Chăn nuôi trước những cấp bách
10:47 - 13/07/2015
Làm thế nào để ngành chăn nuôi Việt Nam trụ vững ngay tại sân nhà, xa hơn là vươn ra XK trước bối cảnh nhiều hiệp định tự do hóa thương mại sắp được ký kết?
Nâng cao chất lượng giống sẽ là việc quan trọng nhất trong năm 2015

* Dốc sức cải thiện vấn đề giống

Câu hỏi cấp bách này đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đặt ra trong hội nghị đánh giá tình hình triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi diễn ra hôm 9/7.

Gian nan con giống

Với quan điểm phải chuyển từ chăn nuôi phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước sang cạnh tranh quốc tế với yêu cầu năng suất, chất lượng cao ngay tại thị trường nội địa, một trong những vấn đề được Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt ra, đó là làm sao hạ được giá thành sản phẩm.

TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi so sánh: So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, năng suất lợn của Việt Nam hiện chỉ bằng 2/3 Đan Mạch, năng suất gà chỉ bằng 70% so với Thái Lan còn năng suất gia súc lớn chỉ bằng ½ so với Úc...

Năng suất thấp, kéo theo giá thành cao khiến chăn nuôi sẽ khó lòng đọ sức được với các sản phẩm nước ngoài ngay tại Việt Nam khi các hàng rào thuế quan được bãi bỏ. Trong đó, vấn đề chất lượng con giống đang là yếu tố lớn khiến năng suất thấp.

Vì vậy theo ông Sơn, việc cải tạo hơn 4 triệu lợn nái trên cả nước có thể nhanh chóng tạo được đột phá cho vấn đề năng suất.

Ông Bùi Như Ý, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc lo lắng: Trong khi trồng trọt nhiều năm qua đã có hàng trăm giống mới rất tốt thì chăn nuôi gần như không có gì. Tại Vĩnh Phúc, nếu như không có Cty C.P cung cấp lợn bố mẹ thì người dân sẽ chẳng biết đi mua giống bố mẹ ở đâu.

“Ngay cả phải đi mua giống bố mẹ của Cty C.P cũng không có sẵn đâu, mà phải đặt trước” – ông Ý lo lắng.

Gợi ý về giải pháp có thể nhanh chóng cải thiện năng suất thông qua con giống, ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng, NK trực tiếp các nguồn giống bố mẹ chất lượng cao từ nước ngoài là một phương án tốt trong tình hình gấp rút hiện nay.

Theo ông Trung, thời gian qua nhiều cơ sở chăn nuôi lớn tại TP.HCM đã NK trực tiếp lợn giống từ Mỹ, Canada… giúp đàn lợn cải thiện năng suất rất tốt so với cả nước. Hiện TP.HCM có 100% là nái ngoại. Việc có được nguồn giống tốt, tỉ lệ nạc cao đã đẩy cao được trọng lượng lớn xuất chuồng vào loại cao nhất nước.

“Bình quân trọng lượng xuất chuồng cả nước hiện chỉ 73kg/con, nhưng TP.HCM trung bình tới 95-100kg, thậm chí trên 100kg. Vì sao họ để được lợn to vậy, bởi giống lợn của họ không bị tăng tỉ lệ mỡ lưng. Nếu là lợn giống lai hoặc giống nội thì không thể như vậy bởi tỉ lệ mỡ rất cao” – ông Trung cho biết.

Đồng tình với nhiều quan điểm cần gấp rút tạo đột phá về con giống trong thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trong nhóm giải pháp về KH-CN cho chăn nuôi, con giống sẽ là vấn đề hàng đầu phải dốc sức nâng cấp cải thiện ngay trong năm 2015.

“Thời gian rất gấp, chúng ta không thể chờ đợi vào việc tự nghiên cứu được giống tốt, đủ sức cạnh tranh mà nhất định phải đi tắt đón đầu, phải đưa được giống gà tốt nhất của Thái Lan, giống lợn tốt nhất của Đan Mạch về cho Việt Nam, giống cừu tốt nhất về cho nông dân Ninh Thuận…

Chúng ta không nhất thiết phải lãng phí thêm vào việc nuôi duy trì giống gốc làm gì, khi mà các nước đã tiến rất xa” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chưa với được chính sách

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, chính sách dành cho nông nghiệp nói chung, đặc biệt ưu đãi cho chăn nuôi nói riêng khá nhiều, tuy nhiên người chăn nuôi gần như chưa tiếp cận được gì bởi triển khai thiếu đồng bộ.

