Ngành lâm nghiệp tăng trưởng chưa vững chắc
08:57 - 06/07/2015
Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Một phụ nữ đang phơi những miếng gỗ ván bóc ra từ cây lâm nghiệp như keo, mỡ... tại xã Đại Lịch, Văn Chấn, Yên Bái.

Người trồng rừng “đói” vốn

Ông Lê Thiện Phương có 30 ha rừng keo ở tỉnh Yên Bái đã thu được 480 triệu đồng từ gỗ rừng trồng và 250 triệu từ chăn nuôi trong năm 2014 nhưng vẫn “đói vốn” nên phải bán rừng non.

“Hiện Nhà nước nên hỗ trợ nông dân trồng rừng bằng cách cho vay vốn với lãi suất thấp và thời gian dài hơn, hiện chỉ vay được 3-5 năm, trong khi trồng gỗ rừng ít nhất phải từ 5-8 năm và nếu kéo dài được 10 năm thì chất lượng giá thành cao gấp gần 2 lần. Tuy nhiên, do thiếu vốn mà bà con phải chặt gỗ sớm để bán nên giá trị rừng trồng thấp, vì thế thu nhập của người dân trồng rừng không cao và thiếu ổn định”- ông Phương nói. 

Đánh giá lại kết quả 2 năm triển khai đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, qua 2 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu lâm nghiệp giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt bình quân 6,57%/năm, so với 5,03% so với giai đoạn 2010-2012, vượt mục tiêu đề án đề ra. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành từ trước đến nay, ước cả năm đạt 9-10%. Công tác trồng rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai, bình quân hàng năm cả nước trồng được trên 200.000ha rừng tập trung, trong đó 90% là rừng sản xuất.

Dịch vụ môi trường thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, tạo nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, bình quân hàng năm thu được 1.200 tỷ đồng, góp phần chi trả cho 2,8-3,4 triệu ha rừng. Theo thống kê, cả nước hiện có 22/60 tỉnh có rừng đã có 57 mô hình cho thu nhập cao trên 100 triệu đồng/ha/năm. Bộ NNPTNT đã triển khai xây dựng một số mô hình như trồng rừng thâm canh gỗ lớn.

Thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém; lâm trường quốc doanh/công ty lâm nghiệp nhà nước đổi mới chậm…

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những yếu kém chủ quan như nhận thức về tái cơ cấu ngành, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi tư duy cũ vẫn ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực của ngành. Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của các tổ chức nhà nước hiệu quả chưa cao trong khi sự tham gia của doanh nghiệp, sự liên kết giữa các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế…

Xuất khẩu khó đạt 7 tỷ USD

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2015, ngành công nghiệp gỗ khó đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 7 tỷ USD như đã đề ra. Nguyên nhân là do đồng euro mất giá; giá đầu vào như điện, xăng dầu tăng; lãi suất ngân hang dự kiến tăng; thị trường trọng điểm rập rình không mua dăm gỗ Việt Nam…

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, chúng ta được đánh giá là một trong 21 nước kinh tế trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương có tốc độ phục hồi rừng nhanh về cả độ che phủ rừng và trữ lượng rừng, nhưng chúng ta cũng phải nhìn lại vấn đề để nâng cao giá trị kinh tế của rừng. “Hiện xuất khẩu của ngành mỗi năm đạt hơn 6 tỷ USD nhưng chủ yếu là xuất khẩu gỗ dăm nên giá trị xuất khẩu không cao. Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành xưởng sản xuất gỗ lớn của thế giới thì chúng ta phải bắt đầu tư công tác thị trường, nhất là trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng”- ông Phát nói. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để tạo ra giá trị gia tăng cao, cần có chính sách mạnh mẽ hơn cả về đất đai, tín dụng giúp người dân trước mắt là sống được từ nghề rừng ổn định, và tiến xa hơn là có thu nhập cao từ rừng để có như vậy thì ngành lâm nghiệp mới phát triển bền vững, đem lại màu xanh cho quốc gia…

Để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, thời gian tới, Bộ NNPTNT cho biết sẽ chủ trì, phố hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế, chính sách đất đai, tính dụng trong lâm nghiệp nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lâm sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm sau chế biến. Xây dựng kế hoạch tiếp cận thị trường cho xuất khẩu sản phẩm gỗ, trước mắt tập trung vào thị trường Nga và Hàn Quốc…


Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo