Sắp có cây biến đổi gen “made in Việt Nam”
09:31 - 03/07/2015
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghệ sinh học (CNSH) đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả gì? Phóng viên NTNN đã phỏng vấn TS Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT về vấn đề này.

Một giống ngô biến đổi gen đã được Bộ NNPTNT công nhận đang được trồng khảo nghiệm ở thị trấn Thanh Sơn (Phú Thọ)

 

Theo ông Doanh, Chương trình CNSH đã chuẩn bị bước sang năm thứ 10 và trong vòng 10 năm qua, chúng ta đã nâng cao được cách tiếp cận, trình độ về CNSH của các cơ quan nghiên cứu kể cả công lập và ngoài công lập. Hiện các viện nghiên cứu, trường đại học và một số doanh nghiệp đã tiếp cận được với các trình độ CNSH và đã có kết quả bước đầu, nhiều cây trồng mới đã được tạo ra bằng CNSH như các giống lúa, đậu đỗ, giống rau bằng phương pháp chỉ thị phân tử.

Chúng ta cũng đã bắt đầu thực hiện các đề tài chuyển gen để tạo ra các giống biến đổi gen cho cây ngô, cây bông và cây đậu tương. Đặc biệt, với cây ngô ở Viện Nghiên cứu ngô đang nghiên cứu và đã có kết quả bước đầu, HY vọng thời gian tới sẽ có giống ngô biến đổi gen do Việt Nam mình nghiên cứu và tạo ra, thời điểm này các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu.

Đối với cây ngô biến đổi gen, Bộ NNPTNT đã công nhận một số sự kiện chuyển gen cho các công ty nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về khả năng ứng dụng cây trồng này vào sản xuất tại Việt Nam?

- Cây trồng biến đổi gen đã được sử dụng rộng rãi tại rất nhiều nước trên thế giới, như khu vực Đông Nam Á, Philippines là nước đầu tiên cho phép trồng, sau đó tới Việt Nam và hiện Myanmar cũng đang bắt đầu cho phép. Còn tại châu Á, 2 nước có dân số đông nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã cho phép trồng, đặc biệt là các nước ở vùng Nam Mỹ cũng đã cho phép trồng từ lâu. Ở nước ta, Bộ NNPTNT đã công nhận một số sự kiện biến đổi gen và đang được trồng thử nghiệm rộng rãi ở các địa phương. Kết quả cho thấy, cây ngô biến đổi gen phát triển rất tốt và chúng tôi hy vọng với việc đưa giống ngô này vào sẽ góp phần nâng cao năng suất, giảm giá thành, chi phí trong sản xuất, đặc biệt đối với những vùng thường xuyên bị sâu bệnh đặc thù hoặc những nơi có rất nhiều cỏ dại hay hạn hán… 

Thực tế cho thấy, điều mà dư luận và người dân quan tâm hiện nay đối với cây trồng biến đổi gen không phải là tính an toàn, mà là sự lo ngại vệ giá cả và lệ thuộc. Theo ông, điều này có thực sự đáng lo?

- Tôi cho rằng, cây trồng biến đổi gen có phát triển được hay không tất cả phụ thuộc vào hiệu quả kinh tế. Nếu như các công ty đưa ra giá thành rất cao, nhưng hiệu quả không đáp ứng được cho người dân, thì họ sẽ có sự lựa chọn khác. Tất nhiên, về lâu dài chúng ta đang cố gắng tạo ra những giống cây trồng biến đổi gen “made in Việt Nam” do người Việt Nam nghiên cứu, tạo ra để từ đó chúng ta sẽ góp phần phát triển bền vững hơn, giảm giá thành cũng như sự lệ thuộc nếu có.

Công nghệ sinh học là một lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam, trong giai đoạn đầu tiên chủ yếu chúng ta mới nắm bắt là chính. Vậy theo ông, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn phát triển ra sao về lĩnh vực này?

- Thực tế, trong 10 năm qua chúng ta đã tạo ra được nền móng cơ bản để cho xã hội quan tâm đến, hiểu về CNSH, nhất là chúng ta cũng có một đội ngũ khoa học được đào tại bài bản và tôi cho rằng, trong giai đoạn tới chúng ta sẽ phải tăng tốc. Khi chúng ta có nền móng rồi, việc tăng tốc sẽ dễ dàng hơn, đặc biệt chúng ta phải có định hướng sản phẩm và sẽ tập trung vào một số sản phẩm có lợi thế mà Việt Nam đang cần, nhất là với những sản phẩm có khả năng ứng dụng CNSH thì phải đẩy nhanh hơn, tôi tin chắc rằng thời gian tới chúng ta sẽ làm được.

Xin cảm ơn ông!


Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo