Giá đinh lăng cao, vì sao?
15:25 - 03/07/2015
Cây đinh lăng thường được trồng làm cảnh, lấy lá ăn sống hoặc dùng trong Đông y, giá trị kinh tế không cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều thương lái đi mua gom cây đinh lăng với giá cao khiến loại cây này trở nên khan hiếm.
Vườn sản xuất cây giống đinh lăngcủa gia đình anh Trần Đức Tài, thôn Đồng Quang, xã Đào Mỹ (Lạng Giang-Bắc Giang).

Mua gom từng cây

Gia đình ông Trương Văn Hiên ở thôn Phương Lạn, xã Phương Sơn (Lục Nam - Bắc Giang) vừa bán 3 tạ cây, rễ đinh lăng, thu về hơn 10 triệu đồng. Ông cho biết: “Khoảng một tháng trước, có hai người đi xe máy ngày nào cũng vào đây hỏi mua đinh lăng. Tôi không bán nhưng những ngày sau họ lại vào nài nỉ nhiều quá, lại trả với mức giá 55.000 đồng/kg thân, cành; 150.000 - 200.000 đồng/kg rễ, tùy độ to nhỏ nên tôi quyết định bán, chỉ để lại một ít cho nhà dùng”.
 

Đang bế cháu đứng chơi gần đó, bà Nguyễn Thị Lan cũng góp chuyện: “Mấy tháng trước nhà tôi cũng bán một cây đinh lăng tuổi đời khoảng 12 năm, riêng bộ rễ được họ trả 5 triệu đồng. Nhận thấy cây này được giá, lại đắt hàng nên tôi vừa trồng mấy chục cành trong vườn”.
 

Được biết, nhiều người dân trong làng tận dụng những khoảng trống trong vườn, bờ ao, ngoài ngõ… để trồng loại cây này, ban đầu để lấy lá làm rau sống, sau thu hoạch thì ngâm rượu hoặc phơi khô uống nước cho mát. Sau thấy nhiều thương lái đến từng nhà tìm mua gom, giá lại cao nên mọi người đua nhau bán và ồ ạt trồng.
 

Anh Nguyễn Văn Chiểu ở thôn Gai Bún, xã Đào Mỹ (Lạng Giang - Bắc Giang), người có nhiều năm kinh nghiệm thu mua loại cây này, cho biết: “Trước kia, đinh lăng dễ mua và giá rẻ hơn bây giờ nhiều, chỉ 3.000-7.000 đồng/kg. Lúc đó, mỗi ngày tôi mua tới vài tạ. Hiện nay, đi từng nhà nhặt từng cây một mà rất khó, giá mua lại cao, có hôm chỉ mua được 10kg. Tôi phải đi sang cả những tỉnh khác để mua loại cây này”.
 

Được biết, nhiều người dân trong thôn Phương Lạn đang bắt đầu đưa đinh lăng vào sản xuất như gia đình các anh chị Trần Văn Thảo, Lê Văn Bình, Nguyễn Thị Mỹ vừa qua bán được 30-45 triệu đồng đinh lăng. Nhà nào cũng tận dụng trồng đinh lăng ở những nơi đất trống, có nhiều nhà trồng xuống ruộng nhưng cây không phát triển được do đất trũng.
 

Nắm bắt được nhu cầu trên, một số hộ đã nhạy bén làm nghề ươm giống cây này để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất của người dân. Ví như gia đình anh Nguyễn Doãn Thu (thôn Gai Bún, xã Đào Mỹ), 3 năm nay chuyên làm nghề ươm cây đinh lăng giống. Mỗi năm anh cung cấp cho thị trường từ 1-2 vạn cây với giá 3.000 đồng/cây.
 

Phục vụ cho ngành dược

Qua tìm hiểu tại cơ sở thu mua và chế biến sản phẩm cây đinh lăng, chúng tôi được biết, đây là sản phẩm phục vụ chủ yếu cho ngành dược và chế biến thực phẩm chức năng nên được nhiều công ty dược đặt mua. Tại điểm thu mua nhà chị Trần Thị Quyên (thôn Đồng Quang, xã Đào Mỹ) ngày nào cũng có vài chục chiếc xe máy, ô tô chở đầy đinh lăng đến cổng. Chị Quyên cho biết: “Mỗi ngày cơ sở của gia đình tôi thu mua khoảng 2 tấn đinh lăng tươi, phần lớn từ các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hải Dương. Số sản phẩm này sẽ được phân ra thành từng loại khác nhau như: thân, rễ; sau đó mang sấy khô và đóng túi. Toàn bộ sản phẩm này được Công ty Traphaco chi nhánh Bình Lục (Hà Nam), Văn Lâm (Hưng Yên) và Công ty CP Dược phẩm OPC Bắc Giang ký hợp đồng thu mua. Trung bình mỗi năm chúng tôi bán khoảng 100 tấn đinh lăng khô (gồm cả rễ và cành)”.
 

Cùng thôn, gia đình anh Trần Đức Tài  cũng là một điểm cân đinh lăng để bán cho hai công ty dược như nhà chị Quyên.

Hiện nay, để phục vụ cho chế biến thuốc và thực phẩm chức năng cũng như khơi dậy tiềm năng phát triển vùng trồng dược liệu có thu nhập cao tại các địa phương, một số mô hình thí điểm trồng đinh lăng ở Bắc Giang đã được đưa vào sản xuất như mô hình trồng đinh lăng với quy mô 5 sào tại hai xã Việt Ngọc, Ngọc Vân do Trung tâm Khoa học và Môi trường huyện Tân Yên triển khai; mô hình trồng 50ha đinh lăng tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động), mô hình trồng 5 sào đinh lăng tại xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) do Công ty cổ phần Nông nghiệp Đông Nam (Hà Nội) xây dựng và bao tiêu sản phẩm để xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực châu Á. 
 

Theo ông Hà Trọng Bảo (70 tuổi), thầy thuốc Đông y, ở thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị (Lục Nam - Bắc Giang), đinh lăng là loại cây dược liệu, rễ cây vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết. Lá có vị đắng, tính mát, giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ…Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng từ thân, cành, lá cho đến toàn bộ rễ và vỏ cây (trên 3 năm tuổi) đều được chế biến thành thuốc. Tuy nhiên, do ham lợi, nhiều người trồng đinh lăng Tàu để trà trộn bán với giá cao như đinh lăng ta. Trong khi đinh lăng Tàu là sản phẩm cấm không được sử dụng trong chế biến thuốc và thực phẩm chức năng.

“Tại thôn Bến Cát có 30 hộ dân trồng đinh lăng với tổng diện tích hơn 1ha; nhiều hộ đã được thu hoạch,  thu nhập từ 70-100 triệu đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2)”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng thôn Bến Cát, xã Đào Mỹ (Lạng Giang - Bắc Giang) cho biết.


Hoàng Phương/ Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo