Yên Bái: Nắng nóng kéo dài gây thiệt hại nặng cho người trồng chè
10:34 - 03/07/2015
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng nắng nóng gay gắt kéo dài đã gây thiệt hại nặng cho người trồng chè ở địa phương.

Những người trồng chè đang tích cực tưới tiêu cả ngày lẫn đêm để cứu lấy số diện tích chè còn lại

Tại huyện Văn Chấn, nắng nóng kéo dài đã làm hàng nghìn hec ta chè bị cháy búp, cháy lá. Trên khắp các đồi chè từ trung tâm huyện Văn Chấn đến xã Nậm Búng, từ thị trấn Nông trường chè Nghĩa Lộ qua thị trấn Nông trường chè Liên Sơn đến xã Nậm Búng nơi nào cũng thấy chè bị táp lá, cháy búp, có chỗ cháy hàng loạt. Nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng nguyên liệu của thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ và thị trấn Nông trường Liên Sơn.

 

Anh Lưu Quốc Khánh, tổ 5A, thị trấn Nông trường chè Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn cho biết, gia đình trồng hơn 6 ha chè lai LVT2. Năm 2014 gia đình anh đã thu hái được hơn 8 tấn chè búp tươi. Đầu năm 2015 mặc dù chưa đến mùa nắng nóng nhưng gia đình anh cũng chỉ thu được hơn 4 tấn. Sau lứa chè này, trời nắng nóng liên tục, kéo dài, nên toàn bộ diện tích chè của nhà anh Khánh bị cháy búp, cháy lá, một số chè đã chết khô cục bộ. Anh Khánh cho biết thêm, bình thường một năm người trồng chè có thể thu hoạch 5 đến 6 lứa, nhưng năm nay, do nắng nóng kéo dài nên toàn bộ diện tích chè đã bị mất trắng, mặc dù lứa chè này là lứa thu hái chính....

Còn hộ gia đình chị Đặng Thị Nhi, tổ 5, thị trấn Nông trường chè Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn chia sẻ, gia đình có 4,5 ha chè được trồng nhiều năm nay, mỗi năm cho thu từ 4 đến 5 lứa, mỗi lứa đạt khoảng 2,5 tấn. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng kéo dài nên toàn bộ diện tích chè của gia đình chị có nguy cơ mất trắng. Nếu một vài hôm nữa mà không có mưa, thời tiết cứ tiếp tục kéo dài như thế này, nguy cơ chè sẽ cháy hàng loạt, lúc đó việc khôi phục lại cây chè cũng rất khó khăn, thậm chí mất cả 3 đến 4 tháng mới có thể khôi phục được.

Thị trấn Nông trường chè Nghĩa Lộ có hơn 530 ha chè, bình thường vào tháng 3 là thu hái chè xuân, khoảng một tháng sau chè sẽ cho ra lứa búp thứ 2. Tuy nhiên năm nay, trời ít mưa nên đợt búp thứ 2 vào tháng 4 không phát triển được. Đặc biệt, nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay khiến cho toàn bộ diện tích chè búp bị mù, cháy hàng loạt. Chè cháy khiến người lao động của nông trường lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí trước mắt không có thu nhập, nguy hại hơn việc nắng nóng gay gắt gây ra hiện tượng cháy lá chè sẽ làm cho cây chè khó tạo được khấc cành thứ nhất, khấc cành đặc biệt để tạo ra được búp nhiều, búp tốt cho cả mùa vụ.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết, chè bị cháy búp xảy ra ở nhiều nơi của huyện Văn Chấn nhưng bị thiệt hại nhiều nhất là khu vực các xã Đồng Khê, Sơn Thịnh và Nông trường thị trấn Nghĩa Lộ… trong khi đó nông dân lại không có cách nào cứu chè. Các nương chè đều xa nguồn nước nên việc vận chuyển nước lên tưới là không thể. Bà con bất lực nhìn chè bị cháy và chấp nhận thất thu. Để giảm thiểu thiệt hại cho người trồng chè, những năm gần đây huyện Văn Chấn đã khuyến cáo người dân nên trồng cây muồng vào nương chè để tạo bóng mát đồng thời cung cấp thêm nguồn phân hữu cơ cho chè từ lá của cây muồng rụng xuống. Tuy nhiên, diện tích đồi chè có cây che bóng mát chưa nhiều, vì vậy huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến cáo cho người dân chú trọng việc trồng cây muồng che bóng cho chè.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ lo chia sẻ, đợt nắng nóng vừa rồi đã làm thiệt hại khoảng 30% diện tích chè, làm ảnh hưởng tới việc cung cấp nguyên liệu, không những về sản lượng mà cả chất lượng. Trong tình hình đó, công ty áp dụng nhiều biện pháp như khuyến khích bà con thu hái hợp lý; khi hết nắng nóng phải đẩy mạnh việc chăm sóc, bón thúc để chè nhanh chóng phục hồi, nếu không, các nhà máy chè lại rơi vào cảnh "cháy" nguyên liệu và tình trạng tranh mua, tranh bán lại diễn ra như các năm trước.

Vì cây chè cần rất ít nước để phát triển nên trước đây, khi quy hoạch có rất ít các đồi chè ở huyện Văn Chấn và các địa phương khác của tỉnh Yên Bái được trồng gần nguồn nước, thêm vào đó là hệ thống tưới tiêu cũng không mấy nơi có. Để hạn chế những thiệt hại tương tự, trong thời gian tới, địa phương cần đầu tư xây dựng các hệ thống tưới tiêu cho các vùng chè vì thời tiết ngày càng phức tạp. Tuy cây chè ưa nắng, cần ít nước nhưng không thể chỉ dựa vào thời tiết tự nhiên. Các địa phương ở Yên Bái cũng cần phải đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo giống chè bằng các giống chè mới có khả năng chịu nắng, chịu hạn, chịu sâu bệnh cao, thay cho giống chè trung du vốn chiếm gần một nửa diện tích chè toàn tỉnh nhưng đã thoái hóa sau gần nửa thế kỷ có mặt trên đất đồi Yên Bái./.

Nguồn: TTXVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo