Theo dự đoán, giá tôm vào cuối quý 2, đầu quý 3 sẽ tăng, nhưng đến nay giá tôm vẫn ở mức thấp, khiến người nuôi lo lắng...
|
Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công chưa chắc đã có lời |
Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, giá tôm nguyên liệu hiện nay đang giữ mức thấp, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 88.000đ/kg, loại 70 con giá 100.000đ/kg. So với cách đây vài tháng giá tăng không đáng kể.
Ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết, mấy tháng trước do nắng hạn kéo dài, yếu tố môi trường có nhiều biến động xấu nên người nuôi thất bại nhiều, họ không dám mạo hiểm đầu tư tiếp.
Đến nay đã vào mùa mưa, đây là thời điểm thuận lợi để nuôi tôm, nhưng người nuôi cũng chẳng mấy mặn mà do giá tôm quá bèo, nuôi giỏi cũng chỉ từ hòa vốn đến lời không đáng kể.
Đã có thâm niên nuôi tôm công nghiệp nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Lam (ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước) than phiền, hiện nay nuôi tôm thẻ chân trắng đến mức đạt trọng lượng 100 con/kg thu hoạch vẫn chưa đủ vốn, muốn có lời chút đỉnh ít nhất cũng phải nuôi cầm cự thêm đến mức 70 con/kg.
Gia đình anh Lam vừa thu hoạch một ao tôm thẻ chân trắng 1.700 m2, nuôi hơn 5 tháng, đạt kích cỡ 35 con/kg, anh bán chỉ được giá 150.000đ/kg, so với cùng kỳ năm trước giảm 45.000đ/kg. Vụ này anh lời không đáng kể, riêng tiền chênh lệch giá so với năm trước anh mất khoảng 150 triệu đồng.
Theo tính toán của anh, khi tôm đạt kích cỡ khoảng 50 con/kg, mỗi ngày tốn khoảng 77 kg thức ăn cho ao nuôi, giá thức ăn hơn 30.000đ/kg. Tính ra mỗi ngày mất 2,5 triệu đồng, trong thời gian khoảng 2 tháng, không phải ai cũng có điều kiện đầu tư nuôi tôm đạt tới đích 50 con/kg để có lãi.
Ông Trần Thanh Thoa ở xã Long Điền, huyện Đông Hải cho biết: Ông vừa thu hoạch ao tôm đạt kích cỡ 90 con/kg, bán với giá 88.000đ/kg. Tổng cộng hơn 3 tấn tôm, tính chi li sau khi trừ tiền cải tạo, thuốc, thức ăn vẫn bị thua lỗ.
“Giá tôm lên xuống là chuyện thường ngày, nhưng chưa bao giờ giá thấp thê thảm và kéo dài như hiện nay. Chúng tôi vô cùng lo lắng, hiện giá thức ăn, phân, thuốc, điện đóm lại tăng giá. Các loại thuốc cần thiết trong nuôi tôm thẻ công nghiệp đều tăng từ 9-10%”, ông Thoa trần tình.
Hiện nhiều hộ nuôi đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, tôm đến kỳ thu hoạch, không muốn thu nhưng để lại nuôi thì không có vốn đầu tư tiếp.
Còn thu hoạch rồi lại đắn đo, giá quá thấp, nuôi thành công chưa hẳn đã có lời, còn ngồi chờ cũng bối rối vì không biết thời gian tới giá tôm có tăng không.
Trước thực trạng trên, rất nhiều hộ dân vẫn quyết định không tái đầu tư nuôi tôm sau khi thu hoạch. Hiện diện tích nuôi tôm của Cà Mau chỉ đạt khoảng 3.680 ha/9000 ha.
Còn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh cũng không mấy khả quan khi diện tích thả nuôi cũng chỉ đạt khoảng 65% trên tổng số gần 9.700 ha.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu không tăng vẫn là XK tôm hiện đang gặp khó khăn về giá cả, tỷ giá, thị trường…
Sản lượng tôm nuôi ở một số nước trong khu vực như Ấn Ðộ, Thái Lan... đã phục hồi, nguồn cung cho thị trường tăng cao. Ðặc biệt, việc một số nước NK tôm của Việt Nam đã đưa ra các rào cản kỹ thuật cũng là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến XK.
Theo Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP), sản lượng thủy sản chế biến lũy kế trên địa bàn chỉ đạt 45.616 tấn, chỉ bằng 83% cùng kỳ, đạt 40% kế hoạch.
Trong đó, lượng tôm đông lạnh đạt 35.786 tấn, bằng 81,3% cùng kỳ, đạt 35,1% kế hoạch. Công suất chế biến bình quân chỉ ở mức 31.4%. Ước kim ngạch XK mới đạt 387.707 triệu USD, bằng 66,7% so với cùng kỳ, đạt 35,7% kế hoạch.
Theo dự báo, nhu cầu thị trường tiêu thụ tôm vẫn chậm trong thời gian tới, tuy nhiên giá tôm thời gian tới có thể sẽ tăng. Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký CASEP nhận định, mức tăng giá tôm sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi sản lượng tôm của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trước thông tin các DN đang ồ ạt NK tôm nguyên liệu, gây áp lực cho nguồn cung ở địa phương, dẫn đến giá giảm, ông Lý Văn Thuận khẳng định: Không hề có chuyện này!