TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… được xem là thủ phủ của nghề nuôi cá sấu ở nước ta. Tuy nhiên, hiện giá cá sấu thương phẩm đang rớt thê thảm ở mức hơn 30.000 đồng/kg, khiến lượng cá sấu tồn đọng lên đến trăm ngàn con.
|
Giá cá sấu rớt thê thảm, người chăn nuôi đành giữ lại và bỏ đói cá sấu |
Rớt giá thê thảm
Đến thăm trại cá sấu Thủy Lợi, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai), anh Tuấn chủ trại cho PV biết: “Thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/kg, chưa năm nào giá thấp như năm nay, thật không thể tin nổi. Năm ngoái, giá lên đến tới 200.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng hết, thấp nhất thì cũng hơn 120.000 đồng/kg. Hiện, giá giảm mạnh nên tôi chưa dám bán, nếu tình trạng kéo dài thì chắc chắn thua lỗ nặng”.
Anh Nguyễn Hữu Bằng, người có thâm niên hơn 10 năm nuôi cá sấu tại huyện Hóc Môn (TP. HCM) chia sẻ, hiện trang trại của anh có hơn 200 con cá sấu đã tới lứa xuất chuồng nhưng thương lái không mua. Cách đây vài tháng, khách hàng tới chuồng ngã giá thu mua với 100.000 đồng/kg, sau đó sụt còn 80.000 đồng/kg, rồi 50.000 đồng/kg.
Đáng lẽ, thời điểm này, trại cá sấu của anh Bằng đã bán hết lứa lớn, chuẩn bị cho lứa cá sấu con.
Tuy nhiên, do giá bán thấp nên toàn bộ cá sấu đến tuổi bán vẫn được giữ lại trong chuồng. “Để lại càng lâu thì lại càng tốn tiền thức ăn, mà chúng không lớn được bao nhiêu mà bán ra thì lỗ nặng nên thà giảm khẩu phần ăn để chờ cơ hội lên giá.
Thời gian tới, giá cá sấu không được cải thiện thì tôi chấp nhận bán lỗ vì không trang trải nổi tiền thức ăn, vệ sinh chuồng trại... Tính sơ, nếu bán 100 con cá sấu với giá 70.000 đồng/kg, tôi đã lỗ 40 triệu đồng. Hiện tại, giá giảm còn chưa đến 50.000 đồng/kg thì có lẽ tôi phải bán tháo để chuyển đổi mô hình kinh doanh….
Cứ đà này, không bao lâu nữa, người nuôi như chúng tôi sẽ phá sản", ông Bằng lo lắng.
Các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi cá sấu thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành này, nguyên nhân là vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường bên ngoài.
Thương lái lợi dụng tình hình khó khăn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ số lượng ít, không tìm được đầu ra để ép giá, gây bất an cho người nuôi. Với giai đoạn hiện nay, các hộ chăn nuôi cá sấu Việt Nam mất thế chủ động hoàn toàn, giá thu mua cá sấu phụ thuộc vào thương lái.
Bài học cũ
Theo đó, những năm trước, thương lái thu mua cá sấu thương phẩm giá khoảng 230.000 đồng/kg và mua tất cả các loại cá sấu, lúc này người nuôi có lợi rất cao. Do vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích, mô hình chuồng trại chăn nuôi cá sấu “nở” ra ồ ạt. Lúc khan hiếm, thương giá còn đẩy giá lên gần 300.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch hợp tác xã cá sấu Đông Nam Bộ cho biết: "Mô hình trang trại nuôi cá sấu rầm rộ từ năm trước, chúng tôi đã lo ngại và cảnh báo tình trạng tồi tệ xảy ra. Một phần do người dân bị cuốn theo phong trào nên chỉ một thời gian ngắn, lượng cá sấu tăng đột biến. Riêng tỉnh Đồng Nai có gần 300 cơ sở nuôi cá sấu với hơn 100 ngàn con, Cà Mau gần 300 ngàn con, TP. HCM và Bạc Liêu mỗi địa phương khoảng 200 ngàn con.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do thua lỗ nên số lượng cá sấu nuôi thêm chỉ tăng hơn 10.000 cá thể. Phần lớn lượng cá sấu đến nay có thể xuất bán nhưng người chăn nuôi vẫn tiếp tục kiên nhẫn chờ giá lên, bán thì lỗ không bán, đọng vốn và dễ lún sâu vào nợ nần".
"Tương tự như trường hợp “giải cứu” chuối và lợn mới đây, chúng tôi đã chứng kiến bài học cũ lặp lại. Chuyện thương lái đẩy giá lên cao khi người dân đổ xô nuôi trồng rồi sau đó dìm giá xuống ngay. Lúc này, người nuôi hoang mang tìm cách bán gấp nên càng bị ép giá, cá sấu càng lớn, giá càng thấp", ông Thành nói.
Người nuôi xác định, cá sấu là loại động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, một nhân công có thể chăm sóc gần 400 cá thể. Chính vì thế, giá cá sấu bị thương lái tạo ra cơn sốt ảo, đẩy mức lên cao chưa từng thấy. Thấy lợi trước mắt, các trại nuôi cá sấu ở khu vực tăng lượng nuôi. Đùng một cái, cuối năm ngoái, giá cá sấu còn hơn 40.000 đồng/kg và hiện nay giá chỉ còn quanh quẩn 60.000 đồng/kg.
Cũng theo lời ông Thành, trước đó, TP.HCM đã thành lập Làng cá sấu Sài Gòn để thu hút người nuôi tham gia hợp đồng, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá sàn 120.000 đồng/kg, nhằm ổn định đầu ra bền vững cho người nuôi.
Ngoài ra, làng nghề còn đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn cách chế biến cá sấu thương phẩm thay vì bán thô ra bên ngoài. Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận, khi giá cá sấu được thương lái đẩy lên cao, một số nông dân đã ký kết hợp đồng với làng cá sấu Sài Gòn phá vỡ hợp đồng bán cá sấu ra bên ngoài. Lúc đó, làng nghề gặp nhiều khó khăn vì giá tăng cao, thiếu nguyên liệu chế biến.
Trước tình hình ngành chăn nuôi cá sấu lâm nạn, ông Thành đề nghị thành lập Hiệp hội cá sấu Việt Nam. Qua đó, để có tiếng nói chung và bảo vệ ngành chăn nuôi cá sấu trước sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo kẻ hở cho thương lái nước ngoài vào ép giá.
Hiệp hội giúp cơ quan chức năng làm tốt vai trò định hướng trong tổ chức chăn nuôi, kế hoạch phát triển chăn nuôi cá sấu Việt Nam gắn với công tác quản lý, thay vì để nông dân phát triển chăn nuôi tự phát như hiện nay.