.

Trần Quý/ Theo Thanhtra.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo