Gạo sạch Quế Lâm: Hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ
07:14 - 23/06/2015
Ngày nay, khi đời sống dân sinh được nâng cao thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng càng được chú trọng hơn. Vì  thế, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, tuyệt đối an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, hạn chế bệnh tật là rất quan trọng. Gạo hữu cơ Quế Lâm thực sự là sản phẩm “sạch” được các bà nội trợ tin dùng trong mọi bữa ăn của gia đình.
Nông dân Cẩm Vịnh với niềm vui được mùa

Thời điểm này, người dân thôn Phúc Một, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), đã thu hoạch xong vụ lúa xuân. Cánh đồng lúa của bà con được Tập đoàn Quế Lâm đưa vào gieo cấy giống lúa DT39  từ vụ xuân 2015 với diện tích 5ha do tổ hợp tác lúa chất lượng cao làm chủ, với sự tham gia của 31 hộ. Nhờ những hiệu quả thiết thực đó nên mô hình gạo sạch Quế Lâm đang được đông đảo bà con nông dân tích cực tham gia.

Tổ trưởng tổ hợp tác - ông Biện Trung Văn cho biết, trên địa bàn xã, ngoài những nông dân tham gia mô hình còn có một số hộ tự mua giống từ Tập đoàn Quế Lâm về gieo cấy theo đúng tiêu chuẩn tập đoàn đề ra. Dự kiến vụ tiếp theo xã sẽ mở rộng quy mô sản xuất thêm 10 - 15ha  lúa DT39 trên địa bàn.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân trồng lúa, Tập đoàn Quế Lâm cung ứng giống và phân bón cho người dân với sự hỗ ­trợ 50% kinh phí từ xã, đồng thời cam kết thu mua trọn gói với giá 7.500 đồng/kg, cao hơn so với giá lúa thường 1.500 đồng/kg, đảm bảo năng suất đặt ra, nếu không đạt, tập đoàn sẽ bồi thường cho nông dân, đồng thời tạo điều kiện cho bà con từ khâu đóng gói bao bì và đưa ra thị trường. Để bảo đảm chất lượng, mẫu mã, Tập đoàn Quế Lâm đã mở một phân xưởng chế biến gạo xay xát, đóng bao tại thôn Đông Hạ nhằm giúp nông dân thấy được thành quả từ sản phẩm hữu cơ do họ tự sản xuất ra.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho hay, thực hiện trồng lúa theo mô hình của Tập đoàn Quế Lâm, nông dân trong xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình mà Tập đoàn đề ra. Trong quá trình gieo cấy, tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón hóa học, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học và phân vi sinh. Bởi sử dụng chế phẩm sinh học và phân vi sinh sẽ tạo điều kiện tốt cho người sản xuất. Phân hữu cơ vi sinh tồn tại lâu dài, nuôi dưỡng, giúp đất tơi xốp, hạn chế tình trạng bạc màu như các sản phẩm hóa học, không gây sâu bệnh trên cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn có tác dụng cải tạo hệ sinh thái đồng ruộng, tạo điều kiện tốt cho các loại cua đồng, tôm,  cá phát triển, khôi phục  chuỗi thức ăn hệ thực vật, tạo nên cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, cán bộ kỹ thuật thấy người dân vẫn sử dụng sản phẩm hóa học thì Tập đoàn sẽ không thu mua như đã cam kết.

Ông Dương Trung Sơn, cán bộ nông nghiệp xã Cẩm Vịnh cho biết, trong quá trình trồng lúa, xã  gặp phải một số vướng mắc do nguồn nước tưới tiêu ở đây chủ yếu được cung ứng từ hồ Kẻ Gỗ, nước tự chảy nên chế độ tưới  không được chủ động, phần nào ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa; người dân chưa thực sự hiểu rõ về mô hình nên còn tùy tiện trong việc phun thuốc vi sinh với thói quen phun tắt nên cây lúa không hấp thụ hết. Trước tình hình đó, xã đã có kiến nghị mua một máy phun thuốc công suất lớn để có thể phun tập trung từ 3 - 4ha/ngày, đồng thời bê-tông hóa bờ vùng, bờ thửa với chiều dài từ 50 - 100m, rộng 1,5m, đầu tư hệ thống mương nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát nước.

Mô hình trồng lúa thật sự mang lại nhiều lợi ích cho nông dân xã Cẩm Vịnh, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân xóa bỏ tập tục canh tác cũ, tạo ra sản phẩm lúa sạch, chất lượng, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Được biết, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên nói riêng, các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh nói chung, đang hướng tới sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ sinh học, chắc chắn gạo hữu cơ Quế Lâm sẽ là cú đột phá trên đồng ruộng Hà Tĩnh, góp phần tăng tính cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời tăng thu nhập cho người  trồng lúa.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo