“Nốt trầm” của ngành nông nghiệp
10:31 - 07/07/2015

Để đạt được mức tăng trưởng 3,4% và giá trị gia tăng xấp xỉ 3% như mong đợi của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho biết, sẽ tập trung phát triển sản xuất, nâng cao sản lượng của những mặt hàng có thị trường tiêu thụ tốt.

6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm.

Bức tranh kém sáng

Sau một năm gặt hái nhiều thành công, 6 tháng đầu năm 2015 như “nốt trầm” của ngành nông nghiệp khi ngay từ những tháng đầu năm liên tiếp đón nhận những thông tin kém vui: nhiều nông sản chủ lực gặp khó trong xuất khẩu, kim ngạch giảm đáng kể đối với gạo, thủy sản, càphê,… Những mặt hàng mang tính thời vụ như thanh long, dưa hấu, hành tím,… cũng lao đao khi thị trường tiêu thụ gặp khó, nông dân méo mặt vì thua lỗ, việc tiêu thụ dựa vào việc đánh thức lòng trắc ẩn của nhiều người, thông qua những chuyến xe tình nghĩa được các tổ chức, cá nhân đứng ra thực hiện.
 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 đạt 2,36%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 (2,9%), giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 489.000 tỷ đồng.
 

Khó khăn về thị trường tiêu thụ, biến động tỷ giá đã khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản không như kỳ vọng. Đến nay, vẫn còn 5/12 mặt hàng có giá và kim ngạch xuất khẩu giảm, đó là chè, cao su, gạo, càphê, thủy sản,… Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014 (riêng quý I/2015 giảm tới 13,2%).
 

Điều dễ nhận thấy là, dù thời gian qua, ngành chức năng, các doanh nghiệp luôn tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường (một số loại trái cây như vải, nhãn, xoài đã thâm nhập được vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Australia,..) nhưng phần lớn các sản phẩm nông sản của ta vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (85% lượng sắn lát xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này, tỷ lệ này với gạo là 35%, cao su 40%). Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá, đây là thị trường lớn, có thị hiếu gần với Việt Nam nên cần phải phát huy lợi thế đó. Để hạn chế rủi ro, thời gian qua, ngành chức năng của ta cũng đã làm việc với nước bạn để từng bước tháo gỡ khó khăn. 
 

Cũng chưa bao giờ tình hình hạn hán lại xảy ra nghiêm trọng đến thế ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. “Năm nay hạn hán khốc liệt, riêng Ninh Thuận và Khánh Hòa khốc liệt nhất trong vòng 40 năm. Hiện tại, các hồ chứa ở Ninh Thuận cơ bản hết nước, dung tích đều dưới 10%; ở Khánh Hòa dung tích các hồ chứa còn khoảng 17%. Vụ hè thu, dự kiến Ninh Thuận có tới 10.229ha không thể sản xuất, tại Khánh Hòa là 10.400ha”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến trồng trọt là ngành có tốc độ tăng thấp nhất 1,08%, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014. Đây lại là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất (50,7%) nên không khó hiểu khi tốc độ tăng trưởng của toàn ngành lại bị kéo xuống thấp như vậy.
 

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự sụt giảm này là biểu hiện rõ nhất của những hạn chế, yếu kém của nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt sẽ khó có thể chống đỡ. Sự hình thành và phát triển của phương thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp còn chậm; chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản thấp.

Một tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng ngành nông nghiệp là sự gia tăng tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp và chăn nuôi. Trong ảnh: Tập đoàn TH đã đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa.

Ngành chăn nuôi “hút” DN

Một tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng ngành nông nghiệp là sự gia tăng tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp và chăn nuôi. Đặc biệt, trong ngành chăn nuôi ghi nhận sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, bước đầu tạo chuyển biến trong quá trình tái cơ cấu. Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay: “Thời gian qua, nhiều DN đã đăng ký đầu tư vào ngành chăn nuôi với số vốn cam kết lớn, có DN cam kết đầu tư 1 tỷ USD từ nay đến năm 2020”.
 

Theo ông Vân, hiện các DN lớn đang tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Điều này thể hiện xu hướng phát triển tích cực của ngành.  Ngoài ra, nhờ dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, không có dịch lớn xảy ra, giá thức ăn chăn nuôi và giá đầu ra các sản phẩm chăn nuôi khá ổn định, bảo đảm lợi nhuận nên chăn nuôi phát triển tốt.
 

“Vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng như 6 tháng vừa qua nhưng phải nỗ lực gia tăng thêm 10.000 tỷ đồng. Giá trị gia tăng sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm nay khoảng 12.000 tỷ đồng. Những tháng cuối năm, ngành phải làm ra thêm 22.000 tỷ đồng mới đạt tăng trưởng với giá trị tổng sản lượng là 3,4% và giá trị gia tăng xấp xỉ 3% như mong đợi của Chính phủ”,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo.

Trong khi đó, ngành lâm nghiệp cũng đạt được con số tăng trưởng vô cùng ấn tượng, lên tới 8,3%, mức tăng trưởng tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho hay: “Thời tiết khá thuận lợi cộng với công tác chuẩn bị giống, hiện trường thực hiện tốt, nên kết quả trồng rừng đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến tháng 6, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 85.000ha, tăng 19%; diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 360.000ha, tăng 16,2%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 604.700ha, rừng được giao khoán bảo vệ đạt 4.805,2 nghìn hecta, tương đương với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 3.470 nghìn mét khối, tăng 11,7%”.
 

Lĩnh vực thủy sản là sự đối lập giữa đánh bắt và nuôi trồng. Thời tiết và ngư trường thuận lợi, cộng với giá hải sản nguyên liệu tương đối ổn định đã kích thích ngư dân tăng cường vươn khơi. Sản lượng 6 tháng ước đạt 1,496 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó hoạt động nuôi trồng, do phải đối mặt với tình hình thời tiết nắng nóng bất thường và những khó khăn, cản trở về thị trường tiêu thụ nên sản lượng nuôi các mặt hàng chủ lực (tôm, cá tra) giảm so với cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm đạt 236.000 tấn, giảm 2,5%.
 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: “Hiện nay, thời tiết ở vùng nuôi đã thuận hơn, thúc đẩy nông dân nuôi tôm chân trắng, tôm sú trong những tháng cuối năm. Đặc biệt với mô hình lúa-tôm, diện tích lên đến 200.000ha, chúng ta hoàn toàn có thể nâng năng suất tôm sú lên, từ đó tạo đà tăng trưởng cho ngành”.    
 

Cải cách thủ tục hành chính, thu hút DN đầu tư

Đó là một trong những giải pháp quan trọng Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra trong thời gian tới để kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, từ đó đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành.

Bộ trưởng cho biết thêm, bộ sẽ yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị của các sản phẩm nông sản chủ lực; rà soát, đơn giản hóa, thậm chí cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; áp dụng công nghệ thông tin thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giảm tối đa công sức, thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp. “Muốn đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, không còn cách nào khác phải có sự tham gia của DN, đây cũng là điểm then chốt của chương trình tái cơ cấu ngành. Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, đích thân Thủ tướng yêu cầu tôi phải chỉ đạo ngành chức năng xây dựng hệ thống chính sách mạnh hơn với nhiều ưu đãi hơn để thu hút ngày càng nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp”, ông Phát nói.
 

Được biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp tích cực rà soát các thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN và người dân, các loại phí, lệ phí không phù hợp để điều chỉnh, loại bỏ hoặc đề nghị loại bỏ. Thời gian kiểm dịch thực vật cũng đã được rút ngắn từ 24 giờ trước đây xuống còn 10 giờ; 31 loại phí và 14 lệ phí được Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Bộ Tài chính gỡ bỏ.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng rất đồng tình với chủ trương này, hiện đang tổng hợp ý kiến để cân nhắc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ hoàn toàn Thông tư số 04/2012/TT-BTC của bộ này quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y.
 

Về những giải pháp trước mắt để đạt được mục tiêu tăng trưởng của ngành, Bộ trưởng Phát cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2015 sẽ đẩy mạnh tăng trưởng về sản lượng đối với những mặt hàng đang có thị trường tốt, cố gắng hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường; đối với những rào cản kỹ thuật, những thủ tục hành chính còn gây khó khăn cho quá trình xuất khẩu sẽ trao đổi, làm việc với từng thị trường để tháo gỡ.

Đối với những vùng bị hạn hán nặng, không thể sản xuất được (diện tích lên đến trên 50.000ha), bộ chỉ đạo các địa phương khuyến khích, vận động nông dân chuyển sang các cây trồng cạn, có khả năng chịu hạn tốt như ngô, lạc, đậu đỗ (trung bình 1ha lúa cần đến 10.000m3 nước mới đảm bảo quá trình phát triển trong khi cây ngô chỉ cần 2.000 - 3.000m3); đồng thời áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm.
 

Nội tại ngành nông nghiệp đang bộc lộ những điểm yếu của một quy mô manh mún, nhỏ lẻ, vì vậy, bên  cạnh việc nâng cao sản lượng, câu chuyện chất lượng cũng cần được tính đến và thực hiện một cách bài bản. Cũng nên đặt sự phát triển của ngành nông nghiệp trong tương quan chung với những lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, giao thông để từ đó hỗ trợ nhau phát triển, bởi thực tế hiện nay, ngành nông nghiệp đang tự bơi một cách vất vả, trong khi các ngành khác không coi nông nghiệp là mảnh đất màu mỡ, vẫn nghĩ đó là nơi tồn tại nhiều khó khăn và rủi ro.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng toàn ngành nông nghiệp ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,05 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ 2014.

 


Anh Thơ/ Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo