Theo tính toán ban đầu thì cuối năm 2015, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội sẽ hoàn thành việc nâng cấp để đáp ứng việc chiếu xạ cho các lô nhãn muộn XK tại phía Bắc
|
Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra hệ thống bảo quản CAS tại Trung tâm Công nghệ CAS |
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, sẽ sớm bàn bạc với Bộ KH-CN nhanh chóng bổ sung vốn, sớm nâng cấp, đưa Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vào vận hành nhằm phục vụ nhu cầu XK nông sản tại phía Bắc.
Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành và các địa phương, tình hình tiêu thụ vụ vải thiều 2015 ở các tỉnh phía Bắc đến thời điểm này đã cơ bản thắng lợi. Ngay sau mùa vải kết thúc, vụ thu hoạch nhãn tại các tỉnh phía Bắc, trọng điểm là vùng nhãn Hưng Yên đang cận kề.
Nhằm tiếp tục khơi thông việc tiêu thụ vụ nhãn sắp tới, cũng như chuẩn bị cho nhu cầu XK nhiều sản phẩm hoa quả khác, hôm qua (5/7), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có cuộc làm việc với một số đơn vị của Bộ KH-CN tìm giải pháp đẩy nhanh hơn việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ chiếu xạ, bảo quản hoa quả phục vụ XK.
Từ cuối năm 2014, trước bối cảnh một số sản phẩm hoa quả tại phía Bắc như vải, nhãn đã được cho phép XK vào nhiều thị trường như Mỹ, Úc…, Bộ NN-PTNT đã giao Cục BVTV cùng một một số cơ quan liên quan phối hợp làm việc với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ KH-CN) sớm có phương án nâng cấp Trung tâm này đáp ứng yêu cầu chiếu xạ cho hoa quả XK.
Theo tính toán ban đầu thì cuối năm 2015, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội sẽ hoàn thành việc nâng cấp để đáp ứng việc chiếu xạ cho các lô nhãn muộn XK tại phía Bắc. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ phải lùi lại vào năm 2016 do tiến độ nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội có khả năng bị trễ so với dự kiến.
Làm việc với Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông Cao Đình Thanh, Phó viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: Trước đây, Trung tâm cũng đã từng thực hiện chiếu xạ một số loại nông sản như hành, tỏi, dược liệu khô… cho một số DN có nhu cầu tại phía Bắc.
Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mang tính nhỏ lẻ, chưa đi vào chuyên nghiệp. Ngay sau khi Bộ NN-PTNT có ý kiến, Bộ KH-CN cũng đã có phương án chỉ đạo bổ sung nguồn kinh phí khoảng 25 tỉ đồng NK thêm một số thiết bị nhằm nâng cấp dây chuyền chiếu xạ. Hiện tại, các thiết bị bổ sung NK từ Italia và Hàn Quốc đang được chuyển về Việt Nam.
Theo ông Thanh, với dây chuyền chiếu xạ cũ của Nga cộng với việc nâng cấp, hệ thống chiếu xạ hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ khi chiếu xạ cho vải, nhãn với công suất 40-50 tấn/ngày. Tuy nhiên, để hoàn thiện cơ sở vật chất đủ đáp ứng chiếu xạ cho hoa quả, sẽ phải xây dựng thêm một số hạng mục công trình phụ trợ như kho lạnh, kho kiểm dịch… với kinh phí khoảng 9-10 tỉ đồng nhưng hiện Trung tâm vẫn chưa được bổ sung kinh phí.
Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra hệ thống bảo quản CAS tại Trung tâm Công nghệ CAS
Do đó, nhiều khả năng phải sang tháng 3/2016, việc nâng cấp Trung tâm mới có thể hoàn thành để mời chuyên gia Mỹ tới kiểm tra, thẩm định và cấp phép hoạt động.
Trước khó khăn này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Việc nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội là vấn đề được người dân rất quan tâm mong đợi nhằm sớm đáp ứng yêu cầu XK hoa quả. Trước hết với vải và nhãn, chủ động được cơ sở chiếu xạ phía Bắc sẽ giảm được 2 USD/kg chi phí XK, thuận lợi cho DN và nâng cao giá cho nông dân. Đây còn là mục tiêu lâu dài để đưa nhiều loại nông sản khác ở miền Bắc tiến lên chuyên nghiệp phục vụ XK.
Vì vậy, Bộ NN-PTNT sẽ sớm làm việc với lãnh đạo Bộ KH-CN nhằm nhanh chóng bổ sung nguồn kinh phí để hoàn thiện nâng cấp Trung tâm trong thời gian sớm nhất. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết thêm: Cục đã làm việc với cơ quan KDTV Mỹ, cấp mã số vùng trồng cho một số vùng nhãn ở Hưng Yên và nhãn chín muộn của Hà Nội với quyết tâm đưa được nhãn ở phía Bắc XK trong vụ tới. Nếu tiến độ nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội không kịp, vụ nhãn tới vẫn sẽ phải chuyển vào 2 cơ sở chiếu xạ tại TP.HCM để chiếu xạ trước khi XK.
Cùng ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã làm việc với Trung tâm Công nghệ CAS (Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ KH-CN). Trung tâm Công nghệ CAS đã được Bộ KH-CN giao triển khai dự án nghiên cứu công nghệ bảo quản CAS do Nhật Bản chuyển giao. Công nghệ CAS (Hệ thống tế bào còn sống) có ưu điểm đột phá có thể bảo quản nhiều loại nông sản, thủy sản, thực phẩm trong vòng nhiều năm liền (với quả vải là khoảng 2-3 năm) nhưng vẫn đảm bảo 99% chất lượng như ban đầu.
Năm 2014, Trung tâm phối hợp với một số DN đã thực hiện bảo quản và XK thành công 10 tấn quả vải tươi sang Nhật Bản và hiện đang thực hiện bảo quản để XK sang Pháp và Nhật trong thời gian tới. Hiện tại, hệ thống thiết bị bảo quản tại Trung tâm chỉ có công suất thí nghiệm 1 tấn quả vải/ngày (mỗi mẻ xử lí lạnh bằng công nghệ CAS trong vòng 45 phút, sau đó đưa ra bảo quản kho lạnh thông thường ở nhiệt độ 10-15 độ C).
Trước tình hình thiếu kho lạnh bảo quản hoa quả sau xử lí bằng CAS, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sẽ sớm phối hợp với Bộ KH-CN bổ sung đầu tư kho lạnh cho Trung tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Trung tâm cần phối hợp, tìm kiếm nhiều hơn các DN vào cuộc để XK sản phẩm nhằm tăng công suất của hệ thống thiết bị.
|