18-51-56_dscf1088
Chăn nuôi Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức

Bà Hoàng Thị Tố Nga, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định than thở: Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ có nhiều nội dung rất tích cực, tuy nhiên đến nay, ở địa phương vẫn “dậm chân tại chỗ” do chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính.

“Khi có quyết định này, chúng tôi đã đi phổ biến tuyên truyền cho người chăn nuôi trong tỉnh và họ rất phấn khởi, liên tục hỏi chúng tôi, nhưng Sở cũng chẳng biết trả lời thế nào” – bà Nga ngán ngẩm.

Ông Trang Quang Thành, GĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk thì bức xúc: Đối với một tỉnh miền núi như Đăk Lăk, việc Chính phủ ra Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó dành rất nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cho chăn nuôi là hết sức có ý nghĩa.

Thế nhưng đáng buồn là đến nay, phía Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên gần như không triển khai được gì… Trước nhiều ý kiến của địa phương về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sẽ sớm có công thư gửi Bộ Tài chính.

Cũng về vấn đề chính sách, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cho rằng, chính sách đất đai và vốn cho chăn nuôi là vấn đề không mới, nhưng mãi vẫn không giải quyết được. Theo ông Lịch, để đầu tư cho một cơ sở chăn nuôi bài bản, sẽ cần hàng chục tỉ đồng, nhưng đất chăn nuôi hiện nay lại không được thừa nhận.

“Người chăn nuôi đầu tư hàng chục tỉ đồng, trong khi đất đai không được cấp một loại giấy tờ mang tính giá trị pháp lí nào, cũng không có giá trị thế chấp ngân hàng, thử hỏi ai dám yên tâm đầu tư chăn nuôi đây” – ông Lịch băn khoăn.

Về vấn đề vốn, vị này cho rằng, “cái ách” lãi suất sẽ là thách thức cực lớn khi thời gian tới, DN chăn nuôi trong nước phải cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài khi các hiệp định tự do thương mại được ký kết.

Cụ thể, quy mô DN chăn nuôi Việt Nam hiện nay trung bình chỉ có 5 tỉ đồng, trong khi chỉ một NM cỡ nhỏ của Cty C.P thôi đã 100 triệu USD. Đã thế, DN chăn nuôi nội lại phải chịu lãi suất thương mại tới 10-11%, trong khi các tập đoàn chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam chỉ phải chịu lãi suất 2-4%. Vì vậy, cuộc cạnh tranh giữa DN chăn nuôi nội và ngoại sẽ càng như trứng chọi đá.

Các hiệp định như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN… đang rất gần, ngành chăn nuôi phải hành động ngay chứ không còn thời gian chuẩn bị nữa. 

Thịt gà Thái Lan sẽ sắp bán tại Hà Nội với giá không cao hơn bao nhiêu so với ở Thái, các dòng sản phẩm mạnh của chăn nuôi thế giới như bò Úc, gà Thái Lan hay lợn Đan Mạch sẽ bán với thuế suất bằng không ngay tại Việt Nam. 

Trong bối cảnh đó, chăn nuôi trong nước hiện đã bão hòa với nhu cầu phục vụ cho 90 triệu dân, chỉ cần tăng thêm một chút, mỗi năm 3-5% thôi là sẽ dư thừa, giá lập tức hạ. Nhiều ý kiến nói giá hạ do NK nhưng không hẳn, bởi NK rất ít, còn chủ yếu vẫn do đầu ra chúng ta không có trong khi nội địa đã đủ nguồn cung. 

Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang chuyển cơ cấu sang chăn nuôi, nguồn cung sẽ còn dư thừa nữa. Vì vậy, chăn nuôi không còn cách nào khác là phải bung ra, trước hết là đứng vững và tồn tại được trước làn sóng cạnh tranh của các nước, xa hơn là phải vươn ra XK. 

Muốn thế phải hạ giá thành, không chạy theo tổng đàn mà phải hạ giá thành, tăng chất lượng và phát triển bền vững. 

Gà Việt Nam sẽ buộc phải tiến gần chất lượng, giá thành như gà Thái Lan, bò thịt của ta sẽ phải tiến gần tới như bò Úc, lợn sẽ phải tiến gần tới giá thành, chất lượng ngang lợn Đan Mạch. 

Nhiều ý kiến nói sao không dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn NK, nhưng đâu có dễ, phải chứng minh được xem có phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế hay không, chứ không phải là điều dễ dàng gì.

(Bộ trưởng Cao Đức Phát)

 

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo